Mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nhiều lúng túng

TRẦN HỮU 26/01/2018 14:25

Tại hội thảo tham vấn kết quả đánh giá tiềm năng mở rộng chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) trên địa bàn tỉnh, do Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) phối hợp với Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh tổ chức vừa qua, cho thấy còn nhiều lúng túng trong phương pháp tính toán để các doanh nghiệp - đối tượng có trách nhiệm chi trả DVMTR thực hiện nghĩa vụ với rừng xanh.

Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Prime Đại Lộc thuộc đối tượng mở rộng chi trả dịch vụ môi trường rừng.  Ảnh: T.H
Nhà máy sản xuất của Công ty TNHH Prime Đại Lộc thuộc đối tượng mở rộng chi trả dịch vụ môi trường rừng. Ảnh: T.H

Theo kế hoạch, năm 2018, có 6 đối tượng chi trả DVMTR mở rộng sẽ thực hiện thí điểm gồm Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty CP Xi măng Quảng Nam (Tập đoàn Thái Lan), Công ty CP Than - điện Nông Sơn, FOCOCEV Quảng Nam, Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm và Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam. Đây là các doanh nghiệp đã khai thác, sử dụng nguồn nước mặt sông suối và phát khí thải ra môi trường.

Tránh nhầm lẫn phí bảo vệ môi trường

Nhiều năm qua, nhà máy sản xuất gạch của Công ty TNHH Prime Đại Lộc gây bức xúc cho người dân địa phương về ô nhiễm môi trường. Nguồn nước thải và khí thải phát ra có thời điểm làm cho hoa màu trên đồng ruộng bị hư hại. Từ năm 2017, nhà máy này buộc phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng đầu tư hệ thống xử lý môi trường. Theo doanh nghiệp này, từ năm 2008 đến nay đơn vị đầu tư liên tục 4 giải pháp kỹ thuật với chi phí 131 tỷ đồng, nên thời điểm hiện tại có thể kiểm soát được khí thải. Theo luật định: “Tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh gây phát thải khí nhà kính lớn phải chịu chi tiền dịch vụ về hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng”. Nhưng Nhà nước lại không quy định cụ thể, tiêu chí như thế nào là cơ sở sản xuất, kinh doanh phát thải nhà kính lớn, gây lúng túng cho việc thực thi chính sách. Tại Quảng Nam và hầu hết các tỉnh, thành khác chưa triển khai mở rộng đối tượng chi trả DVMTR gây khí thải. Khảo sát mới đây Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường (thuộc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam) cho thấy, hầu hết cơ sở có phát thải khí nhà kính đều áp dụng một số giải pháp kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải carbon. Khoảng hơn 63% cơ sở, doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoặc cải tiến công nghệ để giảm phát thải ra môi trường.

Theo bà Trần Thị Thu Hà (Viện Nghiên cứu sinh thái và môi trường, Trưởng nhóm nghiên cứu đánh giá tiềm năng mở rộng DVMTR), với dịch vụ hấp thụ carbon, để thực hiện được chi trả DVMTR thì cần phải liên kết các cơ sở phát thải với các khu rừng cụ thể. Nếu tiền DVMTR hấp thụ carbon được thu thiếu minh bạch và nộp vào Quỹ bảo vệ - phát triển rừng để bảo vệ một khu rừng chưa xác định, thì khoản tiền này sẽ bị nhầm lẫn với phí bảo vệ môi trường đã được Nhà nước quy định. “Nếu không xác định rõ ràng sẽ không thể hiện đúng bản chất của chính sách chi trả DVMTR là để bảo vệ khu rừng đã cung ứng DVMTR cho các đối tượng sử dụng. Đồng thời cần cơ chế quản lý và sử dụng đồng tiền hiệu quả, công khai” – bà Hà nói. Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh thông tin, qua khảo sát của nhóm nghiên cứu, có 44,6% cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước mặt trực tiếp và 60% cơ sở sản xuất kinh doanh có phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính đồng thuận chi trả tiền DVMTR để bảo vệ rừng. Trở ngại khi thực hiện DVMTR với đối tượng mở rộng là xác định lượng phát thải bao nhiêu là lớn như Luật Lâm nghiệp 2017 quy định và đến mức phải chi trả tiền DVMTR ở cấp tỉnh; cơ sở sản xuất phát thải khí cách rừng bao nhiêu ki-lô-mét phải chi tiền DVMTR cấp tỉnh.

Nâng cao chất lượng rừng

Sau khi thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ năm 2010 về chi trả DVMTR, ngoài 3 đối tượng thuộc diện chi trả là các nhà máy sản xuất thủy điện, sản xuất nước sạch, hoạt động du lịch, từ năm 2018 sẽ mở rộng thí điểm thêm 2 dịch vụ nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp và giảm phát khí thải. Tại hội thảo, nhiều ý kiến đánh giá tính khả thi cho việc mở rộng chi trả DVMTR; công bố kết quả nghiên cứu định lượng và bản đồ hóa DVMTR trên địa bàn tỉnh; cung cấp thông tin các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nguồn nước mặt và phát khí thải. Hội thảo đã mổ xẻ, tham vấn ý kiến của ngành chức năng, các doanh nghiệp, làm căn cứ hoàn thiện bản đánh giá, trình cấp thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện thí điểm mở rộng chi trả DVMTR.

Các doanh nghiệp khai thác sử dụng nước mặt  như Công ty CP Than - điện Nông Sơn, Công ty Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm  (Đại Lộc) đề xuất mức chi trả 40 nghìn đồng/m3, nghĩa là thấp hơn mức chi trả đang áp dụng thí điểm ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Quỹ bảo vệ - phát triển rừng tỉnh sẽ hướng dẫn từng cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước liên kết với đơn vị chủ rừng để chi trả tiền DVMTR.  Giai đoạn 2011 - 2017, thu hơn 338 tỷ đồng từ DVMTR, hơn 20 nghìn hộ dân được hưởng lợi, mỗi hộ nhận khoán bình quân 3 triệu đồng/năm. Giám đốc Quỹ bảo vệ - phát triển rừng Huỳnh Đức khẳng định, khi mở rộng đối tượng chi trả DVMTR, chắc chắn sẽ góp thêm nguồn thu quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên của tỉnh, giúp nâng cao chất lượng rừng, từng bước cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu. “Về xã hội, chính sách này góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội khu vực miền núi” – ông Đức nói.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở rộng đối tượng chi trả dịch vụ môi trường rừng: Nhiều lúng túng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO