Tốc độ sản xuất gia tăng, thu ngân sách khá… trong vòng mấy tháng qua cho thấy kinh tế Quảng Nam đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11,5% của năm 2014 đã trở nên sáng sủa hơn.
Trở lại quỹ đạo
Sự kiện ô tô Trường Hải giới thiệu sản phẩm xe mới New Sorento 2014 và xi măng Xuân Thành xuất lô hàng đầu tiên ra thị trường, ký kết hợp đồng với 10 tổng đại lý phân phối xi măng ngay trong tháng 3.2014 được xem là một trong những dấu hiệu chỉ báo mức độ tăng trưởng sản xuất nhanh chóng của các doanh nghiệp Quảng Nam. Nếu Trường Hải đặt kế hoạch sản xuất, lắp ráp 32.200 xe, tăng 18% so với năm 2013 (bao gồm các dòng xe khách, xe tải và xe du lịch), dự kiến nộp ngân sách 4.873 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2013 thì đại diện xi măng Xuân Thành Quảng Nam cũng loan báo nhà máy có tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng bằng công nghệ Nhật Bản sẽ cho ra đời những sản phẩm xi măng chất lượng cao. Không như những dự báo đáng lo ngại rằng phải đợi hết quý II hay quý III.2014 mới nhìn thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế, thì nay sản xuất công nghiệp đã tăng trưởng trên 10%, vài mặt hàng sản xuất tăng 38%, da giày tăng 33% và lượng lao động tăng hơn 1,5% trong mấy tháng qua... Một thống kê khác cho thấy số lượng hàng nhập khẩu cũng đã tăng trở lại trên 13% và số doanh nghiệp mới vẫn không ngừng gia tăng nhiều hơn với số mất đi. Hiện 84 doanh nghiệp may gia công xuất khẩu với hơn 450 chuyền may tiếp tục gia tăng công suất, nâng kim ngạch xuất khẩu vượt con số 17%/tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ông Lâm Quyền Quý - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH LD May Như Thành (Cụm công nghiệp Trảng Tôn, Núi Thành) nói công ty đã nhập máy thuê, máy cắt tự động và gấp rút tuyển nhân công để gia tăng hết công suất cho các đơn hàng gia công xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Điều này cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn có lối đi riêng để tiến hành các cuộc kinh doanh thuận lợi.
Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư, đổi mới công nghệ, gia tăng công suất, mở rộng đầu tư phát triển doanh nghiệp. |
Theo dự báo của các cơ quan quản lý, chỉ số tăng trưởng năm 2014 được xác định là 11,5%, kim ngạch xuất khẩu tăng 22%, nguồn vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 31,5% GRDP (tổng sản phẩm của tỉnh), thu nội địa tăng 11,6%, tạo việc làm mới cho 41.000 lao động, nâng tỷ lệ phi nông nghiệp lên 48% và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 13%... Mục tiêu tăng trưởng này đều dựa vào sự gia tăng của các ngành sản xuất. Ngoài sự ổn định của một số ngành, doanh nghiệp sản xuất như ô tô, linh kiện điện tử, giày da, may mặc… thì dự kiến sản lượng điện từ các nhà máy thủy điện cũng sẽ tăng khoảng 1.495kWh. Soda, xi măng được xem như những sản phẩm mới, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng của địa phương. Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế nói năm 2013, Quảng Nam đã vượt chỉ tiêu thu ngân sách trung ương và tỉnh giao trong khi hơn 50% tỉnh, thành Việt Nam bị hụt thu. Hiện thu ngân sách đã đạt hơn 26%, vượt so cùng kỳ năm 2013 khoảng hơn 33% ngay trong quý I.2014. Với khả năng doanh nghiệp hồi phục nhanh như hiện tại thì thu ngân sách năm nay chắc chắn sẽ khả quan hơn dự định rất nhiều.
Xi măng, sản phẩm mới của Quảng Nam. |
Gia tăng đầu tư, cải thiện thị trường
Giá trị sản xuất và sức tiêu thụ ngành công nghiệp đều tăng Theo báo cáo của UBND tỉnh, giá trị sản xuất công nghiệp tháng 4.2014 trên địa bàn Quảng Nam thực hiện hơn 4.500 tỷ đồng (giá so sánh 2010), tăng 21% so với cùng tháng năm trước. Cộng dồn 4 tháng thực hiện hơn 15.700 tỷ đồng, tăng 17,4% so cùng kỳ. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 4 tăng 16,5% so với tháng trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,5% so cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 23%; ngành sản xuất, phân phối điện khí đốt tăng 12%; ngành cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 2,5%. Riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm gần 57%, nguyên nhân giảm chủ yếu là do giảm về khai thác vàng. Ngoài ra, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3 trên địa bàn tỉnh tăng gần 40% so với tháng trước. Cộng dồn 3 tháng đầu năm, chỉ số tiêu thụ tăng 5,6% so với cùng kỳ. Những ngành có chỉ số tiêu thụ tăng so cùng kỳ như sản xuất xe có động cơ tăng 32,4%; sản xuất trang phục tăng 29,5%; sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại tăng gần 23%; ngành thực phẩm tăng 6,7%. Chỉ số sử dụng lao động của các doanh nghiệp 4 tháng đầu năm tăng 3,4% so với cùng kỳ, tăng cao ở nhóm ngành sản xuất ô tô và dệt may. Cộng dồn từ đầu năm đến nay, chỉ số sử dụng lao động ngành sản xuất ô tô tăng gần 12% và ngành may mặc tăng gần 7% so cùng kỳ năm trước.(M.Đ) |
Kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng các cơ quan quản lý cũng phải thừa nhận thị trường xuất khẩu bị thu hẹp kéo theo nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp suy giảm. Nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá điện, giá gas… tăng đã khiến giá thành sản phẩm tăng nên việc tiêu thụ sản phẩm càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp không thể tiếp cận vốn dù lãi suất đã hạ. Tất cả điều này đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh, thiếu vốn để chuyển đổi công nghệ, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, phát triển doanh nghiệp. Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê nói tốc độ, xu hướng đầu tư, sản xuất công nghiệp suy giảm là điều dễ thấy trong hiện tại. Nhưng, nếu nhìn vào độ ổn định bức tranh kinh tế mấy tháng đầu năm thì có đủ tín hiệu để lạc quan. Tuy nhiên ông Đào cũng cho rằng, khó khăn vẫn còn bủa vây doanh nghiệp. Nếu như doanh nghiệp giải quyết được hàng tồn kho, vay vốn với lãi suất ưu đãi, kiểm soát tốt các nguy cơ bất ổn của kinh tế vĩ mô, khôi phục sức mua của thị trường, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cũng như các hỗ trợ khác thì sức tăng trưởng của Quảng Nam sẽ tốt hơn rất nhiều.
Sản xuất tăng trưởng, thu ngân sách tăng nhiều so với cùng kỳ… cho thấy Quảng Nam đang trở lại quỹ đạo tăng trưởng. Dự báo những quý tiếp theo, tăng trưởng kinh tế sẽ khá hơn nhờ tăng đầu tư, triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 11,5% của năm 2014 trở nên sáng sủa hơn. Tuy nhiên, thách thức cho chặng đường từ nay đến cuối năm không hề nhỏ. Đó là đầu tư tư nhân vẫn chưa được cải thiện nhiều nếu nhìn vào mức tăng trưởng tín dụng âm của 4 tháng qua. Theo các chuyên gia kinh tế, song song với việc thực hiện các giải pháp tái cơ cấu kinh tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng dài hạn thì rất cần khai thông thị trường tiêu thụ hàng hóa; hỗ trợ nông dân về giá nông sản, giảm lãi suất và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người sản xuất tiếp cận vốn vay ngân hàng. Vấn đề chính vẫn là việc chính quyền làm thế nào can thiệp để khơi thông dòng tín dụng từ ngân hàng về doanh nghiệp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói vốn đầu tư phát triển từ ngân sách quá nhỏ so với nhu cầu nên cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh. Chính quyền sẽ tiếp tục đưa ra những cơ chế ưu đãi đặc biệt cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh; tạo lập môi trường đầu tư lành mạnh, góp phần giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp để Quảng Nam nhanh chóng hồi phục nền kinh tế.
TRỊNH DŨNG