(QNO) - Tháng ba về Bình Dương (Thăng Bình), được nghe câu chuyện về trái tim người mẹ mới thấu cảm phần nào những mất mác, hy sinh của các mẹ cho độc lập dân tộc...
Trong căn nhà tình nghĩa ấm áp do Tổng cục Hậu cần Bộ Quốc phòng trao tặng, mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Khoáng ở làng Bàu Bính Hạ, thôn 5, xã Bình Dương vẫn còn nhớ rất rõ những năm tháng mà 3 con của mẹ đã hy sinh. Khi cuộc chiến tranh ở chiến trường Quảng Nam đang trong giai đoạn ác liệt nhất, nén nỗi đau, mẹ đã tiễn các con lên đường. Đó là Chị Huỳnh Thị Liên, tham gia cách mạng vào năm chị mới ở độ tuổi trăng tròn, là anh Huỳnh Phiên gia nhập quân đội năm 1967; rồi anh Huỳnh Châu cũng tham gia vào đội du kích của xã Bình Dương. Mẹ Khoáng tâm sự: “Chưa đầy 3 năm mà mẹ đã đón 3 tin dữ, 2 người con trai và một người con gái đã lần lượt ra đi, mẹ như gục ngã trước sự mất mát quá lớn này”.
Cán bộ Ban thương binh - xã hội xã Bình Dương thăm hỏi mẹ VNAH Nguyễn Thị Khoáng. Ảnh: Thúy Ưu |
Mẹ Việt Nam anh hùng Phan Thị Tảo ở thôn 4, xã Bình Dương năm nay 85 tuổi nhưng ký ức về những năm tháng chiến tranh đã cướp đi chồng và các con của mẹ vẫn không phai. Mẹ kể, năm 1968 ông Thanh, chồng của mẹ tham gia du kích xã Bình Dương và hy sinh. Khi chồng mất, mẹ rất đau buồn nhưng biến nỗi đau thành hành động, mẹ đã tích cực nuôi giấu cán bộ, bộ đội và động viên các con lên đường cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, anh Trần Quang Cảnh, người con trai lớn đã thoát ly đi bộ đội vào năm 1966, tại đơn vị CK 120, Tiểu đoàn 72 Tỉnh Đội Quảng Nam và hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Nỗi đau mất con vẫn còn đó, nhưng mẹ tiếp tục động viên anh Trần Tào vào bộ đội huyện thuộc đơn vị đặc công. Khi về hoạt động ở vùng giặc tạm chiếm, trong lúc đào hầm ngụy trang cho cán bộ thì bị địch phát hiện, anh đã hy sinh tại miếu Ông Mèo xã Bình Đào. Năm 1971, mẹ lại tiễn người con gái Trần Thị Bền vào bộ đội chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị và chị đã hy sinh, hiện đang an táng tại nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn.
Sinh ra và lớn lên ở làng Cây Mộc, nơi có truyền thống đấu tranh bất khuất của xã Bình Dương, mẹ Lê Thị Thân sớm tham gia hoạt động cách mạng và là cán bộ Hội phụ nữ của xã. Trong thời kỳ kháng chiến, mẹ tích cực đào hầm nuôi giấu, che chở cán bộ, bộ đội du kích. Mẹ đã từng nhiều lần tham gia đấu tranh chính trị và bị địch bắt bỏ tù, nhưng vẫn không làm nhụt ý chí tham gia cách mạng của mẹ. Sự hy sinh lớn lao nhất của mẹ Thân là đã cống hiến 3 người con của mình cho cuộc kháng chiến. Đó là anh Nguyễn Hòa, chị Nguyễn Thị Kế vào bộ đội ở đơn vị Tiểu đoàn 70 và lần lượt hy sinh vào năm 1968 và 1972 và anh Nguyễn Tiến Hoạch là trung đội trưởng du kích xã Bình Dương cũng đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt tại thôn 4 xã Bình Dương. “Trong gần 2 tháng liên tiếp, mẹ đã mất đi 2 đứa con, mẹ không còn đủ sức để sống nữa, thật đau đớn không gì bằng’ -mẹ Thân nhớ lại.
Giờ đây, mẹ Khoáng, mẹ Tảo vẫn canh cánh nỗi lo khi những đứa con của các mẹ là anh Huỳnh Phiên và anh Trần Quang Cảnh đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường và các mẹ chỉ mong có một ngày đón các con trở về yên nghỉ với quê hương…
THÚY ƯU