Mọc ra... chữ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 09/10/2016 06:33

Có một video clip trên Youtube thu hút khá nhiều người xem, trong đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đàm đạo với nhạc sĩ Trần Tiến cùng nhà thơ Nguyễn Duy về sáng tạo lời cho ca khúc. Ông nói rằng, mỗi khi tìm được tứ rồi thì cầm cây đàn lên, tự dưng chữ nghĩa cứ... mọc ra ở đầu ngón tay. Hết chữ này đến chữ khác, chữ xô nhau như sóng trào theo cảm xúc.

Không rõ thực hư cách thức sáng tác của Trịnh Công Sơn có phải như ông mô tả đầy ngẫu hứng như thế hay là đấy chỉ để diễn đạt về sự hòa quyện của cảm xúc và ngôn từ. Điều có thể cảm nhận rằng, ca từ trong các tác phẩm âm nhạc của Trịnh rất đẹp, bóng bẩy, ngôn ngữ khắc họa hình tượng cảm xúc như thơ. Người ta có thể nhặt ra rất nhiều “con mắt thơ” trong các bài hát quen thuộc của Trịnh Công Sơn, nào “Một cõi đi về”, “Ướt mi”, “Biết đâu nguồn cội”, “Cỏ xót xa đưa”, “Lặng lẽ nơi này”, “Có một dòng sông đã qua đời”, “Khói trời mênh mông”, “Nắng thủy tinh”, v.v.

Hoàn toàn khác với âm nhạc Trịnh Công Sơn, ở “chiếc ghế bình dân” bây giờ có trào lưu sáng tạo chữ nghĩa trên nền chế, gọi là nhạc chế hay là nhạc trại, tức cứ lấy bài hát nào đã sẵn mà vận vào câu chuyện thời sự. “Sáng tạo” (hay sáng chế cải biên) kiểu này thật tếu táo, nhưng không phải là không thu hút một lượng đông đảo người xem, người nghe. Chữ nghĩa ở đây đã “biến thái” và có lẽ cũng “mọc” ra một cách ngẫu hứng theo kiểu tức cảnh sinh tình. Vậy nên mấy năm gần đây, cứ thấy một sự việc hiện tượng gì gây chú ý dư luận là y như rằng có ngay nhạc chế. Chẳng hạn, “Hà Lội mùa này phố cũng như sông / cái rét đầu đông chân em run ngâm trong nước lạnh/ hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố...” (chế bài “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” để nói chuyện mưa ngập ở thủ đô), hay “Cá tôm bây giờ nhiễm độc người dân ăn gì đây (chế bài “Thương về miền Trung” để nói chuyện cá chết), rồi cảnh mưa ngập ở Tp. Hồ Chí Minh năm nay “người, xe đi như đang bơi...”. Cách chế cũng đa dạng, hài hước đến độ đưa ra một bản tin thời tiết đầy... âm nhạc như: Tân Sơn Nhất: Mưa phi trường, Bến Thành: Biển nhớ, Quận 8: Hát với dòng sông, Quận 10: Chảy đi sông ơi, Nhà Bè: Em đi chơi thuyền...  Dĩ nhiên, hầu như không có “con mắt thơ” ở những bài thơ chế, nhạc chế, nhưng con - mắt - thời - sự quả thật nhanh nhạy, và không ngờ chữ nghĩa đâm cành, nảy nhánh vô kể.

Hiện tượng chữ mọc ra ở giới sáng tác văn chương, nghệ thuật, từ cao cấp hay hạng bình dân vỉa hè, là sang trọng để thưởng thức hay chỉ chế ra để mà  châm chọc một cách hài hước, rốt cuộc cũng tạo ra sự thú vị phần nào với người nghe. Tuy nhiên có điều là bây giờ hiện tượng “tối tác” ra chữ rất tối nghĩa lại nảy sinh trong đời sống xã hội. Như mới đây, trong vụ việc một phóng viên báo Tuổi trẻ bị hành hung, Công an Đông Anh Hà Nội lại diễn đạt đó là hành động “gạt tay trúng má”, “đưa chân hơi cao” khiến dư luận bức xúc. Hay một kiểu “tối tác” khác khi vẽ ra “chuyện tình chàng thép - nàng cá” liên quan đến cái gọi là du lịch Formosa, hoặc vẽ dự án “lên trời gọi mưa”. Chữ nghĩa mọc ra ở đây như cái gì đó rất quái gở, khó chịu.

Trong thơ nhạc hay lời ăn tiếng nói trong đời thường, chữ cũng có thể mọc ra. Phải chăng, tâm trí thế nào thì chữ nghĩa mọc ra thế ấy? Tâm trí sáng, ra chữ sáng - sáng tác. Tâm trí tối, ra chữ tối - tối tác.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mọc ra... chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO