|
(QNO) - Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều tuyến đường lên các huyện miền núi bị sạt lở nặng, một số khu vực trũng thấp bị cô lập do lũ... Tại Phước Hòa (Phước Sơn), núi lở vùi lấp hai người đi đường.
Khoảng 13 giờ 30, trao đổi qua điện thoại với Báo Quảng Nam online, ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết huyện đã điều một xe múc khẩn cấp tới đoạn quốc lộ 14 đoạn qua xã Phước Hoà để tìm kiếm hai người dân bị núi vùi.
Thông tin ban đầu cho biết, lúc 10 giờ sáng nay, hai người dân này đi xe máy trên quốc lộ 14E, khi tới đoạn đường qua xã Phước Hoà thì bị một đoạn núi đổ ập xuống vùi lấp. Ông Hà cho biết, hiện đang điều 1 xe múc khẩn cấp đến hiện trường, tuy nhiên địa phương này có mưa nhiều ngày qua và sạt lở nhiều khiến cho việc cứu hộ còn gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam cũng cho biết lực lượng cứu hộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phước Sơn cũng đang tức tốc tới hiện trường để tìm kiếm người bị nạn. (XUÂN THỌ - MINH HẢI)
* Chiều 5.11, trao đổi với PV Báo Quảng Nam, ông Lê Thanh Hòa - Phó Chủ tịch HĐND xã Phước Thành (huyện Phước Sơn) cho biết, do ảnh hưởng của mưa lớn, hiện trên địa bàn xã xuất hiện nhiều điểm sạt lở ở khắp các thôn, chia cắt toàn bộ tuyến đường giao thông.
Sạt lở vào sáng nay làm hư hỏng một trường tiểu học trên địa bàn xã Phước Thành. Ảnh: T.H |
Cụ thể, vào 9 giờ sáng nay, bờ taluy dương đoạn qua thôn 1b bị đổ sập, tràn qua đường. Vụ sạt lở đã làm sập một phần điểm trường Tiểu học Phước Thành ở thôn này, sập một ngôi nhà dân ở gần đó và vùi lấp một chiếc xe máy. Rất may, thời điểm xảy ra vụ sạt lở, người dân đã kịp sơ tán nên không có thương vong về người. Ngoài ra, tại thôn 4b, cũng đã xảy ra một vụ sạt lở tương tự. Đất lở tràn vào nhà dân, đe dọa an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Vụ sạt lở cũng đã làm sập 1 nhà dân, cô lập tuyến đường giao thông liên xã. Ảnh: T.H |
Sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền xã đã ngay lập tức huy động lực lượng dân quân, công an xã và người dân tìm cách tháo dỡ nhà cửa, sơ tán đồ đạc, đưa người dân ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Vụ sạt lở cũng đã làm hư hại hoàn toàn công trình nước sạch, hiện tại giao thông đang bị chia cắt.
Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng tháo dỡ nhà cửa, di dời đồ đạc người dân đến nơi an toàn. Ảnh: T.H |
“Ngoài ra, trên tuyến đường đi Phước Thành, Phước Kim… cũng đã xuất hiện hàng loạt vụ sạt lở ở nhiều vị trí, giao thông bị chia cắt hoàn toàn. Chúng tôi đã di dời toàn bộ người dân ở vùng có nguy cơ sạt sở đến nơi an toàn, đồng thời khuyến cáo người dân không lưu thông qua các điểm này để tránh nguy hiểm” - ông Hòa cho biết. (THÀNH CÔNG)
* Trên tuyến quốc lộ 40B từ TP.Tam Kỳ lên huyện Nam Trà My, do ảnh hưởng của mưa lớn nên xuất hiện hàng chục điểm chia cắt về giao thông. Các cầu ngầm tại các huyện Tiên Phước, Bắc Trà My xuất hiện lũ cao hơn 2m khiến cho tất cả các phương tiện không thể qua lại để di chuyển lên Nam Trà My. Đoạn từ thủy điện Sông Tranh 2 lên huyện Nam Trà My xuất hiện 9 điểm sạt lở rất lớn với hàng nghìn mét khối đất đá, gây cô lập nghiêm trọng.
Nhiều làng mạc ven sông Tranh bị nước lũ đe dọa. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Mưa lớn khiến cây cối ngã đổ làm đứt đường dây, ngã trụ điện cao thế 35kV, vì vậy huyện Nam Trà My mất điện liên tiếp 2 ngày nay. Hiện nay tình trạng mưa lớn đang diễn biến hết sức phức tạp. Mặc dù chính quyền huyện, các địa phương và các ngành đã cố gắng khắc phục nhưng do tình trạng sạt lở đang tiếp diễn nên chưa thể thông tuyến. Đáng chú ý, mực nước tại cầu ngầm sông Trường còn dâng rất cao và chảy mạnh nên mọi hoạt động thông thương bị tê liệt hoàn toàn.
Theo số liệu tổng hợp sơ bộ từ Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Nam Trà My, mưa lũ 2 ngày qua gây ngập khu nhà ăn của Trường Tiểu học xã Trà Leng. Các tuyến đường giao thông từ huyện về Trà Leng, Trà Cang, Trà Nam, Trà Linh, Trà Dơn đều bị sạt lở đất đá gây cô lập. Có 3 nhà dân tại Trà Linh bị gió thổi tốc mái.
Điện lực Trà My khắc phục sự cố đứt đường dây 35kV tại xã Trà Giác. Ảnh: HOÀNG THỌ |
Hiện tình trạng sạt lở đất đá trên tuyến quốc lộ 40B từ huyện Nam Trà My qua địa phận tỉnh Kon Tum tiếp tục xuất hiện 6 điểm rất lớn, nên đã cô lập hoàn toàn thủ phủ cây sâm Ngọc Linh với bên ngoài. (HOÀNG THỌ)
Lũ chia cắt quốc lộ 14G, đoạn qua xã Ba, Đông Giang. Ảnh: Đ.N |
* Tại huyện Nam Giang, trao đổi nhanh với phóng viên Báo Quảng Nam online, ông Tơ Ngôl Với - Chánh Văn phòng UBND huyện xác nhận nhiều tuyến đường lên các xã vùng cao La Dêê, La Êê, Chơ Chun,… xuất hiện tình trạng sạt lở đường, khiến nhiều phương tiện xe ô tô không thể lưu thông. Trong khi đó, ở một số khu vực của thị trấn Thạnh Mỹ như: Pà Dương, Thạnh Mỹ 1, mưa lũ gây cô lập cục bộ tại các đoạn trũng thấp với hàng chục hộ dân địa phương. Riêng xã La Dêê, theo thống kê sơ bộ có khoảng 6ha đất cùng hoa màu của người dân bị sạt lở, hư hại.
“Chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương bám sát những diễn biến, tình hình mưa lũ để có phương án kịp thời đảm bảo tuyệt đối tính mạng và tài sản người dân được an toàn” - ông Với cho biết.
Nước lũ tràn tới nhà dân ở thôn 56, xã Đắc Pre, Nam Giang. Ảnh: Đ.N |
Ông Tơ Đêl Sơn - Chủ tịch UBND xã Chà Vàl (Nam Giang) cũng cho hay, hiện một số khu dân cư trên địa bàn xã đang có nguy cơ cô lập cao, do lũ. Một số công trình cũng xuất hiện tình trạng sạt lở, hư hỏng. Chính quyền địa phương đã trực tiếp đến kiểm tra hiện trường, khuyến cáo người dân không nên đi lại tại một số khu vực cầu cống không đảm bảo an toàn.
* Tại huyện Tây Giang, theo thông tin từ chính quyền địa phương, qua công tác kiểm tra sơ bộ hiện có một số tuyến đường bị sạt lở nhẹ, sông suối đang bắt đầu dâng cao. Riêng tại đoạn đường từ trung tâm huyện lên xã Lăng có một khu vực bị cô lập do nước tràn qua cầu ngầm, khiến nhiều phương tiện không thể lưu thông.
Mưa lũ gây sạt lở ngôi nhà của người dân vùng cao. Ảnh: Đ.N |
* Còn tại huyện Đông Giang, nhiều địa phương như Sông Kôn, Jơ Ngây, A Ting, Kà Dăng,… cũng bị cô lập cục bộ tại các khu vực dân cư xung yếu. Theo đó, bắt đầu từ sáng sớm 5.11, mưa lũ đã gây ngập hoàn toàn chiếc cầu bê tông đi vào 2 thôn Sơn và Bút Tưa (xã Sông Kôn), khiến mọi hoạt động lưu thông của hàng chục hộ dân bị gián đoạn. Riêng tại khu vực Dốc Rùa (xã A Ting), mưa lũ đã gây chia cắt toàn bộ tuyến quốc lộ 14G đi lên trung tâm huyện. Để đảm bảo an toàn tính mạng người dân, chính quyền địa phương đã cho lực lượng dân quân túc trực, không cho người dân mạo hiểm băng lũ như những năm trước đây. (ALĂNG NGƯỚC)
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Bắc Trà My, từ khoảng 16 giờ ngày 3.11 đến 10 giờ ngày 5.11, do ảnh hưởng cơn bão số 12, trên địa bàn huyện xảy ra mưa to kéo dài gây thiệt hại lớn đến nhà ở, cơ sở hạ tầng trên địa bàn… Tại thôn 4 xã Trà Giang và thôn 3 xã Trà Giáp, mưa lớn làm sạt lở 2 nhà dân, hiện xã đã huy động lực lượng khắc phục.
Về cơ sở hạ tầng, giao thông: tuyến đường ĐH8 Trà Đốc đi Trà Bui bị sạt lở 3 điểm với khối lượng khoảng trên 1.000m3 đất đá, hiện tại giao thông trên tuyến bị chia cắt; tuyến đường Nam Quảng Nam đoạn qua tổ Minh Đông (thị trấn Trà My) bị sạt lở 2 điểm với khối lượng khoảng 150m3 đất đá, hiện tại tuyến này bị tắc đường. Ngoài ra tuyến đường ĐH1 (ngã 3 Dương Yên vào các xã Trà Đông, Trà Dương, Trà Nú, Trà Kót) hiện có nhiều đoạn đường bị ngập lụt, tất cả các loại phương tiện và người không lưu thông qua lại được. Hầu hết các tuyến bê tông nông thôn bị nước ngập, xói lở.
Hiện, tại ngầm sông Trường và ngầm sông Oa có mực nước qua ngầm 1,5m so với mặt ngầm. Ông Huỳnh Ngọc Thiệu - Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Bắc Trà My cho biết, theo báo cáo của nhà máy thủy điện sông Tranh 2 thì mực nước lòng hồ hiện nay đang ở cao trình 169,57/161m. Lưu lượng nước về hồ 2359,10m3/s; lưu lượng xả qua tràn và qua 2 tổ máy 2189,10m3/s. (NGUYỄN DƯƠNG)
* Hiện trên địa bàn huyện Nam Trà My có 2 nhà bị tốc mái, điện lưới quốc gia bị cắt từ 17 giờ ngày 3.11 đến nay. Tại Trường Tiểu học Trà Leng bị nước ngập, đã cho sơ tán học sinh, giáo viên.
Ngập lụt tại khu vực Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trà Leng. Ảnh: THANH THẮNG |
Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, trong thời gian xảy ra mưa lớn, lãnh đạo UBND huyện, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện trực tiếp đi kiểm tra tình hình thiệt hại; chỉ đạo các ngành chức năng liên quan tổ chức triển khai phương án san ủi đất đá nhằm giải phóng thông suốt trên tuyến đường giao thông huyết mạch; chỉ đạo các cơ quan liên quan, UBND các xã vận động nhân dân hạn chế việc đi lại, kiểm tra tình hình đời sống của nhân dân và tổng hợp báo cáo thiệt hại về UBND huyện...
Cũng theo ông Bửu, địa phương đang kiến nghị các ngành liên quan sớm khắc phục sạt lở trên tuyến quốc lộ 40B tại địa phận Bắc Trà My đi Nam Trà My; kiến nghị kịp thời khắc phục các sự cố về điện trên địa bàn huyện nhằm đảm cho công tác xử lý công việc cũng như sinh hoạt của người dân. (THANH THẮNG)
Báo Quảng Nam online tiếp tục cập nhật...