Miền cỏ dại

NGUYỄN ĐIỆN NAM 23/09/2017 07:49

Thiên nhiên có những loài cỏ mọc hoang dại. Có lúc là một vạt, một vùng. Có khi thành một miền mênh mông. Thường chen lấn trong trật tự như không cùng trật tự. Thật ấn tượng với miêu tả của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về một miền cỏ dại như thế: “Nhiều lần thức giấc trong mùi hương rạo rực của ban đêm, tôi chợt phát hiện ra rằng Huế là một thành phố được dành cho cỏ... Mùa xuân về, mặt đất công viên sáng bừng lên bởi ngàn vạn bông cỏ tím, mỗi bông cỏ lại ngậm trong lòng một hạt sương mai, khiến vào buổi sáng, cỏ ở ven sông Hương lấp lánh như những hạt ngọc...” (Miền cỏ thơm).

Chính sự cảm nhận tinh tế đó, khiến nhà văn nghe được lời của cỏ, rằng “chỉ cần một ngày nắng đẹp để nở hoa, thế thôi. Tôi có một trái tim hồng ngọc chỉ để sống và chết một lần với trái tim của tôi” (Sử thi buồn).

Ngược với những gì lãng mạn, nhà văn Lỗ Tấn lại miêu tả cỏ dại bằng cái nhìn hiện thực, thực đến trần trụi: “Cỏ dại, rễ đã không sâu, hoa lá không đẹp, lại còn hút sương, hút nước, hút máu và thịt của người đã chết từ lâu, mọi vật đều cướp đoạt sự sống của nó. Hễ còn sống thì sẽ còn bị giày xéo, còn bị cắt xén, cho đến chết rồi rữa nát (Cỏ dại).

Không chỉ là tâm tưởng, cách nhìn,  mà cách ứng xử với cỏ dại cũng khác nhau. Cụ Đồ Chiểu có một biểu đạt “ghét thói mạt như nhà nông ghét cỏ”. Trộm nghĩ, “thói mạt” thời nào cũng đáng ghét, nhưng cỏ thì chưa chắc. Xưa, nhà nông trồng lúa, trồng khoai... thấy cỏ là nhổ bỏ. Nay, cũng nhà nông, có nơi trồng cỏ để chăn nuôi, trồng cỏ làm cảnh.

Gần đây, hay nghe bàn chuyện làm nông nghiệp hữu cơ, người ta khuyên thúc đẩy ức chế cỏ dại chứ không phải là loại bỏ chúng. Theo đó, quản lý cỏ dại bằng cách tăng cường khả năng cạnh tranh của cây trồng hoặc là trồng xen cây trồng, tạo tương tác, tác động lên cỏ dại. Nông dân canh tác hữu cơ có cách quản lý cỏ dại mà không cần thuốc diệt cỏ nhân tạo. Nhà báo Hoàng Hải Vân tự bạch một cách ứng xử tương tự như thế: “Mọi thứ cỏ dại trong vườn nhà tôi đều được nâng niu, mỗi năm có thêm nhiều loài mới mọc lên, do chim chóc và gió mang về. Nhiều thứ tôi biết tên, như cỏ ống, cỏ tranh, lau sậy, cỏ chỉ, cỏ mần trầu, cỏ năn, cỏ sữa, cỏ mực, cỏ gú, cỏ lào, cam thảo đất, me chua đất, rau đắng, rau chua, rau sam, rau dền, bù xít, cải trời, dừa cạn, chùm bao…, đó đều là những vị thuốc, trong đó nhiều thứ có thể ăn được. Còn vô số thứ khác tôi chưa biết tên, nhưng khi chúng mọc tại đây thì nhất định chúng phải có vai trò”.

Từ cảm thức thiên nhiên, cỏ dại có vai trò về đa dạng sinh học hay chức phận bí nhiệm nào đấy chưa rõ. Nhưng trong đời sống xã hội, có khi người ta lấy hình ảnh “cỏ dại” để ví thứ “mọc lên” tràn lan, tùm lum, chỉ sự việc hay kẻ gây hại cho cộng đồng hoặc vô hại thì cũng là hoang đàng, phù phiếm.

Ví như chuyện “mọc” tràn lan các loại thủ tục hành chính mà có lúc biếm họa “hành” là “chính”. Chính phủ đã chỉ đạo tháo gỡ nạn ban hành giấy phép con gây cản trở hoạt động của doanh nghiệp (nhất là việc thông quan hàng hóa), nhưng còn đến hàng ngàn thủ tục vướng. Đến nổi ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phải thốt lên: “Chúng ta đánh chén cái đất nước này đến mức nó không thể lớn được. Quá nhiều thủ tục, thủ tục gắn với lợi ích, có thủ tục là có làm khó, là có đánh chén”...

Ví như việc tự ý đặt ra các khoản thu phí, lệ phí. Vào năm học mới thấy dài dằng dặc danh sách các khoản đóng góp mà không ít nơi lạm thu, loạn thu. Lại hành xử với nhau rất tệ, đến nỗi có phụ huynh phải kêu lên “xin thầy đừng đọc tên con tôi trước lớp vì chưa đóng tiền”...

Ví như việc lạm chi công quỹ, không ít nơi tiếp khách tràng giang đại hải đến hàng tỷ đồng, thậm chí chi quà biếu xén hàng trăm tỷ đồng...  

Ví như bổ nhiệm cán bộ là người nhà, con ông cháu cha; người có tiền chạy chức chạy quyền; mất đoàn kết vì tranh giành ghế...

Hình như có thứ gì đấy mọc lên rất nhanh, làm cho đất đai - chỗ đứng của người hiền tài bị thu hẹp.

Hình như “cỏ dại” đang hút cạn kiệt những “mảnh đất vàng”, những mỏ tài nguyên đất đai, khoáng sản.
Hình như rờ đâu cũng thấy “cỏ dại” hoang dã trong cạnh tranh làm ăn, cách sống.

(...)
Thường trong tự nhiên hay xã hội, khi cỏ dại gây hại người ta đều muốn diệt trừ. Có lời khuyên “nhổ cỏ nhổ tận gốc” nhưng thiên nhiên vẫn dành chỗ cho cỏ dại mọc, bởi  như nhà văn cảm nhận về một con đường ven sông có thảm cỏ dày và hương cỏ đêm khuya thơm lạ lùng làm người ta nghĩ đến một nỗi bình yên nào đó không có ở đời. Còn trong xã hội thì “cỏ dại” vẫn len lỏi và người ta đang tìm cách diệt bằng cơ chế, thể chế, luật định. “Cỏ dại” luôn sẵn sàng mọc lên, mà con người chỉ có thể  tạo môi trường để nuôi lớn nó hay nhổ nó đi, đó là hai cách lựa chọn của hai tư duy quản trị khác nhau.

Dù bằng cách gì thì rất khó mà hết “cỏ dại” theo nghĩa bóng bảy. Có lẽ nên suy tư về lời khuyên của một nhà hiền triết, rằng muốn diệt cỏ dại ở bãi hoang chỉ có cách hay nhất là trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt.

Nhưng sao vẫn đầy tâm tư khi nghĩ về cỏ dại và lối ứng xử của người đời. Cỏ dại, sao không vô ưu, hay vô cùng cô đơn?

Có nhiều khi tôi quá buồn

Tôi ước mong quanh chỗ tôi ngồi

Mọc lên thật nhiều cây cỏ

Cây xấu hổ đau gì mà rủ lá

Tôi gập người trên bóng tôi...

(Cỏ, chim sẻ và châu chấu - Hoàng Phủ Ngọc Tường)

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Miền cỏ dại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO