Ngày 5.8.2016, chuyến tàu SITC từ cảng Inchon (Hàn Quốc) trọng tải 20.000 tấn đã cập bến cảng số 1 Tam Hiệp an toàn. Lần đầu tiên đón trực tiếp tàu hàng quốc tế, cảng Chu Lai - Trường Hải chính thức trở thành cảng quốc tế xuất khẩu trực tiếp tại Quảng Nam.
Năng lực logistics
Thủy thủ đoàn hãng tàu SITC bước xuống, đón nhận những tràng pháo tay và hoa chào mừng từ chính quyền Quảng Nam và Thaco. Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Thaco tuyên bố sẽ mở rộng cảng Chu Lai - Trường Hải, tiến hành nạo vét luồng lạch để có thể đón tàu trọng tải 30.000 - 40.000 tấn cập cảng trong một ngày không xa.
Kể từ chuyến tàu vận chuyển container, hàng tổng hợp cùng 20 thủy thủ tàu Trường Hải Star của Công ty TNHH Vận tải biển Chu Lai - Trường Hải (thuộc Tập đoàn Ô tô Trường Hải) cập cảng Kỳ Hà vào ngày 28.5.2006 đã chính thức khai thông tuyến vận tải biển TP.Hồ Chí Minh đi Kỳ Hà và ngược lại, đã thông đường cho cảng Kỳ Hà đón những chuyến tàu ngược xuôi. Ông Trần Bá Dương nói những ngày ấy, Thaco đã đối diện khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển. Hàng linh kiện CKD từ Hàn Quốc phải về TP.Hồ Chí Minh, sau đó chuyển về Chu Lai. Những chuyến trung chuyển này đã dẫn đến chi phí tăng gấp 2 lần, tốn thời gian khá nhiều. Khi đưa nhà máy sản xuất xe bus, xe du lịch KIA hoạt động, một quyết định quan trọng đã được Thaco thực hiện là đầu tư xây dựng cảng Chu Lai - Trường Hải (bến Tam Hiệp – cảng Kỳ Hà). Sau 2 năm đầu tư, công trình hiện đã đáp ứng được nhu cầu của đơn vị với chiều dài cầu cảng 300m, có khả năng tiếp cận tàu 20.000 tấn và trên tổng diện tích 40ha (44.000m2 bãi container, 70.000m2 kho ngoại quan, kho hàng và kho chất lỏng) với tổng vốn đầu tư 400 tỷ đồng, đã hoàn thành giai đoạn 1. Hai tàu có tải trọng 15.000 tấn với sức chở hơn 1.000 TEU hoạt động trên tuyến Phòng Thành (Trung Quốc) - Chu Lai và TP.Hồ Chí Minh - Chu Lai cũng đã đưa vào hoạt động, hình thành chuỗi dịch vụ logistics trọn gói, bao gồm: vận tải cảng biển, cảng biển, vận tải đường bộ và kho bãi. Trong nhật ký làm hàng của cảng Tam Hiệp, sản lượng hàng hóa thông qua cảng tăng trưởng từng năm. Năm 2014, có khoảng 450.000 tấn qua cảng đã gia tăng lên 950.000 tấn năm 2015 và dự kiến đạt 1.350.000 tấn năm 2016.
Khai trương tuyến hàng hải Hàn Quốc - Chu Lai và ngược lại. Ảnh: T.D |
Thaco tuyên bố mở rộng cảng Chu Lai – Trường Hải với 170m cầu cảng về phía thượng lưu đạt tổng chiều dài gần 500m, có vốn đầu tư trên 200 tỷ đồng, nâng tổng vốn đầu tư tại cảng lên 800 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào tháng 2.2017. Quảng Nam có kế hoạch nạo vét luồng để đáp ứng tàu 30.000 tấn vào năm 2018. Theo ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục Hàng hải, sự kiện này chính là dấu son, mở ra tiến trình hội nhập của Quảng Nam để hàng hóa khu vực này tiết giảm chi phí vận chuyển, giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và Chu Lai sẽ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Xuyên Thái Bình Dương
Không ít thử thách đặt trên vai Thaco khi hiện toàn Việt Nam đã có hơn 30 đại diện của các tập đoàn logistics thế giới mở văn phòng tại Việt Nam; chưa kể tới số lượng công ty nội địa, loại hình này cũng đang trên đà phát triển, sẵn sàng bắt tay vào cuộc. Dự báo nhiều cảng biển Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ mất thị phần, rất nhiều khả năng rơi vào cảnh cho thuê, mướn hoặc thậm chí làm thuê cho đối tác ngay trên sân nhà, nhưng cảng Chu Lai - Trường Hải dường như có thể là ngoại lệ. Theo kinh nghiệm của các chủ hàng xuất khẩu, thông qua sử dụng dịch vụ logistic trọn gói, doanh nghiệp chỉ cần 2 tháng thay vì 5 - 6 tháng để vận chuyển hàng (kể từ lúc nhận cho tới lúc giao đến khách hàng). Chính điều này sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí. Điều này với Thaco có thừa năng lực bởi công ty này đã tích hợp tất cả loại hình dịch vụ chuyên biệt thành dịch vụ logistis trọn gói. Thaco logistics cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng nội địa và quốc tế như đi cảng Phòng Thanh (Trung Quốc), cảng Singapore, Hồng Kông. Ngoài ra Thaco còn cung cấp các dịch vụ cho thuê kho, tiếp vận, cho thuê bãi để đặt các cơ sở sản xuất, gia công kết hợp dịch vụ cảng biển… Hệ thống kho bãi, kho ngoại quan được xây dựng theo tiêu chuẩn châu Âu. Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch HĐQT Thaco nói việc mở tuyến hàng hải Hàn Quốc – Chu Lai và ngược lại, không chỉ giảm được chi phí vận chuyển mà còn đánh dấu bước ngoặt đưa cảng Chu Lai – Trường Hải trở thành cảng xuất khẩu của Quảng Nam, trước mắt là trực tiếp đi Hàn Quốc. Sự kiện này cũng có ý nghĩa rất lớn và trọng đại với Thaco là sau hơn 14 năm đầu tư, phát triển tại Chu Lai, đến hôm nay mới đạt được sản lượng đủ lớn và ổn định để thiết lập được tuyến vận chuyển này, từng bước giải quyết được bất cập về logistics và góp phần xúc tiến đầu tư sản xuất tại Chu Lai nói riêng và Quảng Nam nói chung.
Việc mở tuyến hàng hải quốc tế trực tiếp từ Hàn Quốc - Chu Lai và ngược lại đã tạo thêm động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục “mơ tưởng” về xứ Quảng. Không đơn giản chỉ là chuyện rút ngắn không gian và thời gian, mà Chu Lai còn chính là vận hội cho Quảng Nam rộng cửa đón các nhà đầu tư. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu cho rằng việc hình thành tuyến hàng hải quốc tế này sẽ rộng đường mở những tuyến vận tải quốc tế trực tiếp từ Nhật Bản, Trung Quốc và cộng đồng các nước ASEAN đến Quảng Nam và khu vực miền Trung. Quảng Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Chu Lai hoạt động phát triển cao nhất; chủ động gặp gỡ, giải quyết những yêu cầu chính đáng của nhà đầu tư. Chính quyền sẽ đầu tư nạo vét thêm luồng cảng để đón tàu lớn hơn vào cảng. “Kết nối trực tiếp các tuyến hàng hải quốc tế đến Chu Lai sẽ giúp các nhà đầu tư tại Quảng Nam tiếp nhận dịch vụ vận tải hàng hóa quốc tế rẻ, tiện ích, góp phần hạ giá thành sản phẩm, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào Chu Lai và miền Trung” - ông Thu nói. Tổng Giám đốc hãng tàu SITC – ông Sun Yong Li cho rằng chuyến tàu từ cảng Inchon (Hàn Quốc) đến Chu Lai được thực hiện chính là nhờ vào sản lượng đủ lớn của Thaco. Từ đây hãng tàu này sẽ mang hàng hóa của Chu Lai, Quảng Nam đến trung tâm trung chuyển khu vực và ra thế giới. Quảng Nam có thể nạo vét luồng lạch cảng để đạt độ sâu 11 - 12m. Nếu đạt được thì đây sẽ là điểm hẹn hấp dẫn cho các hãng tàu lớn, không chỉ SITC.
TRỊNH DŨNG