Mô hình canh tác đậu xanh đạt hiệu quả

TƯ RUỘNG 25/07/2017 09:50

Vừa rồi Tư tôi tình cờ gặp ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Điện Quang (thị xã Điện Bàn) trên chuyến xe buýt vào TP. Tam Kỳ. Nghe hỏi tình hình sản xuất các loại cây trồng cạn ở địa phương, ông Thành hồ hởi nói: “Vụ xuân hè 2017 này, nhà nông quê tui rất phấn khởi vì mô hình canh tác đậu xanh theo phương thức hàng hóa tập trung kết hợp với cơ giới hóa một số khâu mang lại giá trị kinh tế khá cao”.

Tư Ruộng tranh thủ lên xã Điện Quang tìm hiểu về hiệu quả của mô hình mà ông Thành giới thiệu. Đang chạy xe ngon trớn, Tư tôi liền hãm phanh vì thấy vợ chồng anh Tám Kỳ Lam hì hục khiêng những mủng đậu xanh nặng trịch cân bán cho một tư thương. Anh Tám cho biết, sau khi thu hoạch vụ bắp nếp đông xuân, gia đình anh khẩn trương cải tạo 3 sào đất màu rồi tiến hành gieo tỉa giống đậu xanh ĐX208 do ngành khuyến nông thị xã Điện Bàn hỗ trợ. “Vụ xuân hè năm nay bình quân 1 sào đất tui thu được 190kg đậu xanh khô, bán tại nhà cho tư thương với mức giá 18 nghìn đồng/kg thì kiếm được hơn 3,4 triệu đồng/sào. Sau khi trừ các khoản chi phí, còn lại lãi ròng ít nhất 3,2 triệu đồng/sào, tăng 1,2 triệu đồng/sào so với sản xuất bắp nếp. Cần nói thêm, việc gieo tỉa bằng cơ giới mỗi sào còn tiết kiệm được 220 nghìn đồng tiền mua hạt giống và trả công lao động” - anh Tám Kỳ Lam chia sẻ.

Theo tìm hiểu của Tư tôi, được ngành nông nghiệp Điện Bàn và các đơn vị liên quan ở xã Điện Quang tích cực hỗ trợ nhiều mặt, vụ xuân hè 2017 tại quê của anh Tám Kỳ Lam có gần 50 hộ dân tham gia thực hiện mô hình canh tác giống đậu xanh ĐX208 theo hướng hàng hóa kết hợp với việc ứng dụng cơ giới hóa một số khâu trên tổng diện tích 7ha đất màu hoàn toàn chủ động nước tưới. Ông Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Hợp tác xã Điện Quang cho hay, nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất, đơn vị đã mua 10 chiếc máy gieo tỉa hạt với tổng trị giá 50 triệu đồng, trong đó Trạm Khuyến nông thị xã hỗ trợ 50% kinh phí từ nguồn vốn phát triển sự nghiệp nông nghiệp. Theo ông Thành, nếu trước đây làm bằng tay thì mỗi công lao động chỉ xuống giống được 1 sào đất. Còn nay sử dụng máy móc mỗi công lao động có thể xuống giống được 40 sào. Ông Thành nói: “Nhờ đưa máy gieo tỉa hạt vào hoạt động nên vụ này nhà nông tiết kiệm được 4,2 - 4,4 triệu đồng/ha tiền mua giống và trả công lao động. Theo thống kê, năng suất bình quân của mô hình đạt 30 tạ đậu xanh khô/ha, nếu bán sản phẩm theo giá thị trường tại thời điểm này là 18 - 19 nghìn đồng/kg thì tổng giá trị đạt 54 - 57 triệu đồng/ha, trừ vốn đầu tư, nhà nông lãi ròng 50 - 53 triệu đồng/ha, cao hơn 6 - 8 triệu đồng/ha so với những ruộng đậu xanh sản xuất đại trà quanh vùng”.

Ông Nguyễn Đức Thành cho biết thêm, với hiệu quả kinh tế hết sức thiết thực đó, sắp tới đây hợp tác xã sẽ liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam tổ chức cho nông dân địa phương sản xuất 50ha đậu xanh giống theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ đầu ra của sản phẩm.

TƯ RUỘNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mô hình canh tác đậu xanh đạt hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO