Chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái ở xã Tam Mỹ Đông thành công đã mở ra triển vọng cho ngành chăn nuôi sạch và đem lại hiệu quả kinh tế cao ở Núi Thành...
Bắt đầu triển khai từ tháng 6.2014, mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái được Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Núi Thành thực hiện tại xã Tam Mỹ Đông với quy mô nuôi 225 con heo thịt do 15 hộ đảm nhận. Cán bộ Trạm Khuyến nông – khuyến lâm huyện Núi Thành tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học bằng chế phẩm men vi sinh EM trong chăn nuôi heo thịt an toàn sinh học, cung cấp kỹ thuật có liên quan đến quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng; cấp nguyên liệu, chế phẩm và trực tiếp hướng dẫn phương pháp làm đệm lót sinh học. Đệm lót sinh học gồm các nguyên liệu: trấu, mùn cưa, bột bắp và chế phẩm men sinh học EM. Chế phẩm men sinh học EM gồm các tế bào sống của các chủng vi khuẩn, nấm men, nấm sợi, các enzyme thủy phân các chất hữu cơ. Tất cả nguyên liệu trên được Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành hướng dẫn pha trộn theo đúng liều lượng để làm đệm lót sinh thái.
Nuôi heo trên đệm lót sinh thái mở ra hướng chăn nuôi công nghiệp ở Núi Thành. |
Để có được nền đệm lót sinh thái chăn nuôi heo thịt phải thực hiện đúng các quy trình từ cách rải trấu, tưới dịch men EM, rải mùn cưa, bột bắp đến việc chờ thời gian đệm lên men... Cứ 20m2 chuồng có đệm lót sinh thái dày 60cm thì nuôi được 10 - 12 con heo thịt. Theo đó, với 225 con heo thịt của 15 hộ nuôi tại xã Tam Mỹ Đông đã sử dụng hơn 400m2 đệm lót sinh thái. Qua 4 tháng nuôi cho thấy chuồng nuôi heo có lót đệm sinh thái không có mùi hôi bay ra, khí độc giảm, chuồng heo luôn sạch sẽ, thoáng mát, đàn heo sinh trưởng phát triển tốt, tiết kiệm rất nhiều công dọn rửa chuồng. Ông Bùi Thế Hùng, hộ chăn nuôi heo lót đệm sinh thái ở thôn Đa Phú 1 (xã Tam Mỹ Đông) nói: “Gia đinh tôi sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng nuôi heo đã đem lại lợi ích to lớn, tiết kiệm công vệ sinh chuồng trại, giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt đàn heo giảm đáng kể về các bệnh đường hô hấp và đường ruột, tăng trọng tốt và xuất bán trước kế hoạch”. Cùng với ông Bùi Thế Hùng, các hộ thực hiện mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền lót đệm sinh thái ở Tam Mỹ Đông đều phấn khởi về kết quả đạt được. Qua thực tế nuôi heo trên nền lót đệm sinh thái, trừ các khoàn chi phí về giống, thức ăn, thú y..., người nuôi lãi 1 - 1,2 triệu đồng/con heo. Bình quân mỗi hộ nuôi 15 con heo thịt trong 4 tháng thì lãi 15 - 18 triệu đồng.
Kỹ sư Đặng Văn Quang, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Núi Thành cho biết, nuôi heo thịt trên nền lót đệm sinh thái cùng với các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học đem lại nhiều lợi ích đã mở ra hướng đi mới cho người chăn nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường, tăng chất lượng sản phẩm, giảm tồn dư kháng sinh, giảm công sức cho người lao động. Từ đó tăng quy mô đàn gia súc, tăng lợi nhuận cho người chăn nuôi. “Không những thế, việc sử dụng chế phẩm sinh học EM làm đệm lót trong chăn nuôi heo sẽ xử lý được lượng chất thải, hạn chế mùi hôi cũng như khí độc, góp phần bảo vệ sức khỏe người chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tạo cơ hội để phát triển chăn nuôi ngay ở những khu dân cư đông đúc” - ông Quang nói thêm.
Từ lợi ích thực tế của việc chăn nuôi heo trên nền lót đệm sinh thái cho thấy, đây là mô hình phù hợp với phát triển chăn nuôi heo theo hướng nông nghiệp sạch, phát triển bền vững, nhất là trong điều kiện hiện nay khi diện tích đất cho phát triển chăn nuôi gia trại và trang trại đang gặp khó khăn, đặc biệt là đối với những nơi tập trung dân cư đông đúc. Nhận xét về mô hình chăn nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái ở xã Tam Mỹ Đông, bà Lương Thị Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho biết: “Tôi ghi nhận và đánh giá cao mô hình này cũng như mô hình nuôi gà bằng đệm lót sinh học ở xã Tam Tiến vừa mới thực hiện. Thời gian đến, các địa phương nên nhân rộng và chuyển giao công nghệ chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái vì mô hình đem lại nhiều lợi ịch. Hơn nữa, tại Quảng Nam độ ẩm và nhiệt độ rất phù hợp cho việc áp dụng mô hình này”.
VĂN PHIN