Cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn: Khuyến khích đầu tư khu xử lý rác

TRẦN HỮU 23/04/2020 12:45

Nghị quyết về cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn giai đoạn 2020 - 2030 vừa được HĐND tỉnh thông qua tại Kỳ họp thứ 15, khóa IX. Tuy nhiên, để kiểm soát được ô nhiễm, các địa phương nhất quyết phải xây dựng cho được khu xử lý rác theo quy hoạch, từng bước tiến tới việc bắt buộc người gây ô nhiễm phải trả tiền.

Sự cố ô nhiễm ở khu xử lý rác Tam Xuân 2 khiến chính quyền phải đối thoại với người dân hồi tháng 10.2019. Ảnh: T.H
Sự cố ô nhiễm ở khu xử lý rác Tam Xuân 2 khiến chính quyền phải đối thoại với người dân hồi tháng 10.2019. Ảnh: T.H

Khó kiểm soát chất thải thứ cấp

Việc HĐND tỉnh vừa thông qua Nghị quyết về cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ xử lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2020 - 2030 là tiền đề để các địa phương chủ động trong khâu kiểm soát ô nhiễm.

Nhiều năm nay, xã đảo Tam Hải (Núi Thành) rất bức xúc về lượng rác từ biển, sông dạt vào đất liền, khiến môi trường sống bị “bức tử”. Nghịch lý ở chỗ trong khi người dân mong muốn Nhà nước đầu tư một hệ thống xử lý rác thải tập trung hiện đại thì chính họ cũng một mực từ chối dự án lò đốt tại địa bàn. Vì sao như vậy? Nguyên do một mặt về vị trí quy hoạch lò đốt không phù hợp, mặt khác người dân không muốn tồn tại hạng mục xử lý môi trường tại địa bàn vì lo ngại chính công trình này sẽ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cho tương lai. Sự lúng túng của cơ quan chức năng trong lựa chọn, thẩm định công nghệ để xử lý rác thải cũng là nguyên nhân khiến người dân không thiết tha với công trình xử lý chất thải rắn tại địa phương.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - ông Võ Hồng băn khoăn, ở các nước tiên tiến còn phổ biến sử dụng hình thức chôn lấp, ngay cả đô thị lớn như TP.Hồ Chí Minh trong dự án đầu tư mới đây còn sử dụng công nghệ chôn lấp. Các nhà đầu tư đến đặt vấn đề với tỉnh về xây dựng hạng mục xử lý chất thải rắn hiện đại với công nghệ tân tiến nhưng còn rất mơ hồ.

Theo thống kê của Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), hiện có khoảng 71% chất thải rắn sinh hoạt vẫn chủ yếu được xử lý theo hình thức chôn lấp, chỉ 16% được xử lý tại các nhà máy chế biến sản xuất phân compost và 13% được xử lý bằng phương pháp đốt.

Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, việc xử lý chất thải rắn tại các địa phương chưa được áp dụng các phương pháp và công nghệ đảm bảo, các lò đốt chất thải rắn sinh hoạt hầu hết là các lò đốt quy mô nhỏ với công suất dưới 300kg/giờ. Với những lò đốt công suất nhỏ này, hệ thống xử lý khí thải không có hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Đó là chưa kể hầu như các địa phương gặp khó khăn về nguồn nhân lực, công nhân không đủ kiến thức chuyên môn để vận hành lò đốt, nên không đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc này dẫn đến khả năng không kiểm soát được chất thải thứ cấp phát sinh, nhất là dioxin/furan. Tại huyện Bắc Trà My có nhiều lò đốt rác cấp xã tồn tại, nhưng qua thời gian hoạt động gây ô nhiễm buộc phải đóng cửa.

Ràng buộc trách nhiệm

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, địa phương dành nguồn ngân sách nhà nước bố trí cho các huyện, thị xã, thành phố chủ động tìm vị trí xây dựng công trình xử lý chất thải rắn phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương mình. Về quy hoạch đã tính toán bố trí rải đều khắp khu vực, liên huyện một cách hợp lý; cần thiết hỗ trợ kinh phí cho cộng đồng dân cư trong khu vực phạm vi triển khai dự án vì ít nhiều họ đều bị ảnh hưởng. Ngoài việc chọn vị trí theo quy hoạch, chính quyền địa phương còn tập trung lấy ý kiến của người dân để tạo sự đồng thuận cao. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT phối hợp với chính quyền địa phương khảo sát vị trí xây dựng khu xử lý rác thải mới dự kiến tại vị trí sau mỏ đá Công ty CP Wei Xem Sin Việt Nam, thuộc khu Núi Trà, thôn Hòa Đông, xã Tam Nghĩa (Núi Thành), với diện tích khoảng 20ha.

Trước đây việc quản lý Nhà nước về chất thải rắn sinh hoạt chồng chéo giữa 2 Bộ TN&MT và Bộ Xây dựng. Vì lẽ đó, ngày 3.2.2019, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 09 giao Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải tại địa phương mình. Tinh thần của nghị định là thực hiện thống nhất quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đối với quản lý chất thải rắn; chú trọng công nghệ xử lý chất thải đi kèm với các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp. Lãnh đạo Tổng cục Môi trường đề xuất, trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi trình Quốc hội xem xét, Bộ TN&MT cụ thể hóa quan điểm “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

“Chúng tôi kiến nghị người phát sinh ô nhiễm buộc phải đóng góp kinh phí cho Nhà nước theo khối lượng chất thải phát sinh hàng ngày để tăng cường cho việc thu gom xử lý chất thải rắn nói chung và chất thải rắn sinh hoạt nói riêng. Đối với chất thải rắn khu vực nông thôn, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội đặc thù sẽ có các quy định cho phù hợp với thực tế, không khuyến khích đầu tư các hạng mục xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở quy mô cấp xã” - ông Hiền đề xuất.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, về quan điểm hỗ trợ, tỉnh thống nhất khuyến khích việc đầu tư các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy mô liên xã, liên huyện phù hợp với quy hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch kinh tế - xã hội của tỉnh. Nếu sử dụng công nghệ lò đốt, thì bắt buộc phải tuân thủ các quy định của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải rắn sinh hoạt. Việc hưởng lợi cơ chế của HĐND tỉnh, đồng nghĩa với việc các địa phương phải đảm bảo cam kết khi triển khai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải rắn: Khuyến khích đầu tư khu xử lý rác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO