Được khởi xướng tại Nhật Bản, trải qua nhiều bài học thất bại lẫn thành công ở 40 nước, phong trào “mỗi làng một sản phẩm – OVOP” đang được UBND tỉnh, Sở Công Thương xây dựng linh hoạt để góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế cho các xã xây dựng nông thôn mới.
Mô hình hay
Phong trào mỗi làng một sản phẩm được khởi xướng ở Nhật Bản từ năm 1979 và đến nay trở thành một phong trào mang tính toàn cầu, có ảnh hưởng sâu rộng đến công cuộc xóa đói giảm nghèo ở nhiều quốc gia. Đặc biệt là với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, Lào, Thái Lan, Malaysia…, nơi sinh sống của một bộ phận lớn người sản xuất các sản phẩm OVOP (One Village One Product) nằm ở khu vực nông thôn và vùng núi có đời sống kinh tế khó khăn. Tại hội thảo quốc tế “Mỗi làng một sản phẩm OVOP” được tổ chức gần đây, ông Đỗ Như Đính - Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam cho rằng, việc phát triển phong trào mỗi làng một sản phẩm ở các địa phương có những đặc thù, song về cơ bản đây là sự lựa chọn các sản phẩm mang tính đặc trưng của mỗi địa phương, mỗi vùng miền và lớn hơn là mỗi quốc gia để gia nhập thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, để phát triển thành công thị trường cho các sản phẩm OVOP, cần khai thác tối đa các lợi thế cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, tạo ra các giá trị gia tăng ngày càng nhiều cho sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Việc phát triển thị trường cho các sản phẩm OVOP cũng đòi hỏi phát triển toàn diện các yếu tố trong chuỗi giá trị của sản phẩm, từ công tác phát triển nguyên liệu, chế biến đến việc thúc đẩy các hoạt động quảng bá và phát triển thị trường.
Các làng nghề cần có sự trợ sức từ nhiều phía để thành công trong phong trào OVOP. |
Trong khi đó, theo điều tra sơ bộ của Phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương), tại Quảng Nam đến năm 2013 đã có 18 huyện, thành phố khôi phục và phát triển được 89 làng có nghề, thu hút trên 7.450 hộ tham gia hoạt động, giải quyết việc làm trên 16.180 lao động nông nhàn tại địa phương, tập trung ở làng nghề mây tre đan, mộc điêu khắc, dó trầm hương... Một số cơ sở sản xuất ở các làng nghề đã chủ động đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng truyền thống như: làng dệt chiếu, mộc Kim Bồng, dệt vải, chế biến nông sản, mây tre đan... Nhiều địa phương như Duy Xuyên, Hội An, Tam Kỳ, Thăng Bình, Đại Lộc... không chỉ hỗ trợ khuyến khích phát triển các làng nghề truyền thống mà còn đẩy mạnh triển khai công tác phát triển nghề, đưa nghề mới về các thôn, xã chưa có nghề, tiến hành đồng bộ một số biện pháp phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn, phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản gắn với phát triển các loại hình dịch vụ và ngành nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp. “Tình hình phát triển thực tế tại các làng nghề là một dấu hiệu lạc quan để chúng tôi xây dựng chương trình OVOP, qua đó tạo được khí thế chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở nhiều vùng nông thôn” - ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) chia sẻ.
Xây dựng OVOP bền vững
Theo tiêu chí của phong trào OVOP và tình hình phát triển thực tế của các làng nghề tại Quảng Nam, có thể được chia thành 3 nhóm nghề là nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, nhóm hàng nông sản chế biến, nhóm du lịch làng nghề cũng như các dịch vụ khác. Ở nhóm hàng thủ công mỹ nghệ, được đánh giá là có giá trị thẩm mỹ cao, đồng thời có giá trị nhân văn trong từng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí của mỗi làng một sản phẩm là “hành động địa phương – suy nghĩ toàn cầu”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Sáu - người dân làng nghề chiếu cói Thạch Tân (xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) nói: “Không chỉ làng nghề truyền thống dệt chiếu cói Thạch Tân mà theo tôi được biết, các làng nghề thủ công mỹ nghệ khác trên địa bàn đang đối mặt với vô vàn khó khăn thách thức. Muốn mô hình OVOP phát triển thành công, cần sự chuẩn bị và giúp đỡ từ nhiều tổ chức, từ các cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó, chúng tôi có thể định hình và có hướng đi đúng, phù hợp với thực tế”. Hầu hết các khảo sát về làng nghề của Sở Công Thương, tổ chức Lao động quốc tế (ILO)… được trình bày tại các hội thảo liên quan đến làng nghề đều nhìn nhận rằng sự hỗ trợ làng nghề trước hết phải là công tác đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là kỹ năng thiết kế và phát triển sản phẩm, kỹ năng sản xuất các mặt hàng tinh xảo có giá trị gia tăng cao.
Ở nhóm sản phẩm nông sản chế biến, tại Quảng Nam có thể gồm các mặt hàng chế biến từ động thực vật như bún, mỳ quảng, bánh đậu xanh, nước mắm… Đa số các nhóm sản phẩm nông sản chế biến chủ yếu phục vụ thị trường nội địa, một số sản phẩm có thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với các làng nghề chế biến chính là công tác đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm do quy mô sản xuất nhỏ và việc áp dụng các chuẩn quản lý chất lượng chưa được các làng nghề áp dụng. Hình thức bao bì đóng gói của các sản phẩm cũng chưa thực sự thu hút người tiêu dùng. Đối với làng nghề kết hợp du lịch, Quảng Nam đã xây dựng được nhiều tour du lịch được du khách quan tâm như làng rau Trà Quế, gốm Thanh Hà… Dù đã có nhiều cố gắng nhưng du lịch làng nghề còn bộc lộ khá nhiều hạn chế do người dân chưa quen với hình thức du lịch làng nghề, thiếu kiến thức về du lịch, thiếu kiến thức về tiếp thị và trình độ ngoại ngữ còn hạn chế khi đón khách nước ngoài. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dịch vụ cần thiết để đón khách còn thiếu. Sản phẩm du lịch làng nghề hiện vẫn còn dựa vào tài nguyên sẵn có, ít tạo ra sự khác biệt giữa các làng nghề. “Thế nên, để phong trào mỗi làng một sản phẩm, mỗi xã một nghề phát triển thành công, UBND tỉnh đã chỉ đạo cho Sở Công Thương triển khai xây dựng chương trình mỗi làng một sản phẩm, xã nghề giai đoạn 2015 – 2020 tại các địa phương. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn” - ông Nguyễn Quang Thử, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.
CHIÊU THỤC ANH