Nhóm 11 phụ nữ Nhật Bản sinh sống và làm việc lâu năm tại Hội An và Đà Nẵng vừa được tham dự một chuyến khảo sát, du lịch các làng nghề và cửa hiệu thủ công của Quảng Nam. Và, họ đã chỉ ra những mảnh vụn mà ít người làm du lịch nào để tâm...
Trải nghiệm các phương thức sản xuất cũng như cần kể thêm những câu chuyện của làng nghề là điều các du khách mong muốn khi tham gia tour du lịch làng nghề. |
Quà lưu niệm trông vẫn... chợ
Ông Nakamura Manabin - chuyên gia về du lịch làng nghề của JICA chia sẻ, vì muốn tìm hiểu nhu cầu của người Nhật khi sang du lịch tại Việt Nam, các chuyên gia của JICA đã quyết định tổ chức thử nghiệm một tour du lịch quanh các làng nghề và những điểm dừng chân trong chính dự án họ hỗ trợ cho Quảng Nam. “Để thực nghiệm, chúng tôi mời những người phụ nữ Nhật Bản có thời gian sinh sống và làm việc tại Quảng Nam - Đà Nẵng, họ có thể là doanh nhân hoặc là vợ của những doanh nhân, chuyên gia các tổ chức đang làm việc tại Hội An, Đà Nẵng. Người có thời gian lưu trú tại Việt Nam ít nhất là 6 tháng và có người đã ở đây đến 11 năm” - ông Nakamura Manabin nói.
Chuyến tham quan được tổ chức vào giữa tháng 1.2019. Những người phụ nữ Nhật được chở đến làng đúc đồng Phước Kiều (thị xã Điện Bàn), đi bộ quanh làng, xem những nghệ nhân đúc đồng thẩm âm cho chiêng và được giới thiệu về lịch sử của làng nghề. Sau đó, họ được đưa đến Cụm công nghiệp và làng nghề Đông Khương, cũng nằm tại địa phương này, tham quan và trải nghiệm làm mộc cùng tốp thợ của nghệ nhân nhân dân Nguyễn Văn Tiếp. Sau thời gian ăn trưa với những đặc sản Quảng Nam, những người phụ nữ Nhật được giới thiệu đến Hội An thăm làng gốm Thanh Hà, làng rau Trà Quế, Làng lụa Hội An và dừng ở cửa hàng “Tinh hoa làng nghề xứ Quảng” để mua sắm hàng lưu niệm.
Sau một ngày tham quan, họ gửi lại những đánh giá và góp ý của mình cho các chuyên gia của JICA. Ông Nakamura nói, thật bất ngờ, khi phần lớn các nhận định đều rơi vào việc cần cải thiện quà lưu niệm nếu muốn “móc hầu bao” của du khách. “Họ cho rằng cảnh quan làng nghề rất đẹp, người dân hiền lành mến khách. Tuy nhiên, họ muốn tour tham quan của họ có nhiều giá trị thông tin về văn hóa, lịch sử làng nghề, thậm chí trên các tuyến đường của làng nghề nên có các chỉ dẫn thông tin, biển hiệu nho nhỏ. Đặc biệt, hàng thủ công mỹ nghệ và quà lưu niệm cần phải tinh xảo hơn. Bánh kẹo thì phải đẳng cấp hơn. Dù là hàng thủ công nhưng vẫn phải có bao bì đẹp, văn minh. Vì bây giờ trông nó vẫn giống hàng chợ” - ông Nakamura chia sẻ những góp ý của những người phụ nữ Nhật gửi lại.
Phát triển phải tự cải thiện
Trong khi đó, theo một khảo sát của nhóm lữ hành chuyên đi khách lẻ người Nhật, họ cho biết, mức độ chi tiêu dành cho quà lưu niệm của người Nhật không nhiều. Tuy nhiên, so với cấp độ lan truyền về giá trị và sự tìm đến của nhiều du khách thông qua các lời giới thiệu của người đi trước, đối với khách Nhật lại khá cao. “Họ chỉ bỏ ra từ 50 nghìn đến 200 nghìn đồng cho một món quà lưu niệm. Nhưng bù lại, họ không đòi hỏi một gói kẹo phải thật đầy. Họ chỉ cần làm sao cho nó thật đẹp trước đã. Nếu một gói bánh đậu xanh Hội An hiện nay có đến 10 cái trong một túi, thì thậm chí họ chỉ cần 5 cái thôi, nhưng phải bao bì đẹp, vệ sinh” - ông Ishi Katsuhito, chuyên gia từ thành phố Minamiboso cho biết.
Vậy, các làng nghề muốn phát triển du lịch cần phải làm những gì? Ngoài những giá trị về lịch sử, văn hóa nghề nghiệp cũng như cảnh quan có sẵn, họ phải tạo ra những giá trị mới. Đối với du khách Nhật, điều tiên quyết họ có quay lại một địa danh nào đó nữa hay không, chính là vấn đề vệ sinh. Nhiều ý kiến từ các phản hồi của nhóm phụ nữ Nhật Bản tham gia tour du lịch do JICA tổ chức cho thấy, các công trình vệ sinh công cộng ở những làng nghề họ đặt chân đến chưa đạt yêu cầu. Thêm vào đó, họ mong muốn những nhân viên giao dịch ở các quầy hàng lưu niệm thay đổi thái độ giao tiếp, các cơ sở sản xuất muốn tham gia làm du lịch cần phải có hoạt động trải nghiệm nhiều hơn cho du khách... “Làm tour làng nghề thì phải có trải nghiệm và câu chuyện, thông tin đọng lại với du khách. Bên cạnh đó, hàng thủ công mỹ nghệ cần có thiết kế trông hiện đại và chất lượng cao cấp hơn. Hiện nay sản phẩm làng nghề vẫn chưa có sản phẩm hướng về du khách” - ông Ishi Katsuhito nói thêm.
Những làng nghề phải đặc sắc là điều đương nhiên trong guồng quay phát triển du lịch. Nhưng làm gì để tiệm cận với nhu cầu của du khách quốc tế hiện đại vẫn là điều cần phải nghĩ dài hơn...
XUÂN HIỀN