Những năm qua, đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện (TTTTN) theo dự án 174 của Bộ Quốc phòng đã cống hiến sức mình góp phần xây dựng vùng biên giới phía tây của tỉnh ngày càng phát triển, xây dựng diện mạo nông thôn mới khởi sắc.
Theo Trung tá Trần Ngọc Tâm - Phó Chính ủy Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 207, theo dự án 174 của Bộ Quốc phòng về “Tăng cường TTTTN đến công tác tại các khu KT-QP giai đoạn 2010-2020”, trong 2 năm (2014-2016) đã có 25 TTTTN được tuyển chọn vào làm việc, công tác tại Đoàn KT-QP 207. Đây là những sinh viên vừa mới tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng và trung cấp, có nguyện vọng được tham gia dự án 174 và có sự nhiệt huyết, chịu đựng khó khăn, gian khổ và cống hiến hết mình xây dựng vùng biên giới phát triển.
Trí thức trẻ tình nguyện hướng dẫn bà con phương pháp trồng rau sạch. Ảnh: T.ANH |
Anh Ngô Thanh Tài, sinh ra và lớn lên ở xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, năm 2013, tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Công nghệ sinh học tại trường Đại học Đà Lạt, qua thông tin đại chúng anh biết được dự án 174 của Bộ Quốc phòng nên tình nguyện đăng ký tham gia và được tuyển chọn vào Đoàn KT-QP 207 đứng chân tại thôn Pa Lan, huyện Nam Giang. Nhớ lại những ngày đầu đến với vùng biên giới, điều kiện ăn ở, sinh hoạt, giao thông đi lại còn gặp muôn vàn khó khăn, nhiều lúc làm anh nản chí. Nhưng được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của Đoàn KT-QP 207, anh đã từng bước vững tin và yên tâm đóng góp sức mình trên vùng biên giới này. Anh Tài tâm sự: “Bản thân xác định lên vùng biên giới này công tác với mong muốn được trải nghiệm và tự khằng định mình trên con đường lập thân, lập nghiệp. Bên cạnh đó, tôi hy vọng bằng kiến thức được học và sức trẻ, nhiệt huyết của mình sẽ từng bước giúp bà con đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.
Qua 2 năm công tác tại Đoàn KT-QP 207, đội ngũ TTTTN đã cùng với cán bộ, chiến sĩ đơn vị tham gia hàng trăm ngày công làm đường giao thông nông thôn; tư vấn sức khỏe cộng đồng, khám chữa bệnh cấp phát thuốc và tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước sạch, nước uống tinh khiết. Hướng dẫn cho bà con thực hiện mô hình nuôi bò theo nhóm hộ, mô hình trồng bắp lai NK54, trồng cỏ VA06, mô hình mỗi hộ một vườn rau sạch, mô hình trồng đẳng sâm và lúa nước… Bên cạnh đó, từng TTTTN đã phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với hơn 2.200 lượt người; vận động, hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn minh, phòng chống dịch bệnh, kế hoạch hóa gia đình, bài trừ các hủ tục, tham gia bảo vệ rừng.
Tổ chức các lớp dạy hè miễn phí cho hơn 100 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 tại xã Phước Mỹ (Phước Sơn), xã Chà Vàl và xã La Êê (Nam Giang). Ngoài ra, anh chị em TTTTN còn tham gia tổ chức bữa cháo dinh dưỡng buổi trưa hàng ngày cho các cháu mẫu giáo tại trường mầm non, cùng với quân y của Đoàn KT-QP 207 khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 5.000 lượt người, tặng quà cho đối tượng chính sách…. Bà Bling Hêh, thôn Pa Lan, xã La Êê, Nam Giang tâm sự: “Trước đây gia đình mình khó khăn lắm, chủ yếu dựa vào làm nương rẫy. Từ khi được bộ đội Đoàn 207 giúp đỡ, hỗ trợ nuôi bò nhóm hộ, nhất là được anh chị em TTTTN đến hướng dẫn cách thức chăn nuôi, trồng cỏ thì đến bây giờ bò phát triển rất tốt, có thêm thu nhập, không sợ đói cái bụng nữa”.
Dẫu biết rằng, con đường xóa đói giảm nghèo cho bà con nhân dân trên tuyến biên giới Tây Giang - Nam Giang - Phước Sơn vẫn còn lắm chông gai, thử thách nhưng với sự nhiệt huyết, xung kích, sáng tạo và kiến thức của mình, tin rằng, đội ngũ TTTTN sẽ tiếp tục cùng với Đoàn KT-QP 207 giúp đồng bào các dân tộc thiểu số phía tây của tỉnh ổn định cuộc sống, góp phần xây dựng và giữ vững sự bình yên cho vùng phên giậu của Tổ quốc.
TUẤN ANH