Mở ra từ Giao Thủy

LÊ TRÂM 23/02/2017 09:09

Cầu Giao Thủy là một trong những công trình chào mừng 20 năm tái lập tỉnh. Từ cây cầu này mở ra cơ hội phát triển cho vùng tây bắc xứ Quảng.

Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khảo sát thực địa cầu Giao Thủy. Ảnh: C.T
Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu khảo sát thực địa cầu Giao Thủy. Ảnh: C.T

1. Giao Thủy là cái tên chẳng hề xa lạ gì. Là nơi giao hòa giữa hai con nước trước khi xuôi về một nơi đang chờ: Cửa Đợi. Vậy mà một đêm tháng mười hai xa lơ lắc, Giao Thủy đã òa ra trước mình một nỗi mênh mông khó cưỡng lại! Hơn nửa tháng trời “lần quần” với những trường, những phân hiệu, những lớp, những cô thầy, những đứa học sáng sủa có, nhem nhuốc có, một thời vất vả và hoành tráng của mình. Hứng chí sao cả mấy thằng trai trẻ không chịu ở lại với Trung Phước lung linh, với Đại Bình ngọt và với… những lời mời… thỏ thẻ từ miệng các cô giáo miền tây xinh đẹp, cả bọn một hai đòi về! Mà phải về ngõ Phường Rạnh kia! Dưng không, đường đèo Le êm ả, gần gũi, quen thuộc thế không chịu đi, lại cứ muốn đổ đèo Phường Rạnh (lại có thằng nào đó cứ “gọi Phượng Rạnh, rứa mới nên thơ”, thằng khác lại bảo “đèo Phương Quế chớ, mấy cha?”, nghe lạ lắc lạ huơ, nhưng mà hay!). Tóm lại, là sẽ quay về con đèo ngăn giữa miền tây Duy Xuyên và Trung Phước. Một vùng đất có lẽ xưa kia đã dày đặc dấu chân của Bùi Giáng thi sĩ! Là phải đi qua khu kỹ nghệ An Hòa xa xưa. Nghe nói rằng trước 1975 nơi đây từng là một khu công nghiệp với khá nhiều ngành nghề, bây giờ chẳng lưu lại dấu vết gì đáng kể ngoài dấu vết của chiến tranh (mà ngay cả dấu vết chiến tranh cũng đang nhạt dần). Và cả một chi khu - quận lỵ Đức Dục với bao nhiêu trận giao tranh khốc liệt một thời gian dài cho đến trận Nông Sơn - Trung Phước 1974.

Thi công đường dẫn cầu Giao Thủy. Ảnh: CÔNG TÚ
Thi công đường dẫn cầu Giao Thủy. Ảnh: CÔNG TÚ
Năm 2017, cầu Giao Thủy sẽ thông xe. Cùng với việc hoàn thành con đường đèo Phường Rạnh, tuyến xe Trung Phước - Đà Nẵng chắc chắn sẽ rút ngắn. Đồng nghĩa với sự phát triển của cả một khu vực từ Kiểm Lâm lên tận Trung Phước. Chắc chắn sẽ có tuyến du lịch về Mỹ Sơn khởi hành từ Đà Nẵng sẽ đi qua chiếc cầu này. Thêm một vùng đất của Đại Lộc sẽ được đánh thức… Ngày mai, khi đã được đi trên cầu Giao Thủy, rồi chúng ta sẽ hiểu!

Mới tới chân đèo phía tây trời đã nhá nhem, cả bọn lặng lẽ vượt đèo trong chút le lói của ánh ngày còn sót lại. Đến đỉnh đèo - khu kỹ nghệ An Hòa - Khu quận lỵ Đức Dục một thời thì trời đã loe ngoe vài ánh sao. Trong cái nhập nhoạng giữa bóng đêm và ánh sáng của sao trời, cả một vùng chiến trận, một thời sống chết của không ít người, một thời của những ý tưởng xây dựng nền công kỹ nghệ ở một đất nước nghèo khó sớm chìm đắm trong bom đạn chẳng thấy còn lưu lại dấu vết gì. Cố tưởng tượng ra những khuôn đất từng là những nhà xưởng, những căn nhà tạm bợ giữa vùng chiến sự, cả những cơ quan rồi những đồn bót của lính Sài Gòn ngày nào. Là tưởng tượng vậy thôi, chứ nào thấy gì! Chỉ mang mang một rừng những cây lẫn những cỏ dại kéo từ mép đường lên các sườn núi. Ngồi nghỉ để lấy lại sức trong nỗi bồi hồi chuyện xưa chuyện nay rồi đi! Hồi ấy vẫn còn tuyến xe Đà Nẵng - Trung Phước, nên dù sao thì cũng có đoạn xổ đèo còn tàm tạm, nhiều đoạn phải dắt bộ. Riết một hồi rồi cũng xuống đến chân đèo. Trong cái hồ hởi khi ngửi được “mùi đồng bằng” cả bọn đạp xe đi, lòng lâng lâng phơi phới. Cứ theo bóng xe thằng đi đầu mà phóng. Chẳng hiểu định hướng thế nào mà đứa đi đầu bỗng thét lên kinh hãi. Phía trước là trời nước mênh mông. Ra là thằng ấy đã theo đường nhựa mà đi nên kéo cả bọn đạp xe lên phía cầu, như đang đi trên con đường cái quan, cứ thế mà phóng. Mà trời ạ, cầu thì đã gãy đoạn giữa chìm đâu mất dưới đáy sông từ bao giờ. Tí nữa là cả bọn nhào hết xuống sông! Là cầu Giao Thủy những ngày sau tháng 3.1975 đấy! Sau, nghe nói người ta lần hồi đập, gỡ lấy sắt, phần còn lại của cây cầu biến mất không chút tăm tích! Mùa nước cạn trơ lại trên bãi cát những hàng trụ cầu bằng gỗ tẩm nhựa đường còn nhô lên khỏi mặt cát bốn, năm phân trông chẳng khác những cái cọc gỗ của Ngô Quyền cho quân lính cắm trên sông Bạch Đằng thuở xa xưa nào đó. Một con đường đang hanh đã bị tắc từ những ngày ấy!

2. Sau này tìm hiểu thêm mới biết cầu Giao Thủy nối Đại Hòa (Đại Lộc) với Duy Hòa (Duy Xuyên), một đầu là Giao Thủy, đầu phía nam là Kiểm Lâm, vốn là một chiếc cầu dã chiến do chính quyền Sài Gòn với sự giúp đỡ của quân đội Mỹ, xây dựng với những cột cầu bằng gỗ thông nhúng nhựa đường, còn sàn cầu chỉ thảm lớp nhựa mỏng. Mục đích là để phục vụ cho một vùng liên hợp quân sự bao gồm các cứ điểm: Thượng Đức, Núi Lở (Đại Lộc) ở phía bắc với Trà Kiệu, Kiểm Lâm, An Hòa (Duy Xuyên), Nông Sơn ở phía nam, đồng thời phục vụ cả cho mỏ than Nông Sơn đang được khai thác và khu kỹ nghệ An Hòa đang xây dựng trên đèo Phường Rạnh. Chiếc cầu bắc qua sông Thu Bồn này đã thu hẹp đáng kể con đường đi từ Nông Sơn, Đức Dục qua Đại Lộc chạy về Đà Nẵng nên vừa tiện lợi cả về quân sự lẫn dân sinh. Tháng 3.1975, khi hành quân tiến về giải phóng Đà Nẵng, xe tăng của quân giải phóng đã đi bằng con đường này. Khi chiếc xe tăng cuối cùng đi qua thì cầu sập mất một nhịp. Nhân dân hai bên bờ sông đã dùng những tấm ri sắt bắc tạm qua nhịp cầu để nối thông thương hai huyện. Nhưng sau đó không chịu đựng nổi một cơn lụt lớn, nhịp cầu tạm bị trôi mất. Dân quanh vùng khắc phục bằng những thanh tre bắc qua nhịp cầu gãy nhưng quá tạm bợ và nguy hiểm! Cuối cùng, chiếc cầu bị tháo dỡ luôn. Khi phong trào rà tìm phế liệu nổi lên rầm rộ, cây cầu bị “gặm” mỗi ngày một ít cho đến khi biến mất, chỉ để trơ lại mấy cây cọc gỗ thông vừa đủ nhô lên mặt đất như đã nhắc ở trên, và chúng tôi đã suýt đi vào… vô tận theo con đường ấy.

Khi cầu Giao Thủy hoàn thành, người dân không còn chịu cảnh “lụy đò”, nhất là vào mùa mưa lũ. Ảnh: Đức Hoàng
Khi cầu Giao Thủy hoàn thành, người dân không còn chịu cảnh “lụy đò”, nhất là vào mùa mưa lũ. Ảnh: Đức Hoàng

Đò giang cách trở là vậy nhưng trong những năm đổi mới ở hai bên bờ sông Thu Bồn khoảng cung đoạn này đã có những thành tựu kinh tế - xã hội đáng ghi nhận. Bờ bắc có Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phước - điển hình cả nước, Xí nghiệp ươm tơ Giao Thủy một thời huy hoàng. Ở bờ nam có thủy điện Duy Sơn của anh hùng Lưu Ban hay Hợp tác xã mua bán Duy Hòa với phương châm “đem cửa hàng ra phục vụ người mua tận ruộng” một thời vang danh và là hợp tác xã tiên tiến bậc nhất đã được công nhận danh hiệu Anh hùng lao động. Nhưng, những chuyến đò ngang tạm bợ qua khoảng sông rộng mênh mông hết mùa này đến mùa khác là một nỗi ám ảnh không thể nào phai trong lòng những người dân cả vùng và những người hoạch định kế hoạch. Mùa khô thì còn có thể tạm ổn nhưng đến mùa lũ về mọi thứ trở nên vô cùng bất trắc, cứ như là đang đem tính mạng con người ra đùa với thần chết. Nhưng không thể không đi qua sông. Còn phải vòng xuống quốc lộ thì quá xa xôi, không một bài toán kinh tế nào chấp nhận được. Kể cả các vấn đề dân sinh khác cũng vậy, không ai có thể chấp nhận một cung đường vòng xa ngái đến nhường kia!

Vì thế, xây dựng cầu Giao Thủy là một nhu cầu không thể chậm trễ hơn nữa để phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực này. Ngày 25.3.2015, cầu Giao Thủy được khởi công nối tỉnh lộ 609B với tỉnh lộ 610 do các Công ty CP 479, Công ty TNHH Xây dựng Thái Dương và Công ty TNHH Thanh Tùng đảm nhận phần thi công. Khi hoàn chỉnh sẽ là một chiếc cầu dài tới 1.002m, rộng 12m. Đó là chiếc cầu mà lâu nay chỉ nằm trong giấc mơ của nhân dân hai bờ bắc - nam Thu Bồn (còn nặng lòng cả những người đã ly hương bao nhiêu năm) ở cung độ xa nhất của dòng sông nếu tính từ quốc lộ 1 về hướng tây, một sự trắc trở về giao thông đã kéo dài ba, bốn chục năm trời!

LÊ TRÂM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở ra từ Giao Thủy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO