Mở hướng hội nhập và phát triển

ALĂNG NGƯỚC 17/06/2019 10:27

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế, huyện Phước Sơn đang hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững thông qua việc hội nhập và kết nối liên vùng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân miền núi.

Từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhiều dự án hạ tầng cơ sở được hình thành, tạo điều kiện phát triển miền núi. TRONG ẢNH: Trụ sở làm việc của UBND xã Phước Năng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Từ chính sách đầu tư của Nhà nước, nhiều dự án hạ tầng cơ sở được hình thành, tạo điều kiện phát triển miền núi. TRONG ẢNH: Trụ sở làm việc của UBND xã Phước Năng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hướng đi vừa nêu là một trong những nội dung trọng tâm sẽ được đề ra tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) huyện Phước Sơn lần thứ III - năm 2019, diễn ra trong hai ngày 13 và 14.6. Với chủ đề “Các dân tộc đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”, bên cạnh đánh giá kết quả thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc giai đoạn 2014 - 2019, đại hội tiếp tục nhấn mạnh đến các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc những năm tiếp theo, thông qua quyết tâm chung vì mục tiêu giảm nghèo cho đồng bào DTTS tại địa phương.

Đẩy mạnh giảm nghèo

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, sau 5 năm thực hiện “Quyết tâm thư” Đại hội đại biểu các DTTS huyện lần thứ II, các chính sách đầu tư của Nhà nước đã tác động rất lớn đến đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào các DTTS tại địa phương. Đến nay trên địa bàn huyện hơn 90% số hộ đồng bào DTTS có điện thắp sáng; 80% số hộ có nước sạch sinh hoạt để sử dụng; cùng nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; các cơ sở trường học, trạm y tế được đầu tư nâng cấp xây mới, đáp ứng nhu cầu học tập và khám chữa bệnh của người dân… Những kết quả đem lại đã cho thấy bước chuyển mới trong việc lồng ghép thực hiện các chính sách đầu tư vùng đồng bào DTTS, mở ra cơ hội giúp người dân thoát nghèo, với tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm hơn 6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2014.

Chuyển hướng phát triển kinh tế dựa vào rừng đã giúp gia đình ông Hồ Văn Măng sắm được ô tô, phục vụ cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Chuyển hướng phát triển kinh tế dựa vào rừng đã giúp gia đình ông Hồ Văn Măng sắm được ô tô, phục vụ cuộc sống. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

“Những năm qua, từ các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, chúng tôi đã tập trung xây dựng công trình hạ tầng thiết yếu, trọng điểm tại các xã vùng cao, tạo động lực thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Bên cạnh lồng ghép nguồn vốn triển khai các hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất và đa dạng hóa sinh kế, việc nhân rộng các mô hình giảm nghèo gắn với chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cũng được quan tâm, tạo điều kiện giúp hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo” - ông Hà nhấn mạnh.

Được xem như “đòn bẩy” giúp đồng bào miền núi Phước Sơn mở hướng phát triển kinh tế - xã hôi, những năm qua, các chính sách đầu tư vùng DTTS luôn phát huy vai trò “bà đỡ”, góp sức hoàn thiện các mục tiêu phát triển của địa phương. Như chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, giai đoạn 2014 - 2018, sau khi được lồng ghép từ nguồn vốn Chương trình 30a và 135, đã tạo chuyển biến tích cực trong phát triển các mô hình kinh tế nông - lâm nghiệp theo hướng hỗ trợ cây giống, con vật nuôi giúp hơn 9.000 hộ đồng bào DTTS được thụ hưởng trực tiếp, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Ngoài ra, từ chính sách khuyến khích thoát nghèo theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, đến nay đã có hơn 480 hộ đăng ký thoát nghèo với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 3,6 tỷ đồng. Qua giám sát đánh giá, những hộ này đang tiếp tục duy trì tốt các mô hình phát triển kinh tế theo nhóm hộ trong chăn nuôi, gắn với lồng ghép trồng rừng và cây dược liệu dưới tán rừng, hướng đến mục tiêu hình thành chuỗi giá trị liên kết từ sản xuất nông - lâm nghiệp và chăn nuôi tập trung trong tương lai gần. Với hướng đó và sự quyết tâm của mình, những hộ này không chỉ thoát nghèo bền vững mà đang từng bước vươn lên khá giả.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Xác định việc giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống là trách nhiệm của mỗi người dân địa phương, những năm qua, đồng bào Bh’noong xã Phước Mỹ (Phước Sơn) luôn nỗ lực trong việc mở rộng đầu tư sản xuất nông - lâm nghiệp gắn với chăn nuôi gia súc. Hiệu quả bước đầu từ tư duy lồng ghép trong sản xuất đã giúp nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, trở thành điển hình trong cộng đồng địa phương.

Giai đoạn 2014 - 2019, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực ở huyện Phước Sơn ổn định bình quân 2.266ha/năm; sản lượng lương thực có hạt khoảng 5.400 tấn/năm, tăng 400 tấn so năm 2014; tổng nguồn vốn đầu tư xã hội hơn 1.600 tỷ đồng. Nâng độ che phủ rừng từ 60% (năm 2014) lên 76% (năm 2018); khai thác hơn 20.000m3 gỗ rừng trồng. Ngoài ra, từ chính sách phân bổ theo Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh, Phước Sơn đã hỗ trợ gần 33 tỷ đồng giúp triển khai bố trí, sắp xếp dân cư cho 764 hộ đồng bào DTTS ổn định cuộc sống... Mục tiêu đến năm 2024, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 7%/năm, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 25 triệu đồng/năm và có 2 - 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Như gia đình ông Hồ Văn Măng - ở thôn Long Viên, từ việc trồng keo và chăn nuôi gia súc đã mua ô tô trị giá gần 1 tỷ đồng phục vụ cuộc sống, khiến không ít bà con ở vùng cao Phước Mỹ nể phục. Được biết, hơn 10 năm trước, tận dụng lợi thế giao thông đi lại thuận tiện, ông Măng cùng các con đã góp vốn đầu tư trồng keo lai, mở hướng thoát nghèo. Sau vài năm chăm sóc, keo lai được thương lái đến thu mua tận rẫy, giúp gia đình ông có thêm khoản thu nhập ổn định, trở thành một trong những tấm gương điển hình về phát triển sản xuất, làm kinh tế giỏi ở vùng cao Phước Sơn.

Ông Hồ Văn Bê - Chủ tịch UBND xã Phước Mỹ cho hay, từ việc linh hoạt các nguồn vốn đầu tư của Chính phủ cho vùng DTTS, cùng với xây dựng đề án phát triển sản xuất gắn với thực hiện chương trình nông thôn mới, chính quyền địa phương còn trực tiếp đầu tư hỗ trợ nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế và tập quán canh tác của đồng bào Bh’noong bản địa. Trong đó, phát triển sinh kế dựa vào rừng và chăn nuôi gia súc tập trung luôn được ưu tiên giúp đồng bào dần thoát nghèo, ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống. “Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 70,26% năm 2012 giảm xuống còn 46,46% theo chuẩn mới vào năm 2018, với thu nhập bình quân hàng năm đạt 17,3 triệu đồng/người” - ông Bê cho biết thêm.

Ông Phạm Thế Quyền - Bí thư Huyện ủy Phước Sơn cho hay, bên cạnh thúc đẩy các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, chính quyền địa phương còn tập trung cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Đồng thời chú trọng phát huy vai trò của các già làng, người có uy tín trong việc kết nối giữa các thế hệ, tạo khối đại đoàn kết toàn dân bền chặt, hướng đến mục tiêu xây dựng Phước Sơn ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở hướng hội nhập và phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO