Với việc thành lập trường THCS chất lượng cao (CLC), huyện Phú Ninh đã tạo ra bước đột phá trong việc xây dựng một môi trường giáo dục CLC, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho địa phương.
Những kết quả đạt được trong công tác dạy và học cho thấy bước đi đúng đắn của Phú Ninh đối với mô hình trường chất lượng cao. Ảnh: X.PHÚ |
Sức hấp dẫn
Cuối tháng 5.2012, UBND huyện Phú Ninh ban hành đề án Xây dựng trường THCS CLC giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020. Ngay sau đó, huyện đã tổ chức tuyển sinh (bằng hình thức thi tuyển với 4 môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh và môn Năng khiếu - một trong 6 môn học nâng cao) cho cả 4 khối lớp 6, 7, 8, 9 với chỉ tiêu 120 học sinh (HS; mỗi lớp 35 em). Tuyển sinh năm học đầu tiên nhưng mô hình giáo dục mới mẻ này đã thu hút được hơn 500 HS dự thi. Năm học 2013 - 2014, năm thứ 2 tuyển sinh và chỉ tuyển đầu vào lớp 6 với chỉ tiêu 35 em nhưng đã có hơn 200 HS dự thi. Điều đáng nói hơn, sức hút của trường không chỉ dừng lại trong HS ở những khu vực lân cận mà còn trên khắp địa bàn huyện. Có thể nói, cuộc cạnh tranh vào các lớp THCS CLC ở huyện Phú Ninh 2 năm qua là khá căng thẳng, thậm chí còn “nóng” hơn cả kỳ thi tuyển sinh vào các trường THPT chuyên của tỉnh.
Năm học đầu tiên (2012 - 2013), trường THCS CLC huyện Phú Ninh có tỷ lệ HS xếp loại giỏi về học lực của lớp 6 và 7 đạt 100%, lớp 8 và 9 mỗi lớp có 1 HS xếp loại khá (còn lại xếp loại giỏi). Trường có 140 HS nhưng chỉ qua năm học đã giành được 184 giải tại các hội thi HS giỏi cấp huyện, trong đó có đến 22 giải nhất trong số 31 giải nhất toàn huyện, giành được 20 giải HS giỏi cấp tỉnh. Mỗi HS trường THCS CLC huyện Phú Ninh được hỗ trợ chi phí học tập (gồm ăn trưa, đi lại, dụng cụ học tập) với mức 830 nghìn đồng/tháng, riêng HS thuộc diện hộ nghèo mức 1 triệu đồng. Riêng HS ở 2 xã xa xôi là Tam Lãnh và Tam Lộc được hỗ trợ tiền ngoại trú với mức 250 nghìn đồng/tháng, HS thuộc hộ nghèo mức 500 nghìn đồng/tháng. Mức hỗ trợ mỗi năm học được tính trong thời gian 9 tháng. Đội ngũ giáo viên cũng được hưởng các chế độ ưu đãi như ngoài chế độ giảm tiết dạy (1 tiết dạy môn nâng cao bằng 1,5 tiết dạy bình thường) còn được hỗ trợ thêm 30 nghìn đồng/tiết. |
Với địa bàn tuyển sinh toàn huyện, để tạo điều kiện thuận lợi cho HS đi học, trường THCS CLC huyện Phú Ninh được xây dựng theo mô hình trường bán trú (HS ăn trưa và nghỉ trưa ngay tại trường). Chưa có cơ sở riêng, vì vậy 2 năm nay, các lớp CLC tạm thời ghép với trường THCS Nguyễn Hiền. Để phục vụ yêu cầu học tập của các lớp CLC, thời gian qua, huyện Phú Ninh đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Trong đó, đã đầu tư xây dựng 1 phòng lab học tiếng Anh, 1 phòng tin học, nhà bếp, phòng ăn, phòng thí nghiệm thực hành… với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, giảng dạy cho các lớp CLC, đến nay trường đã xây dựng được đội ngũ 20 giáo viên là những người có năng lực tốt tuyển chọn từ các trường trong địa bàn huyện. Theo ông Nguyễn Phi Thạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện, việc xây dựng trường CLC nhằm phát hiện, đào tạo đội ngũ HS giỏi có kiến thức toàn diện, là cơ sở ban đầu để hình thành một đội ngũ trí thức CLC cho tương lai; cũng là tạo nguồn cho trường THPT chuyên của tỉnh.
Đi sẽ thành đường
Cách thức, quy mô tổ chức và nội dung, chương trình giảng dạy của trường THCS CLC khác với các trường phổ thông và cũng khác với loại hình trường THPT chuyên hiện nay. Cụ thể, HS trường CLC sẽ học 2 buổi/ngày, trong đó vừa học chương trình chính khóa theo quy định, vừa được học chương trình nâng cao đối với các môn Toán, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Tiếng Anh và Tin học. Hiệu trưởng Lương Văn Túy cho biết, buổi sáng nhà trường tổ chức giảng dạy chương trình chính theo chuẩn kỹ năng, kiến thức của Bộ GDĐT; buổi chiều, HS sẽ học chương trình nâng cao ở 6 môn, tùy theo nhóm môn và năng khiếu của từng HS với thời lượng 3 tiết/buổi. “Đây là mô hình mới nên nhà trường cũng như giáo viên còn nhiều lúng túng, phải tự biên soạn chương trình, nội dung, thời lượng các môn học. Tuy nhiên, những kết quả đạt được trong công tác dạy và học, nâng cao chất lượng trong thời gian qua là rất đáng mừng, nhất là chất lượng giáo dục mũi nhọn thể hiện bước đi đúng đắn của mô hình CLC” - thầy Túy nói.
Ông Hồ Đắc Thiện - Trưởng phòng GDĐT huyện Phú Ninh cho rằng, nếu không chọn con đường khác mà chỉ dừng lại mô hình giáo dục truyền thống như lâu nay sẽ không thể tạo ra bước đột phá trong công tác nâng cao chất lượng, tạo nguồn đào tạo nhân tài cho địa phương. Rất mừng là Nghị quyết 12 (28.12.2012) của Tỉnh ủy cũng đã đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2020 mỗi huyện, thành phố có ít nhất 1 trường CLC. Ông Thiện chia sẻ: “Vẫn biết là rất khó khăn nhưng đi rồi sẽ thành đường. Tôi hoàn toàn tin tưởng vào sự thành công của mô hình này”. Ông Thiện còn cho biết, nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, huyện đang nghiên cứu để điều chỉnh một số tiêu chí trong quy định về tuyển sinh mới, tuyển sinh bổ sung, điều kiện dự thi, hay chuyển những trường hợp không đạt yêu cầu về học tại các trường THCS. Phú Ninh cũng đang gấp rút triển khai dự án xây dựng trường, phấn đấu chậm nhất đến năm 2015 sẽ có cơ sở mới để đi vào hoạt động.
XUÂN PHÚ