Môi trường ô nhiễm vì "vàng tặc"

19/01/2016 08:59

Giáp tết là thời điểm bùng phát nạn khai thác vàng trái phép với quy mô lớn nên mức độ tàn phá môi trường càng trở nên nghiêm trọng hơn.Sử dụng hóa chất độc hạiNăm nào cũng vậy, vào thời điểm giáp tết, các đối tượng lại đổ xô vào vùng rừng núi “hốt cú chót” khoáng sản vàng. Trong đợt bất ngờ mật phục gần đây, với lực lượng cảnh sát được huy động đông nhất từ trước đến nay, Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Phú Ninh đã xử lý, đẩy đuổi hơn 500 người khai thác vàng trái phép tại xứ vàng Tam Lãnh (Phú Ninh). Theo Thượng tá Lê Hữu Hoa - Trưởng Công an huyện Phú Ninh, chiến dịch truy quét luôn nằm trong kế hoạch của đơn vị. Mới đây nhất, vào dịp cuối năm 2015, sau hai ngày đêm truy quét, cảnh sát đã đẩy đuổi 500 người khai thác trái phép ra khỏi mỏ vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh); phá hủy 43 máy nổ cùng hàng chục thùng hóa chất, cối xay… dùng để đào đãi vàng. Vào quanh khu vực khai thác của nhà máy vàng Bồng Miêu, nhiều lán trại san sát nhau. Trong rừng, tiếng máy nổ, tiếng máy xay quặng phát ra chát chúa. Các khe núi nước chảy đục ngầu.Đưa máy móc hiện đại vào khai thác vàng. Ảnh: T.HTheo chính quyền xã Tam Lãnh, quy trình khai thác quặng ở đây rất đơn giản, chủ yếu dùng sức thủ công. Đất đá được đưa vào máy nổ để xay nhuyễn và chuyển về bộ phận ngâm hóa chất để lọc tuyển vàng. Các phu vàng sử dụng cyanua hay thủy ngân để lọc tuyển vàng. Khu vực khai thác vàng trái phép rộng 365ha, đã giao cho Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu tổ chức khai thác. Do doanh nghiệp này quản lý không nổi, nhưng cũng không giao lại cho địa phương, nên vàng tặc lợi dụng sơ hở này đổ xô vào khai thác. Lực lượng của xã ít nên không thể truy quét thường xuyên, liên tục.Theo Sở Tài nguyên – môi trường,  từ nhiều năm nay, riêng tình trạng  khai thác vàng trái phép trong khu vực vàng Bồng Miêu, UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản trong khu vực mỏ đã được cấp phép thai khác. Tuy nhiên, công ty không quản lý được diện tích đã được cấp phép hoạt động. Ông Nguyễn Văn Thọ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường nói: “Nguy hiểm nhất là hóa chất độc hại (cyanua, thủy ngân) đang được vàng tặc thải trực tiếp ra môi trường. Nếu không xử lý dứt điểm, tình trạng này sẽ rất nguy hại cho đời sống dân sinh quanh khu vực”. Cũng tại mỏ vàng Bồng Miêu, đầu năm 2015, các cơ quan chức năng đã phát hiện công ty bơm nước tháo khô mỏ xả thải trực tiếp ra sông Bồng Miêu, làm ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Kết quả phân tích mẫu nước thải tại khu vực lò 10A mỏ Bồng Miêu cho thấy không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.Biến dạng địa hìnhTừ quốc lộ 14D, vượt qua Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, chạy xe máy hơn 1 giờ đồng hồ chúng tôi đã đến trung tâm xã La Êê (Nam Giang). Cách trụ sở UBND xã chưa đến 1km nhưng có đến 2 điểm khai thác vàng trái phép. Một khu vực cày nát đất, đá, toàn bộ máy móc, dụng cụ khai thác vàng đưa ra khỏi hiện trường; còn một địa điểm là công trường vừa mới khai thác với các loại máy nổ, dụng cụ đào đãi vàng, 3 - 4 lán trại dựng lên. Thông tin chúng tôi vào đã bị lộ nên vàng tặc đã bỏ của chạy lấy người, dù trên không trung vẫn còn tỏa ra khói đen ngùn ngụt từ máy nổ. Người dân địa phương cho biết, tình trạng khai thác vàng diễn ra từ nhiều tháng trước, không còn lao động kiểu thủ công mà được huy động máy móc hiện đại. Lực lượng chức năng đã đến đây truy quét nhưng tình hình không cải thiện. Giới thổ phỉ có “tay trong tay ngoài”, nên gần như nắm rất rõ đường đi nước bước của đoàn kiểm tra, truy quét. Khi phóng viên phản ảnh tình trạng này với Chủ tịch UBND huyện Nam Giang Alăng Mai, thì ông tỏ ra khá ngạc nhiên và cho rằng chưa nghe Phòng Tài nguyên – môi trường huyện báo cáo. “Anh em truy quét thường xuyên ở trên đó, chắc lợi dụng lúc rút quân về đối tượng lại lén lút hoạt động” – ông Alăng Mai nói.Đi trên đường Hồ Chí Minh, chúng tôi còn chứng kiến nhiều đoạn trên sông nước Mỹ, tại xã Cà Dy (Nam Giang), thôn Lao Đu, xã Phước Xuân (Phước Sơn) bị băm nát. Từ ngày thủy điện Đắc Mi 4 ngăn dòng, một số đoạn sông trơ đáy trở thành mỏ vàng cho các tổ chức, cá nhân thuê người khai thác. Do tính chất dòng chảy ở miền núi thay đổi liên tục từ khi các nhà máy thủy điện thượng nguồn đi vào hoạt động, nên việc tận thu vàng sa khoáng trên các sông cũng theo con nước. Một đoạn sông Thanh qua địa phận xã Tà Pơơ (Nam Giang), xuất hiện nhiều ụ đất cát xới tung lên cao, xen kẽ là các hố bị đào sâu hoắm. Người dân địa phương cho biết, vàng tặc đã ngăn dòng sông này từ 2 năm trước, bây giờ dân sở tại chỉ mót vàng cám. Nếu phát hiện có vàng, đối tượng sẵn sàng đưa xe cơ giới, máy móc hiện đại đến vơ vét trong thời gian rất ngắn nên lực lượng chức năng không dễ dàng bắt quả tang.TRẦN HỮU
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Môi trường ô nhiễm vì "vàng tặc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO