Không chỉ lôi cuốn độc giả bằng tài năng kể chuyện cuộc sống qua những bức ảnh sinh động ở nhiều nơi trên trái đất, Martin Edström còn tham gia nhiều dự án góp phần bảo vệ giá trị văn hóa và môi trường sống tại nhiều điểm đến.
Martin Edström thực hiện phóng sự ảnh 360 độ tại hang Sơn Đoòng. Ảnh: storify |
Tháng 5 vừa qua, Martin Edström đã khiến hàng triệu độc giả thế giới choáng ngợp qua phóng sự ảnh “Fly through a colossal cave: Son Doong in 360º” (Bay xuyên qua một hang động khổng lồ: Sơn Đoòng 360 độ) được đăng trên tạp chí National Geographic (Địa lý quốc gia) Mỹ. Những bức ảnh phiên bản điện tử sinh động của Martin Edström như giúp nhiều người có được cơ hội chiêm ngưỡng và khám phá hang động lớn nhất thế giới nằm ở Quảng Bình của Việt Nam. Độc giả như thấy mình đang thực sự là nhân vật chính tham gia cuộc hành trình kỳ thú, như đang lọt thỏm vào mê cung đẹp đến nghẹt thở của tạo hóa.
Ngay từ đầu năm 2015, Martin Edström, với sự góp sức của những người bạn đã thực hiện loạt ảnh 360 độ trên, theo dự án dành riêng cho National Geographic, với sự tài trợ của Global Discovery Fund (Quỹ khám phá toàn cầu) nhằm ghi lại sự toàn vẹn vẻ đẹp Sơn Đoòng trước khi có sự can thiệp của con người. Trả lời phỏng vấn trên National Geographic, Martin Edström nói, trải nghiệm hang Sơn Đoòng là cảm giác quá đỗi tuyệt vời trong cuộc đời của người làm báo và cho những người đam mê khám phá thiên nhiên, đam mê du lịch, cho những nhà nghiên cứu.
Martin Edström chia sẻ, rằng mọi người đều có cơ hội để thưởng thức những vẻ đẹp, giá trị mà thiên nhiên ban tặng. Các nhà quản lý sẽ tạo mọi điều kiện để con người được tham quan một cách dễ dàng hơn, đem lại cơ hội phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh đất nước và con người nơi đó. Song, con người không thể tiến hành, đối xử với di sản thiên nhiên một cách vô trách nhiệm, không nên thu lại bằng mọi giá. Điều chúng ta cần làm, như với Sơn Đoòng là phải bảo vệ một cách nghiêm ngặt nhất.
Đến nay, Martin Edström không những làm việc cho các tờ báo danh tiếng như National Geographic, New York Times và The Guardian mà Martin Edström cũng tham gia các hoạt động của Cơ quan phát triển Liên hiệp quốc, Ủy ban cứu trợ quốc tế, hiện là Phó Chủ tịch Tổ chức phóng viên không biên giới tại Thụy Điển. Trong đó, các dự án bảo vệ môi trường tại một số nước đang phát triển được Martin Edström tiến hành rất hiệu quả, bằng chính tác phẩm của anh - phóng sự ảnh. Trong đó có dự án “Cứu núi Everest” tại Nepal - nơi mỗi năm có hàng chục nghìn người đặt chân khám phá. Nhưng rác thải là hệ lụy từ vấn đề bùng nổ du lịch. Ước tính, mỗi năm đỉnh núi Everest gánh chịu 50 tấn rác thải chủ yếu từ các loại lon, hộp thiếc, túi ni lông rất khó phân hủy.
Từ những bước ảnh của Martin Edström góp phần báo động con người về tác động của du lịch đến môi trường, nếu không có sự tích cực trong việc quản lý, xử lý, hạn chế rác thải và ý thức bảo vệ trái đất của mỗi người. Việc tương tác bằng những bức ảnh, những câu chuyện qua ảnh sẽ giúp người đọc hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
KIM OANH