Mở lối phố nương tựa tự nhiên

PHƯƠNG GIANG - HÀ SẤU 09/04/2023 08:01

(VHQN) - Khai thác hiệu quả hơn giá trị cảnh quan, đề cao yếu tố sinh thái trong tiến trình phát triển đô thị đang là con đường mà hai thành phố của Quảng Nam lựa chọn.

Tam Kỳ sẽ phát triển đô thị trên nền tảng xanh - văn hóa - lịch sử - thông minh. Ảnh: C.S
Tam Kỳ sẽ phát triển đô thị trên nền tảng xanh - văn hóa - lịch sử - thông minh. Ảnh: C.S

Hướng đến thành phố biển - xanh

Nhấn mạnh mục tiêu “nâng cấp” các tiêu chí cho đô thị loại 1 Tam Kỳ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, công việc này đòi hỏi quyết tâm chính trị, tầm nhìn, khát vọng lớn, không phải chỉ vì Quảng Nam, mà còn vì chiến lược phát triển đô thị quốc gia, phát triển Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy xác định xây dựng và phát triển, mở rộng không gian đô thị Tam Kỳ, lấy hạt nhân là đô thị tỉnh lỵ, phát triển mở rộng không gian đô thị về phía nam và phía tây. Điều này giúp Tam Kỳ đáp ứng tiêu chí đô thị loại 1, đủ sức trở thành vùng động lực trong phát triển của tỉnh và khu vực với nền tảng xanh - văn hóa lịch sử - thông minh. 

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ chia sẻ, thành phố phấn đấu trở thành đô thị trung tâm tổng hợp của tỉnh, đóng vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của một vùng liên tỉnh. Đồng thời mở rộng không gian nội thị của đô thị, với khả năng quy nạp thêm 170 nghìn dân.

Nhiều dự án tạo động lực có quy mô lớn như khu đô thị hỗn hợp trục Nguyễn Tất Thành (quy mô gần 750ha), khu đô thị hỗn hợp phía đông thành phố (gần 900ha) hay khu đô thị nghỉ dưỡng ven sông Trường Giang, khu đô thị công nghệ ven sông Đầm (quy mô hơn 300ha) khi hình thành được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho Tam Kỳ.

Một góc đô thị ven biển Cửa Đại, TP.Hội An. Ảnh: C.S
Một góc đô thị ven biển Cửa Đại, TP.Hội An. Ảnh: C.S

Theo GS - KTS Đỗ Tú Lan (Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam), nguồn lực chính cho phát triển đô thị có thể tập trung vào ba dòng nguồn lực: tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động và vốn đầu tư.

Với TP.Tam Kỳ, để phát triển bền vững, phải đáp ứng ba trụ cột chính bắt buộc của một đô thị, là kinh tế bền vững, xã hội bền vững và môi trường bền vững. Ba trụ cột phải được đảm bảo đồng thời hiện tại và tương lai lâu dài. 

“Trung tâm TP.Tam Kỳ được hình thành và phát triển cận biển. Do đó, quy hoạch chung của thành phố nên có hướng mở, phát triển mạnh không gian đô thị du lịch hướng biển, dành quỹ không gian, đất đai ven biển cho phát triển du lịch dịch vụ.

Tuyến đường chiến lược ven biển và trục đường từ trung tâm ra biển được hình thành sẽ là bước đầu thuận lợi cho việc bùng nổ xây dựng các khu du lịch ven biển, do đó việc quản lý tiến độ ưu tiên đầu tư xây dựng theo quy hoạch cần có biện pháp hợp lý.

Thành phố cũng cần có quy hoạch chi tiết nhằm phân định rõ khu vực bảo tồn sinh thái, bảo vệ bờ biển, khu vực giao lưu công cộng, công viên, quảng trường, không gian lưu trú du lịch dịch vụ, trên nguyên tắc dành nhiều không gian mở, hạn chế tối đa các công trình xây dựng ngăn không gian biển” - ông Đỗ Tú Lan nói. 

Bồi đắp yếu tố “sinh thái” ở đô thị cổ

Hội An đang đề ra mục tiêu trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch. Trong đó, về mặt thành phố sinh thái, đô thị di sản này sẽ chú trọng bảo tồn cấu trúc “phố - làng”, phát triển bản sắc đô thị và hình thái kiến trúc theo kiểu mẫu “phố trong vườn - vườn trong phố” để nâng cao bản sắc từng tiểu khu nông thôn, thành thị, hải đảo.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, để đạt được mục tiêu về thành tố “sinh thái” thì bộ mặt kiến trúc đô thị hết sức quan trọng. Hội An cần ban hành quy chế quản lý kiến trúc các khu vực đặc thù. Cần khống chế tối đa tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất các vùng ngập nước ven đô sang đất ở, đất thương mại - dịch vụ. Đô thị di sản này cũng cần tách bạch rõ vùng tĩnh và vùng động của đô thị để đảm bảo hài hòa bảo tồn và phát triển. 

“Khu vực phía nam và phía tây thành phố hiện nay có thể xem là vùng tĩnh, chứa đựng nhiều giá trị truyền thống nên cần nghiên cứu phát triển đô thị theo hướng sinh thái thực chất.

Ngoài ra, Hội An có thể hình thành một số vùng chức năng đặc thù như vùng sáng tạo nghệ thuật, vùng sản xuất thủ công mỹ nghệ, vùng nông nghiệp xanh. Đơn cử như khu vực An Bàng có thể hình thành một vùng tương tác nghệ thuật thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển” - ông Phan Đăng Sơn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam nói.

Ngoài đặc trưng của một đô thị cổ thì Hội An hay được ví là thành phố của các dòng sông và mặt nước. Đây là nguồn tài nguyên cực kỳ giá trị để khai thác phát triển kinh tế - xã hội và cũng chính là “lá chắn” xanh ứng phó biến đổi khí hậu cho Khu phố cổ Hội An nói riêng và cả thành phố nói chung nhưng chưa được phát huy hiệu quả. 

Theo ông Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cả 3 thành tố “văn hóa”, “sinh thái”, “du lịch” mà TP.Hội An đang hướng đến đều phụ thuộc đáng kể vào “sức khỏe” dòng sông, hệ sinh thái mặt nước của đô thị di sản. Do đó cần có lộ trình cụ thể để quy hoạch, nâng cao sức đề kháng của nguồn tài nguyên này, bởi các dòng sông và mặt nước ở Hội An đang bị tổn thương nặng nề do xâm thực, xói lở, bồi lắng…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở lối phố nương tựa tự nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO