Mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Nhìn từ Đại Lộc

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG 18/04/2017 09:15

Các xã Đại An và Đại Quang (huyện Đại Lộc) là những địa phương mạnh dạn thực hiện “nhất thể hóa” chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn. Và qua thực tiễn cho thấy, mô hình này đem lại hiệu quả tích cực, mà những điển hình dưới đây là minh chứng.

Thôn Tam Hòa, xã Đại Quang (Đại Lộc) quyết tâm giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp của làng quê trong việc xây dựng nông thôn mới.  Ảnh: Triêu Nhan
Thôn Tam Hòa, xã Đại Quang (Đại Lộc) quyết tâm giữ gìn cảnh quan xanh - sạch - đẹp của làng quê trong việc xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Triêu Nhan

1. Tính đến nay ông Nguyễn Hữu Nhàn có thâm niên 25 năm làm Trưởng thôn Phước Yên, xã Đại An còn tính thời gian kiêm nhiệm thêm chức danh Bí thư Chi bộ thôn thì chỉ mới 2 năm nay. Trong 25 năm qua, nhất là từ khi kiêm nhiệm chức danh, ở cương vị nào ông Nhàn cũng gương mẫu, năng nổ, hết mình vì công việc, vì bà con trong thôn. Ông Nhàn chia sẻ: “Một bí thư chi bộ trước hết phải gương mẫu. Anh có gương mẫu thì đảng viên ở cơ sở mới noi gương, mới tin và làm theo. Còn về mặt chính quyền, phải làm cho dân tin, khi đã tin thì họ mới theo và ủng hộ chính quyền. Làm việc gì cũng phải trung thực với dân, phải tạo điều kiện cho bà con phát huy quyền làm chủ; các khoản đóng góp ngân sách đều phải công bố rõ ràng, cụ thể để nhân dân tin tưởng, hưởng ứng. Tôi vui mừng vì được bà con tín nhiệm, tất nhiên để có được điều đó, tôi cũng luôn cố gắng sửa mình, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân”.

“Dù đã lớn tuổi nhưng phải nỗ lực làm. Mình còn hơi, còn sức phải làm để còn xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ thay thế. Phong trào dưới thôn nhiều, tôi dặn mình phải tranh thủ, sắp xếp việc, phải dành nhiều thời gian chứ đừng nặng gia đình mà bỏ bê việc chung”. (Ông Nguyễn Hữu Nhàn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phước Yên, xã Đại An, Đại Lộc)

Cũng theo ông Nhàn, vì là “2 trong 1”, nên bản thân ông phải “nói đi đôi với làm”. Khi chi bộ đã ra nghị quyết, bản thân ông là người đứng đầu Ban nhân dân thôn phải cụ thể hóa, đưa nghị quyết vào triển khai luôn, nhờ đó mọi việc tiến hành nhanh và thuận lợi hơn trước, dẫu vai trò của người đứng đầu ở cơ sở khá vất vả vì khối lượng công việc lớn. Từ khi đảm nhận hai chức danh, ông Nhàn bận rộn nhiều hơn, bởi chỉ riêng công việc của một trưởng thôn đã khá vất vả. Nào là việc linh hoạt sức dân để có cây cầu bằng ri sắt, lót gỗ, cật tre kiên cố bắc qua sông Vu Gia tạo điều kiện cho người dân thôn Phước Yên đi lại sản xuất, bởi toàn bộ đất sản xuất nằm bên kia sông. Rồi bao nhiêu việc làng việc xóm, từ vụ mất trộm, việc mâu thuẫn gia đình, tình làng nghĩa xóm, hòa giải cơ sở, phát triển kinh tế… trưởng thôn đều phải tham gia, có mặt, đứng ra tiếp nhận và tìm hướng giải quyết ban đầu hay báo cáo lên chính quyền cấp trên. Trong khi nguồn phụ cấp cả hai chức danh mỗi tháng của ông chỉ tầm 1,4 triệu đồng, nếu thiếu tâm huyết, e khó đảm đương.

2. Đã có 21 năm đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau từ thôn đến xã, bà Đỗ Thị Năm - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Lộc, xã Đại An luôn được cán bộ, đảng viên và nhân dân yêu mến. Là phụ nữ, vừa đảm nhiệm việc Đảng, năm 2015 lại được bầu làm trưởng thôn, khối lượng công việc quá lớn nên ban đầu bà thấy khá áp lực. Song, nhờ chịu khó, nhiệt tình, được sự quan tâm, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự ủng hộ của nhân dân, bà Năm đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bà luôn quan niệm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm cho dân tin”, việc làng việc xóm hay phong trào gì, bà cũng luôn năng nổ, nhiệt tình. Từ việc vận động chị em tham gia chương trình “góp vốn quay vòng” tạo nguồn vốn phát triển kinh tế, việc bê tông hóa các tuyến đường thôn từ nguồn xã hội hóa,… cho đến việc kêu gọi sức dân đầu tư làm cầu tre bắc qua sông Vu Gia nối liền thôn Phú Lộc với thôn 10 xã Đại Cường.

Để có nguồn lực bê tông hóa con đường lầy lội dài 500m trong thôn, bà đứng ra kêu gọi các nhà hảo tâm, bà con xa quê góp sức. Hay như chứng kiến nỗi khổ của người dân khi hàng ngày đi lại, sản xuất trên cây cầu tre tạm bợ, bà tổ chức nhiều buổi họp dân biểu quyết, xin ý kiến cấp trên, cùng với nhân dân trong thôn làm cầu phao. Năm 2015, hưởng ứng chủ trương xây dựng nông thôn mới của nhà nước, bà Năm đã nhiệt tình vận động xây dựng tường rào, tu sửa nhà văn hóa thôn, đình làng, đường giao thông, giữ gìn môi trường trong sạch… tạo bộ mặt mới cho thôn Phú Lộc.

3. Với 20 năm làm Bí thư Chi bộ thôn Tam Hòa, xã Đại Quang và hơn một năm được bầu làm trưởng thôn, ông Đoàn Ngọc Lạc luôn hết mình với vị trí, cương vị được Đảng và nhân dân giao phó. Trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã Đại An, thôn Tam Hòa được chọn làm điểm xây dựng khu dân cư kiểu mẫu. Khối lượng công việc quá lớn, áp lực đối với người đứng đầu cấp thôn hết sức nặng nề. Việc Đảng, việc chính quyền, gánh nặng hai vai, đòi hỏi ông Lạc phải vào cuộc một cách năng nổ, nhiệt tình, có thời điểm ông gần như dành trọn thời gian cho công việc mà không phàn nàn. Để thôn nhanh chóng hoàn thành các tiêu chí còn lại, ông Lạc chủ động kêu gọi, vận động nhân dân tham gia làm cống thoát nước dài gần 100m, đắp đường giao thông nội đồng để thuận tiện triển khai đường bê tông giao thông nông thôn, bắt đường điện khắp mọi ngóc ngách của thôn. Với công trình nâng cấp hội trường thôn, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại phải huy động sức dân đóng góp, điều này sẽ không dễ dàng nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của người đứng đầu cấp thôn. “Đảm nhận hai chức vụ cùng lúc, có những việc cấp bách, đòi hỏi phải giải quyết cấp thiết, nếu không có kinh nghiệm, sự nhạy bén, sự công tâm, sẽ khó giải quyết thấu tình đạt lý. Song, dù khó khăn đến mấy nhưng nếu cấp trên tin tưởng, nhân dân ủng hộ thì việc gì cũng xong” - ông Lạc chia sẻ.

TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn: Nhìn từ Đại Lộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO