Mật sim

THẢO NGUYÊN 30/12/2018 07:40

Sớm nay, làng đón nhiều đoàn khách, chắc phải mấy trăm người. Trường hơi chột dạ khi thấy ông Tư Hiệp và đội chèo đò mướt mồ hôi ngược từ bến Nhớ về, đưa từng đoàn người ngang dọc bến Thương thăm thú trước khi lên xưởng của anh. Mấy tháng trước, Trường tính đầu tư thuyền máy loại lớn, cuối năm thể nào cũng rất đông khách du lịch, nhưng Miên bàn ra: “Như rứa đâu còn là đặc sản bến Thương. Người ta về đây vì thích cái hồn quê yên tĩnh, lướt trên sông nước nhẹ nhàng nhìn núi ngắm sông mới thấm”. Miên nói để cô chạy phụ, xốc vác với nhau một tay rồi đâu cũng vào đó thôi. Tóc Miên đã lại dài suôn óng, không còn ngắn nham nhở như hồi Trường gặp ngoài xóm Khô.

Ngày Miên ôm thằng Phúc bỏ làng đi, ông Tư Hiệp ngồi thở dài, nói làng mình không giữ được con gái. Trường hộc tốc chạy bộ chân trần từ giếng làng lên tận bến xe thị trấn, đứng ngơ ngác kiểu chim lạc bầy. Nỗi buồn của anh là một câu chuyện khác, chừng như Miên không biết. Hoặc có thể, cô đã tỏ tường, chỉ là chưa bao giờ nghĩ đến việc phá vỡ nó.

Hai đứa ở cùng làng, Trường hơn Miên ba tuổi. Từ nhỏ anh đã quen trèo cây hái khóm mít, làm nạng thun bắn chim, lên đồi hái sim. Thi thoảng, Trường vô rừng kiếm dây mây về cắm cúi đan giỏ. Trong khi chị em đều trắng trẻo thì Trường đen trùi trũi, hai cánh tay to bè như mái chèo. Người làng chọc: “Có khi vợ chồng Bảy Hỉ lượm nó đâu dưới vũng sình về nuôi”. Trường nghe, cười hì hì.

Từ độ sinh thằng út, má Trường bị thần kinh tọa không làm được việc nặng. Ba Trường mất vào một chiều trở gió, vì đột quỵ. Hai em, đứa học ngoài Đà Nẵng, đứa vô miền Nam làm công nhân. Nhà có ba sào ruộng, mười con bò, ba con trâu với hai nà bắp ngoài bến. Ngày nào cũng như ngày nào, tầm bốn giờ sáng Trường đã cựa mình thức giấc, và vội tô cơm rồi cắp nón, vác cuốc đi. Gần ba mươi tuổi đầu Trường chưa biết thành phố ra sao. Ngay như thị trấn cách nhà đâu chừng mười cây số mà phải mấy năm Trường mới lên một lần nhân hội thao các huyện miền núi. Bà Bảy Hỉ giục: “Cứ bắn chim với hái sim miết rồi hồi mô mới có vợ được bây?”. Trường nhảy dựng lên: “Thôi, ở với má chớ vợ con chi”.

Từng cùng nhau trốn học đi hái sim ăn, cùng nhau ra bến Thương tắm mỗi chiều, nhưng khi lớn lên, cứ thấy Miên, tim Trường lại đập dồn, chân tay lóng ngóng. Có bận, Trường đứng dưới giếng làng rửa chân, miệng ngân nga mấy câu “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi”. Miên ngang qua, cười cười: “Chớ tính đi mô mà thương cha, nhớ mẹ rứa anh Trường?”. Trường quýnh quáng làm đổ ập gàu nước xuống đầu anh Ba Tình. Ổng cười sằng sặc: “Đàn ông đàn ang kiểu chi, thấy con gái là như gà mắc tóc rứa cha nội”. Trường chống chế: “Tui lỡ tay chớ bộ”. Thương Miên từ lâu lắm mà Trường không dám nói. Vậy rồi Miên ra phố học, Trường ở lại làng cùng đàn bò, đồi sim.

Quý tính Trường thiệt thà, chăm chỉ, nhiều cô bật đèn xanh, anh thẳng thắn: “Tui có người thương rồi”. Về sau này, làng chẳng còn con gái nữa, đứa bỏ qua Thái, qua Cam, đứa vào Nam kiếm đường mần ăn, có đứa còn chạy tuốt luốt bên Hàn làm dâu, chuyện mới tới tai Bảy Hỉ. Bà gặng hỏi mãi, Trường vẫn im cho đến khi làng nháo nhác với cái tin Miên biệt tăm thì mọi sự vỡ lẽ. “Đời này hết con gái rồi sao bây?” - bà thảng thốt. Không phải Bảy Hỉ ghét Miên, ngược lại, bà đã từng mong có được con dâu như cô. Chỉ là gia đình Miên đã thành một mớ hỗn độn thật sự, quá phức tạp và rắc rối trong nếp nghĩ bà. Dây vào Miên, thằng con trai với trái tim quá thuần khiết của bà chỉ khổ mà thôi. Miên mồ côi mẹ, ba mất vì bệnh AIDS, chị Hai ra đi trên bàn sinh, bỏ lại đứa trẻ còn đỏ hỏn mà giờ gọi cô là má. Bên nội nó không biết ăn trúng thứ gì mà sau bốn năm trời ghẻ lạnh, lại thành ra quyết liệt đòi cháu. Chưa kể người trai thành phố, nghe đâu là kiểm sát viên, giỏi lắm và giàu lắm, chiều nào cũng đứng ngay cổng làng chờ Miên.

...

Chòi nằm liêu xiêu ven biển, mấy tấm bạt quay lại thành một khối hình, không ra vuông, cũng chẳng phải chữ nhật. Thằng Phúc mặt mày lấm lem chơi đá banh với tụi nhóc trên bãi cát. Miên cúi lom lom đánh vẩy thau cá trích trước mặt, bốn bề là những vỉ khô đang phơi dở. Nón lá thụp xuống, che khuất một gương mặt hốc hác, thân hình còm cõi. Cái cảnh làm Trường thương ứa nước mắt. Trường chẳng nói gì, lẳng lặng ào vô phơi cá. Quá bất ngờ, hay vì cảm động, Miên buông thõng hai cánh tay, ngồi ngó Trường trân trân.

Đêm đầu tiên ở xóm Khô, Trường nói: “Tui ngủ ngoài bãi cũng được, không phiền má con Miên”. Thằng Phúc giãy nãy: “Rứa kỳ chết, đồng hương mà chú”. “Cái thằng, mới hồi nào còn ôm rịt cổ má, giờ đã biết gọi đồng hương”. 

Một gã trai chưa lần nào đi xa khỏi thị trấn, rốt cuộc đã lội qua không biết bao nhiêu ngóc ngách, lên rừng, xuống biển chỉ mong tìm được dấu bước chân má con Miên. Trường không định liệu trước, giả sử gặp Miên sẽ nói gì: “Tui thương Miên”, “Về thôi Miên” hay sao nữa. Chỉ biết rằng, chí ít, anh phải thấy được Miên khỏe mạnh. Cuộc tìm của Trường kéo dài ba năm, vô Nam, ra Bắc, rồi ngược về Đà Nẵng. Út Mạnh, em trai Miên ngồi với Trường ngoài bờ sông, không còn tránh né ánh mắt anh như hồi Miên mới bỏ làng đi. Sau bữa đó, Trường nhảy xe đò lúc ba giờ sáng, nắm chặt trong tay mảnh giấy Mạnh vừa nguệch ngoạc dòng địa chỉ, biết rằng mình sẽ không lần lữa lời thương thêm nữa.

Đợi con say ngủ, Miên mới dám mở lời: “Trường về đi”. “Tui thương Miên. Để má con Miên ở đây thân cô thế cô ri, răng tui sống được” - Trường đột ngột đứng dậy, nói một hơi như thể can đảm cả đời đã gom hết vào đây rồi. Hai đôi đồng tử chạm nhau, ngoài xa sóng biển vẫn rì rầm.

Trường đi lưới cá với cánh thanh niên xóm Khô, ngủ luôn trên thuyền. Mỗi đợt vô bãi, Trường lại chạy lên chòi coi má con Miên sống sao, hũ gạo đã đầy chưa, chái bếp có đủ mắm, muối không. Lãnh tiền công, Trường rụt rè: “Miên mua gì đó cho hai má con”. “Má con tui sống vầy được rồi, đâu xài gì nhiều”, Miên lắc đầu. “Rứa thì Miên cất giùm, chớ tui ở biển miết, cầm tiền chi”. Tuyệt nhiên, anh chẳng lần nào nhắc đến chuyện về quê hay yêu thương nữa. Trường cục mịch, quê mùa, nhưng không phải người cạn nghĩ, Miên sẽ đưa ra lựa chọn vào một lúc nào đó mà cô đã sẵn sàng.

...

“Tuyệt vời! Vợ tôi sẽ rất thích chúng”, vị khách người Phần Lan giơ cao chai mật sim, vẻ hào hứng. Vợ ông mắc phải chứng bệnh Parkinson. “Chúng tôi gặp nhau tại Phần Lan, cô ấy thường nói về quả sim, một loại trái thật kỳ lạ và cũng thật đẹp. Nó thuộc về ký ức tuổi thơ của vợ tôi, một cô gái Việt Nam” - Miên dịch từ lời vị khách. Trường gật đầu. Ngoài chục chai mật sim đặt mua, Trường tặng thêm cho ông một chai: “Chúng tôi gửi biếu chị nhà”. Lúc bước xuống đò, vị khách quả quyết rằng ông sẽ trở lại bến Thương cùng vợ và bạn bè mình.

Vẫy tay chào đoàn khách, những người đã đến và rời đi với hàng trăm chai mật sim, Trường quay sang nhìn vợ. Ánh mắt trong veo, nụ cười hiền từ và bộ bà ba màu tím hoa sim của cô nổi bật trên nền bến quê xanh màu ngọc bích. Ký ức xóm Khô trở về. Bữa đó, có nhóm bạn trẻ ngang xóm, nhờ Miên làm giùm món gỏi cá trích. Họ ngồi chuyện trò, chơi ghi ta ngoài bãi. Sẵn đang trong đất liền, Trường phụ Miên chạy ra, chạy vô tới tận khuya, khi nướng cá, làm gỏi, khi pha bình trà đá, nhưng không nhận tiền công, chỉ lấy đúng giá cân khô cá trích. Một người chìa cho Miên hộp giấy đựng toàn  sim chín, nói quý chị nên chia, quà này hiếm lắm đó nghe. Trường chú ý thấy mắt Miên bọng nước. “Chắc nhớ quê”. Thì chính Trường cũng quay quắt nhớ còn gì. Bà Bảy Hỉ đã lớn tuổi, mấy đứa em Trường không đứa nào tính đường về quê. Mỗi lần Trường gọi điện, hai má con chỉ nói sức khỏe, nói đàn bò nay có thêm vài con mới sinh: “Tao hụt hơi, nhưng kiểu chi cũng giữ đàn bò chờ bây về”. Trong năm tháng vò võ tìm người thương, Trường cũng tự xỉ vả bản thân tội bất hiếu, biết làm sao cho vẹn cả hai đường.

Chính Miên gợi ý trở về vào đêm trước ngày Trường theo thuyền ra khơi. Miên từng nghĩ cuộc đời mình là một lời nguyền. Có lẽ cô đang phải trả giá cho lỗi lầm nào đó của tiền kiếp mà bản thân không biết rõ. Rời làng, Miên nghĩ mình sẽ ổn khi không còn bên tai những rủa xả, những tị hiềm. Sự thật lại trái ngược hẳn, Miên buồn, nỗi buồn của người xa xứ. Đêm nào cô cũng thao thức, nhớ ngôi nhà sau núi, phía trước mặt là bến Thương. Mộ ba má, chị Hai trên đồi biết ai trông nom, hương khói. Tình yêu chân mộc, đơn thuần của Trường, cuối cùng đã đánh thức khao khát hạnh phúc nơi Miên.

Miên trao cho Trường lọ thủy tinh nhỏ chứa chất lỏng màu tím ngắt: “Quà của các bạn, Miên không nỡ ăn, đem ủ với đường cho lên men tự nhiên, rồi nó ra vậy đó. Phúc uống thử, nói ngon lắm. Bọn mình có thể bắt đầu với nó ngay tại làng”. Trường sửng sốt, sau vài giây choáng váng, anh giang rộng vòng tay muốn ôm Miên thật chặt, nhưng cô bước thụt lùi. “Miên không thể làm mẹ được nữa. Miên chỉ muốn làm gì đó ở làng. Phúc cũng cần được biết về ba má, ông bà ruột thịt của mình. Thằng bé sẽ lớn lên trong tình thương chứ không phải những tranh giành, thù hận của người lớn” - Miên khóc, những giọt nước mắt chát mặn đã phải kìm giữ rất lâu. “Mình có thằng Phúc mà” - Trường đáp lại cô một câu thật nhẹ  nhưng như chứa sức nặng của cả một cuộc đấu tranh dai dẳng. Trường có ở đó, phía sau rặng tre vào ngày Miên ôm chị Hai khóc ngoài bến, nói về cái đêm tóc dài Miên rủ xuống trên đại lộ, về đứa con chưa kịp thành hình trong bụng Miên, về người trai thành phố mà Miên đã từng thương sống chết.

...

Vợ chồng Miên đi rừng đào từng bụi sim còn nguyên bầu đất về trồng, gánh nước sông lên tưới. Qua thời gian cây cho trái chín mọng, hai vợ chồng lại ủ đường trong chum sành thành những giọt mật sim óng ánh, có vị ngọn lẫn chua cay. Vốn muốn khai thác đường du lịch từ thành phố về bến Thương, một bến nhỏ vùng trung du với những khối đá sừng sững chạy dài và dòng sông hiền hòa tựa tranh vẽ, con trai ông Tư Hiệp đã rất hào hứng trước tin vợ chồng Miên làm mật sim “ngon quá trời quá đất”. Hai bên kết hợp, tiếng lành đồn xa, người ta về bến Thương ngày càng nhiều. Và, nỗi buồn “làng không giữ được con gái” tan dần. Cánh thanh niên từng bỏ làng đi làm ăn xa, giờ cũng quay về xin vô xưởng mật sim này.

THẢO NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mật sim
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO