Hạn chế ngư dân xả rác trên biển

HÀ QUANG 31/05/2021 05:24

Mùa biển lặng, lượng rác thải tấp vào bờ tại vùng biển ngang xã Tam Tiến (Núi Thành) không nhiều như mùa biển động, nhưng chủ yếu là loại “rác tươi”. Theo người dân, nguồn rác này do chính ngư dân thải ra trong quá trình sinh hoạt trên biển.

Ngư dân khai thác thủy hải sản gần bờ thường sử dụng các loại túi nhựa đựng thức ăn trong ngày, rác thải bị vứt xuống biển. Ảnh: H.Q
Ngư dân khai thác thủy hải sản gần bờ thường sử dụng các loại túi nhựa đựng thức ăn trong ngày, rác thải bị vứt xuống biển. Ảnh: H.Q

Đi dọc bãi biển thôn Hà Lộc (xã Tam Tiến), rất dễ nhận thấy các loại rác thải nhựa như túi ny lon, vỏ chai, hộp đựng thức uống, ống hút… tấp vào sát chân sóng. Các loại rác thải này hầu hết còn “rất mới”, có loại vẫn chứa lượng thực phẩm đã sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Gái (một tiểu thương bán cá tại chợ biển thôn Hà Lộc) cho biết, hằng ngày ngư dân đều mua các loại thực phẩm, thức ăn nhanh để sử dụng trong quá trình khai thác trên biển. Các loại thực phẩm này chủ yếu đựng bằng túi hoặc hộp nhựa và bị vứt ngay xuống biển sau khi sử dụng.

Bà Gái nói: “Có khi một tô bún, tô mỳ, mớ rau phải bỏ vào ba bốn cái bao để đảm bảo an toàn khi vận chuyển ra ghe tàu nên lượng rác từ các ngư dân thải ra là rất lớn. Ở đây là biển bãi ngang, ngư dân khai thác gần bờ nên tàu ra vô liên tục, họ chủ yếu sử dụng thực phẩm trong ngày nên đựng bằng các loại túi nhựa”.

Tam Tiến là địa phương có nghề biển phát triển mạnh, hiện có hơn 200 phương tiện khai thác hải sản, hầu hết là gần bờ. Nơi đây từ lâu đã hình thành phiên chợ cá tại bãi biển rất nhộn nhịp. Phiên chợ này cũng bày bán các loại lương thực thực phẩm, dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ ngư dân địa phương.

Ông Hồ Sỹ Công (một ngư dân làm nghề lưới vây rút chì ở thôn Hà Lộc) cho biết: “Nghề này chủ yếu chiều đi sáng về. Khai thác trên biển cả đêm nên ghe nào cũng nấu ăn, nếu công việc quá bận rộn thì cũng ăn mỳ tôm qua bữa. Sáng vào bãi neo đậu bán cá thường mỗi người đều được ăn một tô bún hoặc mỳ từ chợ đưa ra. Số bao bì đựng thức ăn ngư dân đều vứt xuống biển sau khi sử dụng”.         

Theo ông Trần Hải Nam - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Tiến, nhận thấy rác thải do ngư dân vứt xuống biển tấp vào bờ cộng với lượng rác xả ra từ hoạt động của chợ cá tại bãi biển Tam Tiến ngày càng nhiều, địa phương đã triển khai các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực này.

Riêng đối với việc xả rác của ngư dân trong quá trình hoạt động sản xuất trên biển, cách đây khoảng hai tháng, địa phương áp dụng thí điểm mô hình thu gom rác trên tàu thuyền. Trước hết là triển khai cho hai tổ đoàn kết sản xuất trên biển ở thôn Hà Lộc và Long Thạnh với khoảng 30 phương tiện tham gia.

“Chúng tôi mua giỏ, vận động ngư dân đem ra tàu bỏ rác thải nhựa vào, sau đó đưa vào bờ đổ ở nơi quy định để đem đi xử lý. Mô hình này tôi nghĩ sẽ hiệu quả bởi đây là việc đơn giản, nếu mình biết cách vận động ngư dân. Địa phương sẽ tổng kết và nhân rộng mô hình này” – ông Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hạn chế ngư dân xả rác trên biển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO