Minh bạch hóa nguồn gốc lâm sản

TRẦN HỮU 01/12/2016 08:51

Để đáp ứng luật chơi hội nhập, ngành gỗ và công nghiệp chế biến các sản phẩm từ gỗ đã thực thi các chính sách lâm luật và quản trị rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế. Bước chuyển tích cực là các doanh nghiệp trong tỉnh đã liên kết với người dân trồng rừng, tiêu thụ mạnh nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp.

Quảng Nam có trữ lượng lớn gỗ rừng trồng nhưng các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu gỗ nước ngoài đem về chế biến xuất khẩu, do gỗ chưa có nguồn gốc rõ ràng, không được công nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: TRẦN HỮU
Quảng Nam có trữ lượng lớn gỗ rừng trồng nhưng các doanh nghiệp buộc phải nhập khẩu gỗ nước ngoài đem về chế biến xuất khẩu, do gỗ chưa có nguồn gốc rõ ràng, không được công nhận chứng chỉ FSC. Ảnh: TRẦN HỮU

Thiếu nguyên liệu gỗ hợp pháp

Qua mấy thập niên, kinh tế rừng vẫn là ngành mũi nhọn ở các huyện miền núi, cho dù đóng góp của lĩnh vực lâm nghiệp trong bức tranh kinh tế chung của tỉnh là không lớn. Người nông dân hầu hết xoay xở chậm với rừng, bằng lòng với năng suất, giá trị sản phẩm thu được. Đa số gỗ rừng trồng bán hết cho các nhà máy chế biến thô (gỗ dăm), hoặc sử dụng gia công đồ mộc gia dụng không đáng kể. Vì thế giá trị của gỗ chưa được tận dụng, khai thác tối đa. Nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp trong tỉnh vừa thiếu lại không đảm bảo chất lượng, khiến nhiều doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài để chế biến.  Công ty CP Cẩm Hà, Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai... hầu như nhập khẩu nguồn nguyên liệu gỗ nước ngoài rồi đem về chế biến, xuất khẩu. Mỗi năm trên địa bàn tỉnh khai thác hơn 5.000ha rừng trồng, nhưng sau nhiều năm Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) mới công nhận gần 1.000ha rừng trồng của người dân ở Nông Sơn, Tiên Phước, Hiệp Đức đạt tiêu chuẩn quốc tế về chứng chỉ quản lý rừng bền vững  (FSC). Trong khi đó, muốn xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ qua thị trường Mỹ, Nhật, châu Âu... đều phải yêu cầu nguồn nguyên liệu gỗ đầu vào hợp pháp, đạt chứng chỉ FSC. Điều này lý giải vì sao doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu thường không dám tiêu thụ nguyên liệu trong nước.

“Để nâng cao hiệu quả rừng trồng ở các địa phương, trong đó có Quảng Nam cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn ở từng vùng kinh tế. Cạnh đó, chính quyền phải quyết liệt tái cơ cấu ngành lâm nghiệp theo hướng mở rộng diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC, đáp ứng nguồn nguyên liệu gỗ chế biến xuất khẩu”. (Ông Nguyễn Bá Ngãi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp)

Theo báo cáo của Sở Công Thương, 10 tháng đầu năm tổng giá trị xuất khẩu chế biến các sản phẩm gỗ đạt gần 69 triệu USD; năm 2015 là 86,7 triệu USD. Thị trường tiêu thụ chính vẫn là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Để chuẩn bị cho ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện (VPA) với châu Âu (EU) về tăng cường thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và buôn bán gỗ (FLEGT), trước đó nhiều năm Việt Nam đã nhiều lần đàm phán với liên minh châu Âu. Theo quy định của FLEGT, sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp với chưa được xác minh nguồn gốc. Chẳng hạn, nếu là gỗ rừng trồng tại Việt Nam thì phải được khai thác đúng theo luật pháp trong nước  hoặc được cấp chứng chỉ FSC. Rào cản lớn nhất là phần lớn doanh nghiệp chế biến gỗ hiện có quy mô vừa và nhỏ, thường mua gỗ của dân không lưu lại hồ sơ pháp lý có liên quan, rừng chưa cấp chứng chỉ FSC.

Liên kết trồng rừng đạt chuẩn quốc tế

 Theo các chuyên gia của WWF, nếu được ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam với EU về FLEGT sẽ là cơ hội để doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trên thị trường. Những doanh nghiệp có uy tín, đáp ứng sử dụng nguồn gốc gỗ hợp pháp, đảm bảo các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, chế độ bảo hiểm, lương, an toàn lao động... khi xuất khẩu các sản phẩm gỗ qua thị trường châu Âu sẽ rất dễ dàng, ngược lại doanh nghiệp làm ăn thiếu minh bạch sẽ bị “sát hạch” kỹ càng. Ông Nguyễn Mạnh - Giám đốc Công ty CP Gỗ Minh Dương Chu Lai thuộc Khu công nghiệp Bắc Chu Lai khẳng định, do công ty làm ăn có uy tín với các đối tác từ Nhật, Anh và Mỹ nên thời gian qua không có lô hàng nào bị đối tác trả về. Doanh thu năm nay đạt 130 tỷ đồng, cao hơn năm 2015 gần 15%. Nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu công ty nhập từ gỗ rừng trồng nước ngoài và mua hợp pháp trong nước.

Còn Công ty TNHH MTV Hợp Nhất Phát (trụ sở đóng tại xã Duy Phước, Duy Xuyên) lâu nay chuyên cung cấp gỗ rừng trồng cho Công ty TNHH Trường Sơn thuộc Khu công nghiệp Phú Tài, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Ông Bùi Bảo Tín - Phó Giám đốc Công ty TNHH Trường Sơn cho biết, công ty ông mua gỗ rừng trồng trên địa bàn Quảng Nam thông qua các doanh nghiệp thu gom, bán lại. Những đơn vị cung ứng gỗ phải đảm bảo các yêu cầu như có giấy xác nhận của chính quyền địa phương, cơ quan kiểm lâm, xuất hóa đơn, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm theo tiêu chuẩn FSC. “Thực tế có nhiều doanh nghiệp bán gỗ chế biến cho công ty với giá rẻ nhưng chúng tôi phải từ chối mua vì không chứng minh được nguồn gốc gỗ hợp pháp” - ông Tín nói.  

Trong khi đó, Công ty TNHH Thương mại Thanh Hòa (đóng ở Khu công nghiệp Phú Tài, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) sản xuất bàn ghế ngoài trời từ gỗ chế biến. Công ty này chủ yếu nhập nguyên liệu từ các nước Uruguay, Úc, New Zealand và mua lại gỗ bạch đàn của người dân trồng từ tỉnh Quảng Trị đến Quảng Nam; gỗ từ Lâm trường Ba Tơ (Quảng Ngãi). Ông Trần Thiên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Thanh Hòa khẳng định, 95% nguồn gốc gỗ vào công ty đều đạt chứng chỉ FSC. Riêng gỗ rừng trồng hợp pháp của người dân Quảng Nam, Quảng Trị có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, nhà máy thường mua cao hơn giá thị trường 10 - 15%. “Công ty đã đến khảo sát, cam kết mua lại rừng trồng của người dân Quảng Nam thuộc các dự án WB3, KFW6. Nếu chính quyền triển khai cơ chế hỗ trợ vốn cho người dân trồng rừng gỗ lớn, sắp đến đây công ty sẵn sàng hợp tác với người dân trồng rừng, tiêu thụ gỗ hợp pháp” - ông Thiên cam kết. Và cũng theo ông Thiên, riêng gỗ bạch đàn trước đây mỗi năm công ty phải nhập khẩu từ Malaysia 20 nghìn mét khối với giá thành cao hơn 40 - 50% gỗ trong nước, nhưng triển vọng sau này gỗ keo trong nước sẽ là nguồn nguyên liệu chính.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc dự án quản trị rừng bền vững thuộc WWF, nếu tham gia quản trị rừng bền vững theo FLEGT, Việt Nam có quyền lựa chọn những quốc gia nào có thể đáp ứng được, có thể bán hàng, mua hàng, lựa chọn thiết bị. Quan trọng hơn nữa, phía EU giúp mình về kỹ thuật để tìm kiếm các đối tác tốt hơn, có luật lệ minh bạch hơn… Tuy nhiên, trước mắt ngành gỗ sẽ phải đối mặt với rủi ro về nguyên liệu, thị trường và lao động. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với khó khăn trong việc đảm bảo nguồn gỗ hợp pháp, nghĩa là yêu cầu 100% gỗ xuất khẩu vào các quốc gia TPP và EU phải là gỗ hợp pháp. Riêng Quảng Nam, nếu tổ chức, sắp xếp lại sản xuất, nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, chất lượng rừng sẽ là tiềm năng lớn.

Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản trị rừng

Tại cuộc hội thảo kết hợp tham gia điền dã tại 2 tỉnh Bình Định và Gia Lai về tiếp cận Hiệp định Đối tác tự nguyện giữa Việt Nam với châu Âu về thực thi lâm luật quản trị rừng bền vững (FLEGT) do WWF vừa diễn ra mới đây, các chuyên gia bảo tồn đều khẳng định việc nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng dân cư về gỗ rừng trồng hợp pháp sẽ là yếu tố quyết định thành công cho ngành công nghiệp chế biến gỗ trong bối cảnh hội nhập.

Bà Nguyễn Thị Hiền - cán bộ thuộc Ban lâm nghiệp cộng đồng xã A Yun huyện Mang Yang (tỉnh Gia Lai) cho biết, được các chuyên gia bảo tồn truyền đạt, bà con nắm được các chính sách pháp luật, những yêu cầu về trồng, khai thác và chế biến gỗ. Hiện nay các nhà máy chế biến gỗ ở Gia Lai, Bình Định, Quảng Nam chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu nguyên liệu, nên đều đề xuất Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi trong việc hợp tác phát triển nguồn nguyên liệu gỗ với cộng đồng. Ông Phạm Ngọc Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - thương mại - dịch vụ Đại Hiệp (huyện Đại Lộc) chia sẻ: “Hiện tại nguồn nguyên liệu nhập vào công ty phần lớn không có giấy tờ hợp pháp, để công ty có thể vươn ra các thị trường khó tính, chúng tôi đề nghị các cấp có liên quan cần quan tâm, tạo điều kiện và đơn giản hóa các thủ tục cấp phép khai thác cho người dân. Đồng thời cần đẩy nhanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ trồng rừng để tạo điều kiện cho người dân đáp ứng được các quy định liên quan đến quản lý rừng bền vững FSC”. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Giám đốc Ban Quản lý quản trị rừng bền vững thuộc WWF khẳng định, thời gian đến đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương và các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền về các chính sách pháp luật bảo vệ rừng hiện hành, thông tin về hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước châu Âu, nâng cao năng lực quản trị rừng bền vững cho cộng đồng dân cư và doanh nghiệp.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Minh bạch hóa nguồn gốc lâm sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO