Mơ về thành phố sách

KHIẾU THỊ HOÀI 24/05/2015 09:56

Những người tâm huyết với văn hóa đọc ở Hội An, đang mơ về một thành -phố - đọc - sách.

Đọc cho đã

Theo hồi ký của cụ Huỳnh Thúc Kháng, Hội An xưa cùng Thanh Hà (Huế) là hai nơi mà cụ Phan Châu Trinh từng đọc sách tân văn để rồi từ đó khởi sự phong trào Duy tân. Hội An cũng là nơi các sĩ tử khắp miền Trung cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 20 tụ tập về “ăn chực nằm chờ” để đón những cuốn sách mới nhất được nhập về theo đường thủy ở thương cảng Hội An.

Không gian đọc Hội An - mô hình hoạt động hiệu quả và kích thích việc đọc sách của trẻ em ở Hội An.                       Ảnh: K.T.H
Không gian đọc Hội An - mô hình hoạt động hiệu quả và kích thích việc đọc sách của trẻ em ở Hội An. Ảnh: K.T.H

Trước năm 1975, trong phạm vi phố cổ đã có đến 8 hiệu sách. Đường Trần Phú (trước là đường Cường Để) có các hiệu sách: Bình Minh, Rạng Đông, Trương Kim Điền, Nam Ngãi. Phía trên chùa Cầu đường Nguyễn Thị Minh Khai (cũng là đường Cường Để cũ) có hiệu sách Đại Đồng. Đường Lê Lợi có hiệu sách Thống Nhất, đường Trần Quý Cáp có hiệu sách Nhất Tiếu (sau này đổi tên thành nhà sách Trùng Dương), đường Hùng Vương (trước là đường Phạm Phú Quốc) có hiệu sách Khai Trí. Rất nhiều tác phẩm thuộc hàng “kinh điển” của văn học thế giới có thể tìm thấy tại các hiệu sách này.

Ngoài ra, ở đường Cường Để có một cửa hàng chuyên cho thuê truyện (nay là nhà cổ Đức An ở đường Trần Phú), sách cho thuê nhiều nhất lúc bấy giờ là truyện võ hiệp kỳ tình của Kim Dung - dịch giả Hàn Giang Nhạn, truyện của Duyên Anh (Vũ Mộng Long) như Hoa thiên lý, Thằng Côn, Bồn Lừa, Dzũng Đa Kao, Ngày xưa còn bé, Chương còm, Con Thúy…

Người Hội An ngày đó đọc sách vì đam mê, đọc cho đã, nên mới có chuyện trẻ con nhịn ăn sáng để dành tiền mua sách, không có tiền thì đi đọc… cọp (đến các hiệu sách hoặc nơi cho thuê sách xem xong rồi về) hay chuyền tay nhau đọc một cuốn sách, một bộ sách. Nhà văn Nguyên Ngọc - người có tuổi thơ của mình ở Hội An - kể rằng ngày ấy hầu như nhà nào ở Hội An cũng có một tủ sách gia đình. Trong chiến tranh bom đạn dữ dội và ngay cả khi gia đình đi tản cư, bố mẹ ông vẫn giữ gìn tủ sách ấy cẩn thận nên 9 năm sau ông trở về, tủ sách vẫn còn nguyên vẹn.

Tôi nhớ nhạc sĩ Trần Tiến từng nói: “Ngôi nhà không có sách trông hoang lạnh. Mặt người không có chữ trông vô hồn”. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng có lần nói, chỉ khi nào sự đọc trở thành một nhu cầu bình thường của con người, chỉ khi nào con người ta đọc sách một cách vô vị lợi chứ không phải đọc vì một mục đích nào thì đó mới chính là văn hóa đọc.

Hội An đã có một thời như thế. Đọc cho đã, đọc cho thỏa cơn thèm.

Mơ về một thành phố đọc sách…

Sau năm 1975, hầu hết hiệu sách ở Hội An chuyển qua ngành nghề khác. Người Hội An mất một thời gian khá dài, dễ chừng trên dưới 15 năm không dành thời gian và không còn sách để đọc bởi kinh tế thời điểm lúc ấy rất khó khăn, mọi người phải lao vào lo gánh nặng cơm áo...

Những năm gần đây, một vài hiệu sách khá lớn với nhiều đầu sách hay, có giá trị bắt đầu mọc lên ở Hội An như nhà sách Phương Nam, nhà sách Cảo Thơm… nhưng chỉ được ít lâu lại đóng cửa do ế ẩm. Vài tiệm sách còn tồn tại nhưng ít bán sách mà bán hàng lưu niệm, dụng cụ học tập là chủ yếu. Những điều ấy phần nào nói lên sự sa sút, ảm đạm của văn hóa đọc ở Hội An.

Cuối năm 2013, nhóm Không gian đọc Hội An được thành lập. Thành viên nòng cốt của nhóm gồm những người rất quan tâm đến sự phát triển văn hóa đọc như nhà văn Nguyên Ngọc, ông Nguyễn Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Hội An, ông Phùng Tấn Đông - chuyên viên Trung tâm TT&VH Hội An, một số sinh viên Trường Đại học Phan Châu Trinh… Nhóm tổ chức đọc sách miễn phí tại khuôn viên Bảo tàng Di sản văn hóa Hội An vào Chủ nhật hàng tuần để người dân và du khách ghé đọc hoặc mượn về nhà.

Ngoài Không gian đọc Hội An, trước đây, tại thành phố này còn có một câu lạc bộ khác có tên Cùng em đọc sách hoạt động ở số 57 Trần Phú (nay chuyển về Trường Đại học Phan Châu Trinh) cũng là một trong những mô hình hoạt động hiệu quả và kích thích việc đọc sách của trẻ em ở Hội An. Tại câu lạc bộ, các em được đọc những cuốn sách được trang trí bắt mắt, được học tiếng Anh với người nước ngoài, được hướng dẫn chơi các trò chơi để phát triển năng lực bản thân cũng như kỹ năng hoạt động nhóm.
Sắp tới đây, tại các sân chơi cho cộng đồng ở Hội An cũng sẽ có góc đọc dành cho trẻ em và người dân. Một tuyến xe bus miễn phí dành cho trẻ em sẽ nối các sân chơi, các điểm đọc sách với nhau vào thứ Bảy và Chủ nhật cũng đã được bà Đặng Hương Giang - Giám đốc Trung tâm Vì sự phát triển đô thị - tính đến. Một dự án về những “thư viện miễn phí” đặt trước cửa hàng hay trước nhà dân, đặt bên những ghế nghỉ chân trên các ngả đường trong khu phố cổ dành cho người dân và khách du lịch đang được chuẩn bị để ra mắt với tên book box Hội An. Sách tại những “thư viện miễn phí” này được bảo vệ trong những chiếc hộp gỗ nhỏ, có then cài nhưng không khóa. Trên “thư viện” này sẽ ghi dòng chữ: “Lấy đi một cuốn sách, trả lại một cuốn sách”.

Để thực hiện dự án mà nhiều người cho là công việc “đội đá vá trời” và hoàn toàn không tưởng này, những người phụ trách Không gian đọc Hội An và câu lạc bộ Cùng em đọc sách đang tìm lối đi riêng và bước đầu nhận được sự hỗ trợ về nguồn sách từ cộng đồng. Họ hy vọng, việc đọc sách, mượn sách miễn phí tổ chức ở một nơi công cộng với sự thân thiện nhất, dễ dàng nhất sẽ có thể “gây nghiện” đọc sách trong cộng đồng người dân Hội An theo kiểu mưa dầm thấm lâu. Họ hy vọng, nhiều năm sau này ở Hội An việc đọc sách là của hết thảy mọi người. Và họ hy vọng, Hội An - thành phố đầu tiên của cả nước được công nhận là thành phố văn hóa cũng sẽ là thành phố đầu tiên của cả nước được người ta nhớ đến với hình ảnh một thành phố đọc sách.

KHIẾU THỊ HOÀI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mơ về thành phố sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO