TP.Tam Kỳ đang tập trung phát triển, mở rộng không gian đô thị về phía đông theo định hướng quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Rộng mở những cung đường
Năm 2017, kỷ niệm 42 năm giải phóng TP.Tam Kỳ và 20 năm tái lập tỉnh, UBND thành phố đã tổ chức gắn biển công nhận công trình mở rộng, nâng cấp đường Tam Kỳ - Tam Thanh. Từ một tuyến đường chật hẹp rộng 6,5m, năm 2014, công trình nâng cấp, mở rộng đường Tam Kỳ - Tam Thanh được khởi công xây dựng. Với quy mô chiều dài tuyến hơn 3,8km, mặt cắt đường 16m và quy hoạch mặt cắt 27m, tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương hơn 53 tỷ đồng và ngân sách thành phố bố trí cho công tác bồi thường giải phóng mặt bằng là hơn 50 tỷ đồng.
Tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh nâng cấp, mở rộng mở ra sự kết nối thuận lợi giữa trung tâm thành phố và vùng đông. |
Để thi công dự án này, gần 350 hộ dân xã Tam Phú và phường An Phú phải hy sinh quyền lợi của mình, trong đó 35 hộ giải tỏa trắng di chuyển đến nơi ở mới, để giải phóng mặt bằng, nhường đất mở rộng tuyến đường. Nhờ vậy, con đường huyết mạch và lâu đời nhất nối trung tâm thành phố với các xã vùng đông được nâng cấp, mở rộng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đi lại của người dân. Nhân nói đến tuyến đường này, không thể không nhắc tới cầu Kỳ Phú 1 và 2. Với số tiền lên tới 257 tỷ đồng, cây cầu nối đôi bờ sông Bàn Thạch sau thời gian xuống cấp nặng đã được đầu tư xây dựng năm 2015, mở ra sự giao thương thuận tiện cho người dân 2 bên bờ cũng như tạo điều kiện thuận lợi trong việc kết nối khu vực nội thị với vùng ven.
Cơ quan chức năng TP.Tam Kỳ kiểm tra trật tự xây dựng tại các xã vùng đông. Ảnh: X.P |
Tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh không phải là tuyến giao thông duy nhất nối trung tâm thành phố với vùng đông. Hiện nay, thành phố đang tích cực phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh tập trung đẩy nhanh tốc độ thi công đường Điện Biên Phủ kéo dài hơn 6km từ đường Hùng Vương đến đường ven biển. Đây được coi là trục giao thông chiến lược trong phát triển, mở rộng không gian đô thị Tam Kỳ, giúp vùng đông và đô thị hiện hữu xích lại gần nhau hơn bên cạnh các cung đường được mở trước đó như Thanh Hóa, Lê Thánh Tông. Trong chiến lược mở rộng về phía đông của đô thị Tam Kỳ, đường Lê Thánh Tông tập trung phát triển cơ sở hạ tầng trên lĩnh vực văn hóa xã hội gắn với khu đô thị mới. Hiện trên tuyến đường này đã có 2 công trình ý nghĩa là Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng và Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Trong khi đó, đường Điện Biên Phủ được quy hoạch thành trục thương mại, dịch vụ cao cấp bậc nhất thành phố. Nơi đây sẽ được đầu tư xây dựng nhiều trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh cũng như các công trình hạ tầng thúc đẩy việc giao thương.
Như vậy, sau khi tuyến đường Điện Biên Phủ hoàn thành, từ đô thị Tam Kỳ sẽ có 4 tuyến đường rộng mở vượt qua sông Bàn Thạch để đi về vùng đông. Theo Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ Nguyễn Minh Nam, cùng với cầu Kỳ Phú 1, 2, tuyến đường Tam Kỳ - Tam Thanh vừa hoàn thành và các tuyến đường khác thông suốt từ trung tâm thành phố về vùng đông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của khu vực và dịch vụ du lịch dải ven biển Tam Thanh; tạo nền tảng để nâng cao đời sống nhân dân về mọi mặt. Bên cạnh đó, kịp thời phục vụ công tác cứu hộ, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, đảm bảo an ninh quốc phòng.
Sôi động vùng đông
Quản lý quy hoạch vùng Đông Vùng đông Tam Kỳ được quy hoạch là trung tâm hành chính thứ hai của thành phố, kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai để trở thành vùng kinh tế trọng điểm. Do vậy, thành phố đang triển khai các giải pháp quản lý chặt chẽ để thực hiện theo đúng quy hoạch. Vùng đông Tam Kỳ bao gồm phường An Phú, xã Tam Phú, xã Tam Thăng, xã Tam Thanh và khối phố Đoan Trai (phường Tân Thạnh) với đa dạng các loại địa hình từ những vùng đất trũng thấp, sông hồ đến những bãi cát bồi, đồi núi… Cuối năm 2014, đồ án quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đã xác định xây dựng thành phố hướng về phía đông theo định hướng đô thị xanh, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di tích lịch sử. Đồng thời kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai để tạo động lực về phát triển kinh tế. Ngay sau khi đồ án quy hoạch được ban hành, UBND thành phố đã chỉ đạo cho các địa phương, đơn vị liên quan công bố quy hoạch rộng rãi, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng các công trình dân sinh đảm bảo quy hoạch chung. Giải pháp này đã đem lại hiệu quả ban đầu khi nhận được sự đồng thuận cao từ phía người dân. Công tác quản lý quy hoạch vùng đông Tam Kỳ cũng được thành phố gắn liền với tính khả thi khi triển khai các dự án. Thành phố đã triển khai lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa đồ án quy hoạch chung. Trước mắt, tập trung 7 đồ án quy hoạch từ phân khu 6 - cánh đồng Nhong đến phân khu 12 - ven biển, ven sông Trường Giang. Theo ông Văn Anh Tuấn - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, trong thời gian qua, thành phố đã tăng cường công tác xúc tiến kêu gọi đầu tư, ưu tiên những nhà đầu tư có tiềm lực tập trung cho các dự án trọng điểm, các dự án lớn phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, gìn giữ tài nguyên môi trường, làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp địa phương mở rộng sản xuất, kinh doanh theo đúng quy hoạch. Ngoài sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì vai trò của người dân là rất quan trọng trong việc quản lý quy hoạch. Ý thức chấp hành chủ trương cũng như việc giám sát của người dân sẽ quyết định đến sự thành công của đồ án quy hoạch, hướng đến một vùng đông Tam Kỳ phát triển bền vững.(XUÂN TRƯỜNG) |
Không kể Khu công nghiệp Tam Thăng, vùng đông Tam Kỳ hiện nay cũng sôi động với khá nhiều dự án, địa điểm du lịch hấp dẫn. Nếu như trước đây về với vùng đông chỉ có “thưởng thức” đặc sản biển Tam Thanh, bây giờ du khách và người dân sẽ có nhiều lựa chọn với sự đa dạng, phong phú. Trước hết phải kể đến là Tượng đài mẹ Việt Nam anh hùng - địa điểm du lịch đáng chú ý nhất mà bất cứ ai đến Tam Kỳ đều muốn tìm về. Sau đó là Làng bích họa Tam Thanh và nơi đây hiện còn được biết tới là địa điểm triển khai dự án Phát triển du lịch với sự tham gia của cộng đồng với “Con đường thuyền thúng nghệ thuật”, “Làng bách hoa”. Đưa nghệ thuật vào không gian sống, chính quyền cùng người dân Tam Thanh, TP.Tam Kỳ đưa ra những giải pháp phát triển bền vững cải thiện môi trường sống và tạo sinh kế cho người dân địa phương. Năm 2016, khu nghỉ dưỡng Tam Thanh với nguồn kinh phí gần 30 tỷ đồng xây dựng tại xã Tam Thanh được đưa vào sử dụng. Đây là khu resort 4 sao đầu tiên tại bãi biển Tam Thanh nhằm phục vụ du khách, là điểm đến trong hành trình khám phá các danh lam thắng cảnh ở Tam Kỳ.
Một trong những công trình được TP.Tam Kỳ đầu tư ở vùng đông và tạo ra hiệu quả thấy rõ đó là Quảng trường biển Tam Thanh. Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đây là nơi tổ chức khá nhiều các hoạt động lễ hội lớn của thành phố cũng như của tỉnh, có thể kể đến như ngày hội biển Tam Thanh, một số hoạt động của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013. Vào tháng 6 tới, Quảng trường biển Tam Thanh được chọn làm địa điểm khai mạc Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI năm 2017. Ngoài ra, nơi đây còn diễn ra một số hoạt động của Festival như Ngày hội văn hóa - thể thao và du lịch biển, chủ đề “Tam Thanh - Cảm xúc mùa hè”, triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”, Liên hoan hô hát bài chòi các tỉnh miền Trung Việt Nam và các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh với chủ đề “Sắc màu di sản văn hóa phi vật thể Việt Nam”, Festival diều quốc tế. Bên cạnh phát triển du lịch, định hướng phát triển không gian đô thị về phía đông gắn với phát triển một phần phía đông sông Bàn Thạch và khu vực ven biển được tập trung đầu tư. Năm 2016, thành phố công bố quy hoạch khu đô thị Nam Tam Phú (nằm ở xã Tam Phú và phường An Phú) với diện tích hơn 250ha, mở ra hướng phát triển đô thị sinh thái đầu tiên trên địa bàn, tạo động lực phát triển nhanh toàn bộ khu vực phía đông bắc đô thị Tam Kỳ.
Với những gì đang diễn ra, rõ ràng vùng đông Tam Kỳ đang có một sức sống mới, đầy năng động và hấp dẫn, tạo tiền đề cho việc mở rộng không gian đô thị theo quy hoạch chung TP.Tam Kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
XUÂN PHÚ