Nằm lặng lẽ nơi con phố nhỏ mang tên Hoàng Diệu (TP.Tam Kỳ), quán mít hông của bà Nhạn từ lâu đã trở thành điểm ăn vặt lý thú của lớp trẻ.
Bà Nguyễn Thị Nhạn (81 tuổi) đã có gần 30 năm gắn bó với món ăn dân dã này. Bà kể, từ năm 1989, bà mở một quán nhỏ ven đường bán món mít hông làm kế sinh nhai. Rồi không biết tự khi nào, món ăn được nhiều người biết đến, khách tìm đến quán bà mỗi lúc một đông, và cứ thế, đến tận bây giờ, quán vẫn không lúc nào vắng khách ghé thăm.
Quán mít hông bà Nhạn ở chân cầu đường Hoàng Diệu. Ảnh: KIỀU LY |
Mùa hạ, mít quê chín rộ, những trái mít to tròn, thơm lựng từ các vùng đồi Tiên Phước, Núi Thành... được bà Nhạn tập kết đầy sân nhà. Mít sẽ được gọt vỏ, lấy lá chuối khô chùi cho sạch mủ, xẻ ra thành từng miếng rồi cắt cùi, tách múi. Sau đó, dùng dao bóc tách hạt và lớp vỏ lụa ra khỏi thịt mít.
Hạt mít được tận dụng làm nhân bằng cách luộc chín, lột vỏ cho vào cối xay, rồi dùng đũa đánh cho tơi ra. Sau đó, trộn với các loại gia vị như muối, bột nêm, mì chính, tiêu theo kinh nghiệm lâu năm của bà Nhạn. Sau khi phi thơm dầu phụng với hành tỏi băm nhỏ thì cho nhân vào xào khoảng 5 phút. Khi nhân đã nguội thì cho vào từng múi mít, xếp vào một cái xửng và hông cách thủy chừng 30 phút cho chín. Khi ăn, thường rắc thêm đậu phụng rang giã nhuyễn, kết hợp với dừa bào sợi và một ít dầu phụng cho món ăn thêm phần béo thơm.
Bà Nhạn cho biết: “Bí quyết để làm nên những múi mít hông vừa ngon và đẹp mắt chỉ đơn giản ở khâu chọn nguyên liệu. Phải biết chọn những trái mít chín mật, khi mới bắt đầu “trở tiếng” (gần chín) chứ không chọn quả chín quá mà cũng đừng có non quá”. Trung bình mỗi trái mít chế biến được khoảng 20 – 30 đĩa mít hông, mỗi đĩa được bán với giá 10 nghìn đồng, mỗi ngày quán bà Nhạn bán được từ 5 – 8 trái mít.
Sức hấp dẫn của mít hông bà Nhạn có lẽ không chỉ là những đĩa mít vàng ươm, mùi hương mít chín hòa quyện với mùi thơm của dầu phụng, vị béo của nhân, vị giòn ngọt của dừa sợi mà còn là những hình ảnh, kỷ niệm gắn liền với thời gian.
KIỀU LY