“Môi trường dễ viết nhưng khó hay”!

THANH MINH (thực hiện) 22/06/2013 12:09

Môi trường gần đây “đụng chạm” đến đời sống nhiều hơn, đề tài về môi trường gây chú ý nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng để có một tác phẩm hấp dẫn về môi trường không đơn giản. P.V Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với nhà báo Hoàng Quốc Dũng - Trưởng ban Khoa giáo (Báo Tiền Phong), Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) xung quanh vấn đề này.
- Anh đánh giá thế nào về sự quan tâm của đội ngũ làm báo trong nước đến những vấn đề môi trường thời gian gần đây?

Khi môi trường ngày càng động chạm đến cơm áo gạo tiền và nhất là sức khỏe của nhiều người, sự quan tâm của báo chí đến đề tài môi trường được cải thiện đáng kể.

Một chuyến đi thực tế về đề tài môi trường của các nhà báo.
Một chuyến đi thực tế về đề tài môi trường của các nhà báo.

Các vấn đề môi trường xuất hiện ngày càng nhiều trên các báo lớn, trên trang nhất, thậm chí trung tâm trang nhất. Có thể kể đến các đề tài nổi bật khiến báo chí bận rộn hẳn như dự án bauxite ở Tây Nguyên, dự án thủy điện Đồng Nai 6 & 6A và các dự án thủy điện ở tỉnh Quảng Nam.

Tăng cường đề tài môi trường, vai trò phản biện của báo chí cũng được cải thiện đáng kể khi nhiều vấn đề môi trường được các cơ quan chức năng giải quyết rốt ráo dưới sức ép của truyền thông.
- Với riêng VFEJ thì sao, các hoạt động nổi bật của VFEJ?

Diễn đàn nhà báo môi trường Việt Nam (VFEJ) là một tổ chức nghề nghiệp tự nguyện của các nhà báo quan tâm đến môi trường ra đời từ năm 1998. Là một tổ chức phi lợi nhuận nghiệp dư của các nhà báo chuyên nghiệp, VFEJ gặp rất nhiều khó khăn về tài chính và nhân lực để tổ chức các sinh hoạt thường xuyên. Dù thế, VFEJ vẫn nỗ lực hỗ trợ các thành viên tăng cường kỹ năng, tăng cường trao đổi với đồng nghiệp nước ngoài cũng như phát triển các đề tài nóng. VFEJ thường làm cầu nối cho các nhà báo để phát triển các đề tài.  Thỉnh thoảng, VFEJ hỗ trợ một phần tài chính cho các thành viên tham gia một số đề tài nóng. Đơn cử, VFEJ đang sẵn sàng hỗ trợ các nhà báo tham gia viết bài liên quan đến sừng tê giác. Thời gian hỗ trợ có thể kéo dài đến cuối tháng 6.2013.
- Theo anh, hoạt động báo chí môi trường hiện nay gặp những khó khăn gì?

Rất nhiều cơ quan báo chí thừa nhận môi trường là câu chuyện lớn. Và khi có thể, họ luôn chú trọng đăng tải vấn đề này. Nhưng môi trường là lĩnh vực phức tạp, động chạm đến nhiều nhóm lợi ích. Bất chấp nhiều thuận lợi mới nổi, môi trường tiếp tục là đề tài không mấy được hoan nghênh ngay tại đại bản doanh các tòa soạn báo.

Theo điều tra do Học viện Truyền thông phát triển châu Á (AIDCOM) thực hiện năm 2005 và điều tra do VFEJ đang tiến hành từ tháng 5.2013, truyền thông môi trường ở Việt Nam vẫn chưa phát triển đến mức như mong đợi. Chính quyền các cấp và các bộ ngành chưa thực sự quan tâm trong hành động, chưa xem môi trường là chỗ dựa chủ yếu để thúc đẩy phát triển bền vững và đảm bảo an sinh xã hội, mặc dù cụm từ môi trường được nhắc đến nhiều trong các văn bản, quy định hành chính. Ban biên tập các báo vẫn ưu tiên nhiều hơn cho các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị. Thiếu hẳn quy định tại các tòa soạn báo đài thúc đẩy đề tài môi trường trong khi nhiều phóng viên cũng chưa nhận thức được tầm quan trọng của  vấn đề. Ít báo đài có một phòng ban chuyên về môi trường. Thay vào đó, nhóm viết về môi trường thường ẩn trong một phòng ban nào đó. Phóng viên chuyên về môi trường càng hiếm. Môi trường nằm trong số ít lĩnh vực được luân chuyển phóng viên nhiều nhất.

- Độc giả quan tâm đến các sự kiện về môi trường như thế nào?

Nói riêng về ô nhiễm, báo cáo hiện trạng môi trường mới nhất của Bộ TN-MT cho thấy các sông ở Việt Nam đều bẩn, chỉ còn phù hợp cho tưới tiêu và nuôi trồng thủy sản. Tất cả sông lớn, không sông nào đủ tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt, tức đạt loại A. Họa chăng chỉ nước thượng nguồn một số sông ở miền Trung đạt loại A, nhưng đấy lại là các vùng thường xuyên khô hạn, khó tích trữ để phục vụ cho sinh hoạt ở hạ du. Chỉ thế thôi cũng đủ thấy chưa bao giờ môi trường tác động đến nồi cơm, manh áo và sức khỏe của từng người, từng gia đình, và cả xã hội rõ rệt như những năm gần đây.

“Dù chưa có điều tra chính thức nào, có thể cảm nhận môi trường là một trong những lĩnh vực được công chúng coi như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi họ tiếp cận phương tiện truyền thông…
Rất nhiều cơ quan báo chí thừa nhận môi trường là câu chuyện lớn và khi có thể, họ luôn chú trọng đăng tải vấn đề này. Nhưng môi trường là lĩnh vực phức tạp, động chạm đến nhiều nhóm lợi ích…”.
(Nhà báo Hoàng Quốc Dũng)

Vì thế, dù chưa có điều tra chính thức nào, có thể cảm nhận môi trường là một trong những lĩnh vực được công chúng coi như món ăn tinh thần không thể thiếu mỗi khi họ tiếp cận phương tiện truyền thông. Các đề tài môi trường còn liên quan đến thực thi chính sách, dân chủ hóa xã hội, và tham nhũng. Bởi vậy, không ít tờ báo củng cố và mở rộng chỗ đứng trên thị trường truyền thông nhờ các bài báo về đề tài khô khan này.
- Là một nhà báo có nhiều hoạt động và tác phẩm viết về môi trường, anh có thể chia sẻ về sự hưởng ứng của dư luận thông qua một sản phẩm báo chí nào đó mà anh tâm đắc?

Thủy điện Sông Tranh 2 ở Quảng Nam là một trong những đề tài có cảm hứng điển hình. Bao nhiêu vấn đề tưởng không liên quan gì đến nhau cuối cùng hội tụ cả về Sông Tranh 2: điều tra cơ bản và việc thuê đánh giá tiềm năng động đất cho một dự án; mạng lưới trạm đo địa chấn ở Việt Nam; quy trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường cho một dự án thủy điện; sự buông lỏng giám sát chủ dự án trong suốt quá trình; nỗi khổ của địa phương khi è cổ gánh chịu một dự án do trung ương áp đặt; sự yếm thế của cộng đồng địa phương trước các rủi ro do một dự án gây ra; tính minh bạch thông tin...
- Vài kinh nghiệm của anh khi viết về môi trường?

Môi trường dễ viết nhưng khó hay. Phẩm chất và năng lực nhà báo là chìa khóa để lách qua cửa ải này.
Bài báo môi trường thường đòi hỏi phải xử lý có chiều sâu, và thường chứa đựng các yếu tố khoa học, kỹ thuật, công nghệ. Do không để ý đến đặc thù ấy, không ít phóng viên có thói quen xử lý thông tin hời hợt, chỉ dựa vào một nguồn tin. Các cơ quan quản lý, các công ty và các tổ chức phi chính phủ đưa ra một số lượng lớn thông cáo báo chí và các tài liệu tự tiếp thị cho bản thân. Thường những nội dung này được đưa nguyên xi vào tin bài mà không được phóng viên đi sâu tìm hiểu và bổ sung các cứ liệu khoa học để minh họa, tăng tính thuyết phục hoặc phản bác các ý kiến trích dẫn trong thông cáo báo chí. Mặt khác, bài báo có nguy cơ phản ánh thuần túy về môi trường với hàng đống thuật ngữ chuyên môn. Ít nhà báo ý thức được sự cần thiết nhập vai độc giả để hỏi một câu cơ bản “Tôi là độc giả bận bịu, vì sao tôi phải đọc bài này ?”. Những vấn đề độc giả quan tâm thường sát sườn với cuộc sống của họ hơn như kinh tế, giá cả, và sức khỏe. Vậy tại sao các bài báo môi trường không tiếp cận từ các góc độ được độc giả quan tâm? Tiếp cận như thế có khó không? Môi trường thường liên quan tới nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, y tế, và văn hóa; thường ở phạm vi rộng lớn và có ảnh hưởng lâu dài. Bởi thế, không khó để nhận ra các góc tiếp cận mà độc giả đích thực của tờ báo quan tâm nếu nhà báo ý thức được vấn đề và chịu khó để ý.
- Xin cảm ơn anh!

THANH MINH (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Môi trường dễ viết nhưng khó hay”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO