Minh bạch với dân

VINH ANH 18/01/2013 07:07

“Ở Điện Phong, Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận không sợ bị chỉ ra cái sai, thẳng thắn nhận khuyết điểm; nơi nào có bức xúc, nơi đó có tọa đàm; nơi nào cần đối thoại, nơi đó có diễn đàn” - Bí thư Đảng ủy xã, ông Phan Phước Long khẳng định như vậy.

Diện mạo nông thôn mới ở Điện Phong.Ảnh: VINH ANH
Diện mạo nông thôn mới ở Điện Phong.Ảnh: VINH ANH

Phát huy dân chủ

“Đất ít, dân đông, sông bao bọc” là 3 cụm từ được dùng để chỉ những khó khăn của xã Điện Phong - một trong 3 xã Gò Nổi của huyện Điện Bàn. Ông Phan Phước Long - Bí thư Đảng ủy xã cho biết, toàn xã có 2.428 hộ với 10.586 nhân khẩu, trong khi đó diện tích tự nhiên chỉ có 1.179ha, đất canh tác 565,9ha. Trước đây, điều kiện hết sức khó khăn, nhân dân chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp nên hộ nghèo nhiều, cơ sở hạ tầng yếu. Trong khi đó, hoạt động của hệ thống chính trị chưa đồng bộ, trình độ năng lực cán bộ còn hạn chế nên các cuộc vận động chỉ mang tính phong trào, khó tập hợp quần chúng…

Xuất phát từ thực tế đó, Đảng bộ xã Điện Phong thẳng thắn nhìn nhận lại những tồn tại yếu kém, qua đó xác định rõ trách nhiệm, vai trò của mình, đồng thời phát huy tốt nội lực. “Trước hết chúng tôi nhận thấy rằng Đảng lãnh đạo phải có chủ trương; Nhà nước điều hành, Mặt trận phối hợp phải có chương trình kế hoạch để triển khai thực hiện. Để vực dậy phong trào, Đảng ủy phân công các đồng chí trong Ban Thường vụ đứng điểm ở tất cả các thôn. Đồng thời thành lập các tổ theo dõi với thành phần gồm cán bộ cấp ủy và các ngành. Như vậy ở 8 thôn chúng tôi có 8 tổ do các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy phụ trách, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ” - ông Long cho biết. Sự giám sát của các tổ công tác đã giúp cho Đảng ủy xã nhanh chóng nắm bắt các vấn đề khó khăn, tồn tại ở cơ sở để kịp thời giải quyết, ra chủ trương phù hợp. Theo lời ông Long, vai trò của Mặt trận trong thực hiện chủ trương của Đảng là cực kỳ quan trọng, bởi đường lối chính sách của Đảng đúng nhưng không được nhân dân nắm bắt thì việc triển khai thực hiện sẽ không hiệu quả.

Từ sự đồng thuận giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của xã Điện Phong giảm còn 7% (năm 2012 là 22,6%); 100% học sinh THPT, THCS tốt nghiệp, 100% dân số được sử dụng nước sạch; thu nhập bình quân đầu người đạt 23,4 triệu đồng/năm. Xã Điện Phong đã đạt 10 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Điển hình như việc phát động xây dựng nông thôn mới (NTM). Tháng 3.2012, Điện Phong tổ chức lễ phát động hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2011 - 2015. Ban đầu việc tiếp nhận rất khó khăn vì nhân dân chưa nắm bắt được chủ trương. Nhưng nhờ có sự phối hợp giữa chính quyền và Mặt trận xã nên mọi việc đã được công khai minh bạch với dân, nhân dân hiểu được ý nghĩa to lớn của chương trình xây dựng NTM. Các khoản của Nhà nước đầu tư, nhân dân đối ứng đều cụ thể, rõ ràng. Tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước của nhân dân đã thay đổi. “Người dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong phong trào, nhận thấy được quyền lợi của mình trong đó nên tích cực tham gia thực hiện và giám sát chặt chẽ. Do vậy, khi địa phương phát động các phần việc trong phong trào chung về xây dựng NTM, người dân không những đóng góp tiền mà còn tự nguyện hiến đất đai, ruộng vườn vì lợi ích chung” - ông Long nói. Đường 610B qua xã Điện Phong mở rộng, đụng đến đất của dân nhưng không có ai ở đây đòi bồi thường. Khi Mặt trận vận động, nhiều hộ dân sẵn sàng hiến 50 - 60m2 đất mặt tiền. Những chiếc cổng nhà thờ kinh phí xây dựng hết 300 - 400 trăm triệu đồng cũng được các tộc họ tự nguyện phá dỡ để bàn giao mặt bằng. “Để có điều đó, việc công khai, minh bạch trước dân rất quan trọng. Đưa ra để nhân dân bàn bạc, đi đến thống nhất thì khi triển khai sẽ không phải gặp trở ngại” - ông Long chia sẻ kinh nghiệm.

Mạnh vì đồng thuận

Ở Điện Phong, Đảng bộ và chính quyền địa phương luôn luôn tạo điều kiện cho Mặt trận trong các hoạt động và nghiêm túc lắng nghe, tiếp thu ý kiến nhân dân để vận dụng trong quá trình chỉ đạo, điều hành. Từ khi Điện Phong phát động xây dựng NTM đến nay, tình làng nghĩa xóm được gắn bó, nhân dân giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cùng với chính quyền, người dân đóng góp đầu tư phát triển cơ sở vật chất, xây dựng các thiết chế văn hóa xã hội... làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

Có sự đồng thuận, thống nhất cao nên năm 2012, Mặt trận và các đoàn thể đã vận động nội lực của nhân dân, kết hợp nguồn hỗ trợ của con em xã quê cùng nguồn ngân sách đầu tư xây dựng 19 công trình trọng điểm, tổng vốn đầu tư hơn 16 tỷ đồng. Trong đó vốn ngân sách nhà nước và vốn địa phương 11,5 tỷ đồng, huy động nhân dân đối ứng hơn 4,5 tỷ đồng. Ngoài ra, nhân dân toàn xã đã hiến hơn 5.000m2 đất xây dựng trường mẫu giáo, thực hiện thủy lợi hóa đất màu, bê tông 7 tuyến giao thông nội đồng (tổng chiều dài gần 3km), kiên cố hóa hơn 1km kênh mương nội đồng…

Điển hình như Tây An, vốn nổi tiếng là thôn “nghèo nhất huyện” nhưng chỉ sau hơn 10 năm phấn đấu, giờ đây Tây An đã “thay da đổi thịt” nhanh chóng. Đường làng, ngõ xóm, tường rào, cổng ngõ… rộng rãi, sạch đẹp; ngoài đồng, cây trái xanh tươi bốn mùa… Giờ đây Tây An chỉ còn 7% hộ nghèo trên tổng số 170 hộ dân. Hơn 98% gia đình có nhà ở kiên cố, 100% hộ có xe máy; nhiều năm liền thôn không có người sinh con thứ 3; 90% gia đình đạt chuẩn văn hóa; an ninh trật tự đảm bảo; không còn xảy ra tình trạng bỏ học giữa chừng; số lượng học sinh đỗ đại học, cao đẳng hằng năm đều tăng… Trưởng thôn Tây An kiêm Bí thư Chi bộ Huỳnh Tài cho biết: “Tây An có được như ngày hôm nay tất cả đều nhờ vào sự đồng thuận, góp sức người, sức của từ nhân dân. Mỗi khi có chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước triển khai, nhân dân Tây An đều chấp hành tốt. Tây An đang cố gắng để trở thành thôn dẫn đầu xã về xây dựng NTM”. Từng là thôn nghèo nhất xã nhưng nay Tây An đã hoàn thành được đến 9 tiêu chí xây dựng NTM, đây là kết quả đáng tự hào của thôn.

VINH ANH

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Minh bạch với dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO