Mở và đóng

ĐĂNG QUANG 18/07/2016 08:16

Sau vụ việc gây ô nhiễm khiến cá biển chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung, có người đặt ra vấn đề sao không đóng cửa nhà máy Formosa. Lý do yêu cầu đóng là Formosa từng bị “trao giải hành tinh đen” vì gây sự cố môi trường nghiêm trọng ở nhiều nơi, và gieo rắc mầm thảm họa cho môi trường Việt Nam.

Hết biển đến bờ, chuyện xử lý chôn lấp chất thải bùn, tiếp tục dậy lên mối lo ngại về Formosa. Người ta có quyền đặt lại câu hỏi, là với các hành vi bê bối như vừa qua, dù đã “nhận lỗi” nhưng cam kết sửa sai, xử lý hậu quả và quản lý rủi ro về lâu dài của công ty này chắc gì được thực hiện nghiêm túc? Tuy nhiên, không vì những lý do trên mà chuyện đóng cửa Formosa sẽ đơn giản. Bởi chuyện đó đòi hỏi phải rà xét toàn bộ những cam kết của ta với họ khi xúc tiến đầu tư, thẩm định dự án, thủ tục và những ràng buộc pháp lý. Và dĩ nhiên, phải cân nhắc nhiều để quyết định tiếp tục mở hay đóng cửa nhà máy này với những hệ lụy đi kèm cùng các tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, kêu gọi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Từ chuyện của Formosa, các bộ ngành trung ương đến các địa phương bùng ra hàng loạt cuộc rà soát về các dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Trên công luận, nhiều lãnh đạo địa phương cũng đăng đàn kể lại việc từ chối các dự án nhà máy thép vào các vịnh biển. Tiếp đó lại tràn ra vụ bùn đỏ ở bờ biển Bình Thuận, rồi đến vụ nhà máy giấy ở Hậu Giang quá coi nhẹ việc đánh giá tác động môi trường nên ngành chức năng phải thanh tra. Rõ ràng “trong họa có phúc”, chính từ bài học đắt giá ở Formosa, khiến cho Chính phủ đến các bộ ngành và chính quyền địa phương phải “giật mình” để nhìn lại vấn nạn kêu gọi đầu tư bằng mọi giá và rà soát những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Vì thế, bây giờ những lời tuyên bố ào ạt đều mang nội dung tương tự, từ “không đánh đổi đầu tư bằng mọi giá” có thêm “không đánh đổi môi trường để thu hút đầu tư”, “không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế thuần túy”, “không đánh đổi môi trường lấy dự án yếu kém”, “không vì kinh tế mà đánh đổi môi trường” v.v. Song, chắc phải chờ lâu sau các cuộc rà soát, thanh tra, kiểm tra, những gì “không đánh đổi” mới được minh bạch, và liệu có đóng cửa các dự án nếu sự đánh đổi quá lớn?

Nói đóng thì phải quay lại chuyện mở. Một thời ồ ạt mở nên giờ đóng rất khó, chưa nói là hậu quả đã xảy ra mới thức tỉnh để có sự lựa chọn phù hợp. Như Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu đã nói lên một quan điểm lựa chọn của Quảng Nam là sẽ chú trọng xúc tiến đầu tư chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học công nghệ trong giá trị sản phẩm ngày càng cao, “kiên quyết từ chối thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao”, khai thác lãng phí nguồn tài nguyên, công nghệ lạc hậu.

Câu chuyện mở và đóng không chỉ có trong lĩnh vực đầu tư mà còn nóng bỏng với ở lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản. Sau khi Thủ tướng Chính phủ họp ở Tây Nguyên yêu cầu thực hiện “đóng cửa rừng” thì gần như lập tức phát hiện hàng loạt vụ phá rừng nghiêm trọng ở nhiều tỉnh (tại Quảng Nam đang nổi cộm vụ phá rừng cây pơ mu nghiêm trọng ở Nam Giang). Tại sao chuyện đóng cửa rừng đặt ra từ lâu, như ở Quảng Nam đã thực hiện mươi năm trước, nhưng cửa rừng vẫn mở, máu rừng vẫn chảy? Không chỉ tài nguyên rừng mà các loại tài nguyên khoáng sản khác cũng chưa đóng được cửa khai thác trái phép, dù dư luận bức xúc?

Cho hay, mở và đóng, trong nhiều câu chuyện không đơn giản như đóng mở một cánh cửa. Vì rằng, trước hết việc đó liên quan đến con người, với ý chí, tầm nhìn và năng lực như thế nào. Mở hay đóng, quan trọng còn ở chuyện ai là người cầm chìa khóa.

ĐĂNG QUANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mở và đóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO