Mê mải cuộc chơi với lá

ĐĂNG NGỌC 05/06/2022 08:07

Những chiếc lá, giờ đây không đơn thuần là màu sắc của thiên nhiên nữa. Qua bàn tay tài hoa của cô giáo âm nhạc, chiếc lá trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Hằng ngày, sau giờ dạy học, cô giáo Nguyễn Như Sinh đều miệt mài với công việc tạo hình tác phẩm nghệ thuật từ lá. Ảnh: ĐĂNG NGỌC
Hằng ngày, sau giờ dạy học, cô giáo Nguyễn Như Sinh đều miệt mài với công việc tạo hình tác phẩm nghệ thuật từ lá. Ảnh: ĐĂNG NGỌC

Cuối tháng 5, khi tôi đến thăm, cô giáo Nguyễn Như Sinh - giáo viên Trường THCS Phù Đổng (xã Đại Đồng, Đại Lộc) đang mải mê chải chuốt từng chiếc lá bồ đề để hình thành dự án nghệ thuật theo đơn hàng của khách.

Cô Sinh nói, những chiếc lá này, sau công đoạn “ủ nước” chừng hơn một tháng, đã trở nên trong vắt lạ thường với đường gân lạ mắt. Nhưng, để trở thành tác phẩm nghệ thuật xuất bán ra thị trường, còn phải qua rất nhiều công đoạn khác nữa, từ chà gân lá, nhuộm màu, phơi khô, cho đến lắp ghép tạo hình sản phẩm...

Đam mê từ nhỏ

Truyền nghề cho người khuyết tật

Vài năm trở lại đây, để tạo thuận lợi cho công việc làm tranh lá, cô Nguyễn Như Sinh tiếp nhận 3 nhân công làm việc cho cơ sở của mình. Họ là những người khuyết tật ở địa phương, được chính cô Sinh tuyển chọn làm việc chà răng lá, nhuộm màu và phơi khô, với thù lao 300 - 400 nghìn đồng/ngày. Thông qua công việc này, cô Sinh muốn truyền lại ngón nghề độc đáo cho người khuyết tật, giúp họ có công ăn việc làm, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Tôi chú ý cánh tay của cô Sinh, lúc cô ngồi chà gân lá cây bồ đề sau thời gian ngâm nước mà không khỏi trầm trồ. Liên tục và dứt khoát, động tác tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất công phu.

Và chỉ trong chốc lát, những vết ố vàng đã được “tẩy” khỏi chiếc lá, để lại đường gân khô trông khá đẹp mắt. Cô Sinh nói, đó là công đoạn khó nhất, bởi nếu không tỉ mỉ, xác lá không chỉ bám bẩn, mà còn có nguy cơ rách tươm khiến bỏ phí công sức ban đầu. Vì thế, ngoài đam mê, nghề này cần thêm sự khéo léo của chính người tạo hình với ý tưởng tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

Mải miết theo câu chuyện, khi tác phẩm “hoa vàng” hoàn tất, điều khiến tôi bất ngờ là người đang tạo ra sản phẩm nghệ thuật trước mặt mình, hoàn toàn “ngoại đạo”. Bởi cô Sinh vốn là dân… âm nhạc.

Cô Sinh kể, hồi năm lớp 9, sau những buổi học ở trường, về nhà cô tập tành thiết kế những tấm thiệp chúc mừng được làm ra bằng những chiếc lá, cỏ khô để tặng bạn bè.

Ai cũng tấm tắc khen ngợi, tạo nên động lực giúp cô nhen nhóm ước mơ sống cùng nghệ thuật tạo hình. Sau này, khi chất lượng được đầu tư hơn, nhiều tấm thiệp của cô học trò nhỏ được bán làm quà lưu niệm cho chính những người bạn cùng trường.

Trong ký ức của cô Sinh, thời điểm bắt đầu làm thiệp lá cây, có lẽ đánh trúng thị hiếu của tuổi học trò nên người tìm đến mua khá đông, khiến cô bất ngờ. Nhưng rồi, khi chính thức đặt chân vào giảng đường tại Học viện Âm nhạc Huế, niềm đam mê sáng tạo từ lá cây dần tạm gác, nhường chỗ cho những bài học và trải nghiệm thú vị của thời sinh viên. Nhưng cũng chính thời điểm học tập tại cố đô Huế, cô Sinh một lần nữa bén duyên với nghệ thuật tạo hình lá cây.

Đó là vào năm 2017, trong một lần đến chùa, khi đang ngồi dưới gốc cây bồ đề, cô tình cờ thấy được các lá rụng giữa sân đang phân hủy, một số lá thấy được rõ gân trắng. Và cô Sinh bật ra ý tưởng muốn làm các tác phẩm từ chính những lá cây này.

“Niềm đam mê từ nhỏ bỗng dưng quay trở lại, tôi thấy ở Ấn Độ và các nước khác, người ra chế tạo ra một số sản phẩm rất hay từ lá cây tự nhiên. Lá cây sau khi lắp ghép và tạo hình, trở thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo, rất đẹp và có giá trị. Vì thế, qua không gian mạng, tôi tìm tòi học cách chế tạo để tự làm ra những bức tranh sống động” - cô Sinh nhớ lại.

Nhưng, để làm ra những bức tranh nghệ thuật, với một sinh viên âm nhạc như cô Sinh là điều không hề dễ. Bao ý tưởng đành bỏ không chỉ vì sai sót nhỏ, có lúc tưởng chừng niềm đam mê vụt tắt. Rồi nhờ nghị lực và niềm đam mê thuở bé đã giúp cô dần hoàn thiện tác phẩm đầu tay, tiếp nối ước mơ trở thành “nghệ sĩ... lá”, như bây giờ.

Thu nhập từ  sự sáng tạo

Cho đến bây giờ, cô Sinh vẫn không thể ngờ, sau tháng năm miệt mài với đam mê, cuối cùng nghề… “ngâm lá cây” đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho mình và gia đình.

Bởi lúc mới thử nghiệm, cô chỉ nghĩ là “để làm thêm và thỏa đam mê sáng tạo, chứ đâu dám mơ đến việc thu nhập, làm kinh tế”. Vì thế, ngoài công việc chuyên môn ở trường, hễ lúc nào rảnh rỗi, người ta đều thấy cô Sinh cặm cụi với… lá, với những dự án mới theo đơn đặt hàng của khách.

Lá cây sau thời gian ngâm và thực hiện công đoạn chà răng, trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo với đường gân đẹp mắt.
Lá cây sau thời gian ngâm và thực hiện công đoạn chà răng, trở thành sản phẩm nghệ thuật độc đáo với đường gân đẹp mắt.

Lá cây sau khi hái về được rửa sạch và ngâm vào bể khoảng 1 tháng cùng với sinh phẩm, giúp chất diệp lục trên lá thối rửa. Tiếp đến, dùng bàn chải để chà răng lá, đây là công đoạn khó nhất, tỉ mỉ nhất trong quá trình tạo ra một chiếc lá hoàn thiện. Cuối cùng, là công đoạn nhuộm màu, phơi khô, lắp ghép thành sản phẩm nghệ thuật”.

(Cô giáo Nguyễn Như Sinh)

Cô Sinh tâm sự, dù đã nhiều năm làm nghề, nhưng để tạo ra một bức tranh theo yêu cầu của khách, cô phải bỏ công sức hàng giờ đồng hồ, thậm chí là vài ngày hoặc kéo dài tuần lễ để hoàn thiện.

Chủ yếu làm vào ban đêm, sau những giờ giảng dạy trên lớp, vì thế, thời gian với cô gần như khép kín. Có thời điểm, số lượng khách đặt lớn, trong khi sản phẩm hoàn toàn làm bằng thủ công nên đôi lúc cũng áp lực.

“Với nghề này, mỗi sản phẩm làm ra là một sự sáng tạo “độc bản”. Bởi vậy, khi nhận đơn của khách, lúc nào mình cũng vắt óc suy nghĩ nên đặt lá khô gì ở đâu, vị trí nào cho hợp lý.

Ví dụ, lá bàng có màu trắng sẽ làm hình tượng của đám mây, lá bồ đề có đuôi nhọn sẽ dùng làm đuôi hoặc lông của con rồng hoặc chim công, gà trống…” - cô Sinh chia sẻ.

Miệt mài với công việc, cô Sinh nói, mỗi tháng cô bán chừng 150 bức tranh nghệ thuật lớn nhỏ, mỗi tác phẩm có giá dao động 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. “Nhiều tác phẩm làm ra, khi giao đến tay khách trong đầu mình lại không muốn bán nữa. Bởi nó rất ưng ý với mình, bán đi cũng hơi tiếc. Tuy nhiên, điều đó là không nên vì là hàng thủ công nên để làm lại sản phẩm y hệt thì rất khó” - cô Sinh cười hiền.

Để đáp ứng nhu cầu của người sử dụng và thị trường phân phối, vài năm trở lại đây, cô Sinh tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới lạ, độc đáo để khẳng định thương hiệu. Ngoài các sản phẩm “xách tay” quen thuộc như in hình treo lá bồ đề trên ô tô, ốp lưng điện thoại, cô Sinh đang duy trì một số bức tranh đủ đầy kích thước được ghép bằng chính các lá khổ theo hình tượng linh vật.

Ấp ủ trong dự định của mình, cô Sinh nói sẽ hướng đến sáng tạo ra những bức tranh khổ lớn với nhiều nội dung khác nhau nhằm đa dạng sản phẩm nghệ thuật, mang màu sắc riêng biệt của một cuộc chơi với lá. Và hơn thế nữa, là kế hoạch mở một cửa hàng về sản phẩm lá khô, cùng truyền dạy nghề cho người khuyết tật.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mê mải cuộc chơi với lá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO