Mỗi củ sâm Ngọc Linh được mang ra thị trường hiện nay, đằng sau nó là cả một câu chuyện dài về cuộc đấu tranh không ngừng giữa người trồng sâm và các loài thiên địch; trong đó chuột rừng được xem là kẻ trộm sâm đích thực.
Những kẻ trộm sâm đích thực
Ở vùng rừng thiêng nước độc thì nguy cơ tai nạn hiện hữu, chẳng hạn vài ba con rắn cạp nia vắt ngang đường chờ nạn nhân nào đó không may đạp phải. Nhưng điều mà những người trồng sâm lo ngại là loài chuột rừng – những kẻ trộm sâm đích thực.
“Đột nhập”, “tập kích” là những từ ngữ dành cho “ny” (chuột xám) và “sór” (chuột vàng), hai loài chuột rừng phổ biến nhất trên núi Ngọc Linh và cũng là loài ôn dịch gây thiệt hại nhiều sâm nhất, đến mức người ta đặt luôn tên cho chúng là “chuột sâm”.
Anh Hồ Văn Dấu kể, chuột sâm chỉ trộm sâm về đêm, chúng hoạt động quanh năm, nhất là vào mùa đông, nhưng không có thời gian cố định. Sự ma mãnh của chuột sâm còn thể hiện ở chỗ, không nhiều người có cơ duyên tận mắt nhìn thấy loài chuột này cắn phá sâm, mà chỉ biết ngán ngẫm xử lý hậu quả chúng để lại: những cây sâm bị gặm nát, ngã lụi.
Dưới tán rừng già tưởng chừng như yên tĩnh, đêm xuống, mọi ngõ ngách ở các khu vườn đều có dấu vết của chuột, những luống sâm được quây kín bởi tôn, lưới sắt thì chúng tìm cách đột nhập qua các hang đá; luống nào quây bằng bạc thì chúng chẳng ngại cắn nát một khoảng đủ chui vào. Từng vách đá, cành cây đều trở thành sân chơi của chuột…
Anh Hồ Văn Dang (thôn 3, Trà Linh) cho biết, sâm trên núi Ngọc Linh bị chuột phá hoại nhiều vô kể, riêng anh Dang có đêm mất tới 300 gốc sâm từ 2 – 3 năm tuổi.
“Sâm non thì chuột ăn sạch củ, sâm đang trổ hạt, củ đắng và già thì chúng cắn gãy cây chẳng chút thương tiếc, nhiều năm qua người trồng sâm không biết làm cách nào để triệt hạ được chúng. Bảo vệ sâm khỏi người xấu thì dễ, chứ chuột thì đành chịu” – anh Dang nói.
Giành giật từng gốc sâm
Từ đầu giai đoạn trồng sâm, hàng chục ngàn mét vuông tôn, bạc, lưới (đánh cá) sẽ được người trồng tập kết, quây thành từng ô nhỏ để bảo vệ vườn. Nhiều năm trước, những thứ này dùng để chống “người trộm”, nay bất đắc dĩ phải nhận trọng trách chống thêm chuột rừng.
Theo anh Dang, để việc bảo vệ sâm được hiệu quả hơn, từ năm 2017, gần 30 hộ dân tại làng Tăk Xanh và Mong Pring (thôn 3, Trà Linh) đã lập nên các tổ canh gác, thay phiên nhau trực 24/7.
“Ngoài việc tuần tra các tuyến đường vào vườn sâm, người trực giữ sâm còn phải thức đêm canh chuột, theo dõi thói quen di chuyển, tìm “sào huyệt” của chúng để diệt, nhưng hiệu quả thì chẳng là bao” – anh Dang nói.
Anh Nguyễn Ngọc Sơn (làng Mong Pring, Trà Linh) giải thích thêm, hằng đêm sẽ có 2 – 3 người thay phiên nhau trực một vườn sâm, khuya đến sẽ soi đèn vào các luống để dọa lũ chuột. Vậy nhưng nếu lỡ may có chợp mắt một chút thì sáng mai kiểu gì cũng sẽ có mấy gốc sâm bị cắn gãy.
Vì khó khăn trong việc truy vết, người trồng sâm bắt đầu nghĩ ra các loại bẫy thủ công để bắt chuột. Ban đầu là các loại bẫy kẹp truyền thống bằng sắt mua từ đồng bằng lên. Sau này, khi đàn chuột tăng nhanh, người dân lại chế tạo thêm 4 – 5 loại bẫy từ đá và cành cây, đặt khắp các lối ra vào vườn.
Anh Hồ Văn Phân (làng Mong Pring) cho hay: “Thời gian đầu, bẫy thủ công phát huy hiệu quả rất tốt, có đêm bắt được hơn 50 con chuột vàng. Do đó, bà con đã truyền nhau cách làm bẫy diệt chuột. Nhờ vậy, số sâm bị phá hoại giảm đi đáng kể”.
May mắn được qua đêm tại chốt trồng sâm, chúng tôi mới thấu hiểu được hết những khó khăn, vất vả mà người trồng sâm trên dãy Ngọc Linh trải qua. Sáng thức giấc trên núi cao, sương mù lạnh lẽo bủa vây, mấy anh em quây quần bên bếp lửa chờ cơm sôi nước.
Từ xa, lay lắt bóng dáng già Hồ Văn Lượng đang lần theo lối mòn đi về phía chốt, vẻ mặt bần thần, trên tay già cầm một nắm cành sâm trĩu hạt mới bị chuột cắn đêm qua… Cầm chén trà được nấu từ những mầm sâm non bị chuột cắn phá, nhấp môi có một chút vị đắng tự nhiên của sâm Ngọc Linh, nhưng đượm lại trong lòng mỗi người là vị đắng của những giọt mồ hôi mà người trồng sâm đã đổ xuống!