Mối lương duyên

NGUYỄN ĐIỆN NAM 21/08/2016 06:29

Mối lương duyên nào đã đưa người Nhật đến với thương cảng quốc tế Hội An hồi thế kỷ 17?

Giai thoại thường được kể gắn với công nữ Ngọc Hoa, con của chúa sãi Nguyễn Phúc Nguyên, được gả cho thương nhân người Nhật là Araki Sotaro. Nàng Ngọc Hoa đã theo chồng về phố Nhật ở Hội An rồi theo Châu ấn thuyền sang Nhật định cư, nay truyền thuyết và chiếc gương soi của công nữ còn được lưu truyền ở Nagasaki.

Trong tác phẩm “Nghiên cứu phố Nhật ở Nam Dương, GS.Iwao Seiichi từng giới thiệu nội dung một tấm bia, rằng: “Năm 1619, tại một nơi mà hiện nay gọi là Huế, ông (tức Araki Sotaro) gặp gỡ và kết hôn với một người con gái thuộc dòng bên ngoại vua An Nam và được chúa nhận làm con nuôi. Sotaro trở về nước với cô dâu mới, gây dựng nên một trung tâm thương mại tại Motoshikhui - Machi ở Nagasaki. Có lẽ ông là người Nhật Bản đầu tiên kết hôn với người nước ngoài và trở về Nhật với một công nữ con vua, cho dù chỉ là con nuôi”.

Đám cưới của công nữ Ngọc Hoa đã khoác chiếc áo ân tình cho mối quan hệ giao lưu Việt - Nhật cách đây hơn 400 năm. Tuy nhiên, cũng nên biết rằng cuộc hôn nhân ấy là hệ quả của chính sách mở cửa Đàng Trong. Vị minh chúa Nguyễn Phúc Nguyên, không chỉ gả con gái cho thương nhân người Nhật mà còn cho cả vua Chiêm và Chân Lạp. Nhờ đó, theo chân những nàng công nữ, là những người thợ, những người hầu, văn hóa Việt dần bén rễ trên các miền đất mới, khởi nguồn cho các cuộc thiên di mở cõi. Thực vậy, ở nơi xa cố hương, tại Nagasaki, công nữ Ngọc Hoa đã mang theo điệu múa dân tộc để truyền dạy cho thiếu nữ Nhật. Còn các nàng công nữ khác như Ngọc Vạn, Ngọc Khoa đã mang theo cả những tốp thợ lành nghề vào miền đất mới phương Nam.

Người Nhật đã tận dụng rất tốt chính sách mở cửa của chúa Nguyễn. Và, trong mối quan hệ giao lưu văn hóa, cho đi cũng là được nhận. Đàng Trong đã nhận được sự giúp đỡ về nhiều mặt, trong đó thương mãi phát triển với tầm ảnh hưởng rộng ra quốc tế. Đặc biệt, các thương nhân người Nhật đã được thế tử của chúa Nguyễn tiếp đón ân cần tại dinh trấn Thanh Chiêm (mà bức tranh  “Shuin-sen Kochi toko zukan” - Châu ấn thuyền Giao Chỉ độ hàng đồ quyển, còn lưu dấu tại Bảo tàng Quốc lập Kyushu). Thương nhân Nhật đóng vai trò chủ yếu để lập ra Phố Nhật ở Hội An. Chúa Nguyễn đã trao quyền tự trị và cắt cử một người Nhật Bản làm trưởng khu phố này, như ông Funamoto Yashichiro. Ông sinh ra ở Nagasaki, là thương nhân Châu ấn thuyền, được bổ nhiệm làm trưởng khu phố Nhật Bản (ở Hội An) từ năm 1618.

Theo một tư liệu, vào đầu thế kỷ 17, có khoảng 200 - 300 người Nhật sinh sống ở Hội An. Trong phát biểu tại lễ khai mạc ngày hội giao lưu văn hóa Việt - Nhật vừa qua, ngài Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, đã cho biết cách đây hơn 400 năm, những thương nhân Nhật Bản tới Hội An vì mục đích giao thương đã xây dựng tại đây khu phố người Nhật và vào thời điểm đông đúc, có hơn một nghìn người Nhật sinh sống tại Hội An. Sử còn ghi năm 1632, hai tàu Nhật từng đem 300 nghìn lạng bạc đến Hội An để mua hàng hóa, và hàng năm người Nhật mang từ 4 đến 5 triệu nén bạc qua đây mua lụa, một nửa số tàu Nhật buôn bán với Đông Dương đều ghé Quảng Nam. Xem thế đủ biết con đường thương mãi quốc tế rất phồn thịnh một thời.

Không chỉ làm ăn buôn bán, người Nhật còn có đóng góp quan trọng khi đến Hội An và dinh trấn Thanh Chiêm (Điện Bàn). Theo nghiên cứu của Fukuda Yasuo (Khoa tiếng Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội), thì “người Nhật có liên quan sâu sắc tới quá trình thiết lập phiên âm tiếng Việt bằng ký tự Latinh”. Bởi, Hội An từng tiếp nhận hơn 500 người Nhật theo đạo Kitô chỉ trong năm 1619. Điều đáng chú ý, trong giai đoạn đầu của quá trình truyền giáo, số nhà truyền đạo Kitô là người Nhật đứng thứ nhì ở miền Trung Việt Nam, chỉ sau các nhà truyền đạo Kitô người Bồ Đào Nha. Trong 14 nhà truyền đạo Kitô đến miền Trung Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 1615 đến năm 1621 có 4 người Nhật Bản, là Miguel Maki, José Tsuchimochi, Paulo Saito, Romão Nishi. Ngoài ra, còn có thêm 2 người Nhật đi cùng trong đoàn truyền giáo đầu tiên được phái cử đến Đàng Trong vào năm 1615. Theo Fukuda Yasuo, những người Nhật theo đạo Kitô đã tham gia làm thông dịch cho các giáo sĩ Bồ Đào Nha, từ đó góp công khai sinh chữ Quốc ngữ.

Từ mối lương duyên lịch sử, người Nhật đã đến xứ Quảng, góp phần làm giàu có thêm văn hóa và kinh tế. Mối lương duyên ấy có cội nguồn từ chính sách mở cửa của chúa Nguyễn mà thời hội nhập quốc tế ngày nay cần suy ngẫm, học hỏi, phát huy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mối lương duyên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO