Mẹ Việt Nam anh hùng Dương Thị Ký (thường gọi mẹ Tần, ngụ thôn Xuân Trung, xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh) có 4 người con tham gia chống Mỹ, thì 3 người đã hy sinh. Những ngày tháng cuối đời, gắn với mẹ là câu chuyện cảm động về mong ước có một cây cầu cho người dân đi lại an toàn.
Ba lần tiễn con đi
Hôm theo chân anh Phạm Văn Thành - người dẫn đường, quê ở Phú Ninh - qua nhiều con đường vòng vèo thôn xóm, tôi mới đến được nhà mẹ Tần. Người gầy gò, da dẻ nhăn nheo theo năm tháng nhưng tinh thần mẹ vẫn còn minh mẫn, mẹ vẫn còn khỏe lắm. Nghe tôi hỏi chuyện xưa, chuyện về mẹ và những người con, mẹ lại sụt sùi. Lục lọi ký ức chiến tranh, mẹ kể, trong chiến tranh chống Mỹ, Xuân Trung - Ao Lầy là vùng ác liệt nhất của xã Kỳ Thịnh, Tam Kỳ (cũ). Đây là vùng đồi thơm, bọn địch tuyên truyền “mỗi gốc thơm là một người cộng sản”. Chúng oanh tạc tàn phá tạo vùng trắng để “cộng sản không nơi ẩn núp”. Nhưng sự tàn phá của chiến tranh, sự tàn bạo của quân thù không làm sờn lòng nản chí căm thù giặc của người dân nơi đây, trong đó có gia đình mẹ.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm mẹ Dương Thị Ký (mẹ Tần) tháng 6.2011.Ảnh: X.NGHĨA |
Sau 4 tháng tham gia du kích, người con trai đầu của mẹ - Hồ Tần (19 tuổi) vào bộ đội tỉnh thuộc Trung đoàn 70. Sau khi cưới vợ và sinh con được một tuổi, ngày 28.8.1968, anh Hồ Tần hy sinh tại xã Tam Vinh. Gần trưa hôm ấy, anh Tần cùng du kích Dương Đạt (Bốn Đạt) trú dưới hầm bí mật, bọn địch rượt bắt vịt vô tình phát hiện nắp hầm. Chúng gọi hàng, anh Tần đáp to: “Thà chết vinh còn hơn sống nhục. Không đầu hàng”. Nói rồi anh tung lựu đạn lên nhưng không nổ. Bọn địch nã súng xuống, anh và Bốn Đạt hy sinh.
Anh cả tòng quân đầu năm thì cuối năm em trai thứ là Hồ Duật cũng gia nhập bộ đội đặc công. Một năm sau, Tiểu đội trưởng Hồ Duật hy sinh ở Duy Xuyên trong một trận chống càn của Mỹ ngụy. Hai người anh lần lượt hy sinh, con trai thứ ba của mẹ - Hồ Thanh Vân nôn nóng đến tuổi trưởng thành để đi trả thù cho các anh, cho bà con làng xóm bị Mỹ ngụy giết hại. Thời gian thấm thoắt trôi, khi bước vào tuổi 17 tuổi, Vân xin phép mẹ vào du kích. Nghe nguyện vọng của con, mẹ Tần không cản mà động viên “con phải là người chiến sĩ mưu trí dũng cảm mới trả thù cho hai anh và bà con quê hương được”.
Sau một tháng vào du kích, Hồ Thanh Vân xin đi bộ đội đặc công. Noi gương các anh, Vân luôn chiến đấu dũng cảm lập nhiều chiến công xuất sắc. Ngày 13.4.1972, anh bò vào đồn Gò Lân ở chợ Khánh Thọ, xã Tam Thái bấm mấy lớp thép gai, còn lớp cuối cùng thì địch phát hiện. Anh cùng đồng đội đồng loạt nổ súng tiêu diệt hầu hết lính trong đồn... Trưa hôm ấy, mẹ Tần xuống nhà lao Tam Kỳ thăm con gái là Hồ Thị Xuân bị bắt ngồi tù vì tội “tiếp tế cho cộng sản”. Ở đây, mẹ tình cờ nghe một tên lính nói “hồi hôm cộng sản đánh đồn Gò Lân làm chết sạch trơn, còn có mình tôi đây”. Mẹ thầm vui sướng trong lòng. Nhưng mẹ không ngờ trong trận đánh đó con mình đã hy sinh. Nghe tin có bộ đội hy sinh khi ôm bộc phá vào cắt rào kẽm gai, qua mô tả của bà con về người hy sinh, mẹ Tần linh tính đó là Vân. Linh cảm của mẹ đã đúng khi cấp trên báo tin Vân hy sinh.
Các con lần lượt hy sinh khiến lòng mẹ Tần đau như xát muối. Nhưng mẹ gạt bỏ niềm riêng, động viên con gái đang ở tù cố gắng giữ vững khí tiết, kiên quyết không khai báo điều gì ảnh hưởng đến cách mạng. Còn mẹ vẫn bám trụ làm cơ sở cách mạng, nắm tình hình địch báo cho bộ đội, du kích. “Lúc bấy giờ thằng út còn nhỏ quá, không thì mẹ cũng sẵn lòng cho nó đi bộ đội đền nợ nước, trả thù nhà như các anh, như bao người khác” - mẹ Tần chậm khăn lau nước mắt, ngậm ngùi.
Ước mong giản dị
Còn nhớ hôm 26.6.2011, nhân chuyến công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới ở xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm mẹ. Khi Chủ tịch nước hỏi tâm tư nguyện vọng, mẹ Tần trải lòng: “Mẹ còn khó khăn thiếu thốn đủ thứ, muốn xem chương trình thời sự nhưng không mua nổi cái ti vi, nhưng cái đó mẹ khắc phục được, qua hàng xóm xem cũng không sao. Cái mẹ cần nhất là cây cầu ở bến Cây Sanh trên suối La Gà cho bà con đi lại. Mùa mưa ở đó thường có người bị nước cuốn trôi khi lội sang vì không có cầu”. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hứa 2 tháng sau sẽ làm cầu và bảo: “Làm cầu xong, mẹ ra khánh thành cầu nhé”. “Ừ, được vậy thì quý quá, dân có cầu đi lại là mẹ vui rồi, mẹ thỏa nguyện lắm rồi”. Chủ tịch nước nắm tay mẹ nói chắc: “Mẹ yên tâm, chúng con nói là làm. Mẹ đã già mà còn lo cho dân thì thật là đáng kính!”.
Hôm tôi đến thăm, mẹ hỏi chuyện làm cầu đã tiến hành chưa? Tôi chưa biết trả lời thế nào vì không nắm rõ thì chị Xuyến - con dâu út của mẹ đáp lời: “Con thấy mấy bữa nay có người lên đo đo vẽ vẽ gì đó rồi. Chắc họ đang tiến hành làm cầu mẹ ạ”. Anh Phạm Văn Thành - người đưa tôi đến nhà mẹ Tần bảo: “Người dân ở đây nghe tin xây cầu ở bến Cây Sanh họ mừng lắm, bảo hôm khánh thành cầu phải bồng mẹ ra mà tung hô cho thỏa dạ”.
Tạm biệt mẹ Tần trong nắng trưa tháng Bảy đốt cháy da người, lòng tôi dậy lên niềm thương cảm và kính phục về mẹ - người mẹ đã hy sinh cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc, của dân tộc. Giờ ở tuổi xế chiều với trăm bề thiếu thốn mẹ vẫn không nghĩ gì cho riêng mình mà chỉ mơ ước có chiếc cầu cho bà con đi lại. Nhiều người hứa, khi thánh khành cầu mẹ sẽ là người đầu tiên bước qua cầu. Nhưng tiếc thương thay, khi cây cầu hoàn thành (cuối năm 2012) thì mẹ đã không còn. Tiếc thương, ghi nhớ công ơn mẹ, bà con đặt tên cây cầu là cầu Bà Tần - cây cầu hiện hữu nghĩa tình mẹ Tần đối với mọi người.
THANH NGHỊ