Khai thác bền vững lá rừng Cù Lao Chàm

HOÀNG LIÊN 28/04/2021 04:44

TS.Nguyễn Nhân Đức - Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao KH&CN và dịch vụ Hội An và cộng sự đã nỗ lực nghiên cứu, kiện toàn, xây dựng một số bài thuốc quý từ rau rừng và lá uống ở Cù Lao Chàm hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch và an thần. 

Nghiên cứu một số loại rau rừng, lá uống hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch, an thần tại Cù Lao Chàm. Ảnh: CTV
Nghiên cứu một số loại rau rừng, lá uống hỗ trợ tiêu hóa, tim mạch, an thần tại Cù Lao Chàm. Ảnh: CTV

Các bài thuốc quý

TS.Nguyễn Nhân Đức cho biết, Cù Lao Chàm có 499 loài thực vật, thuộc 352 chi, 115 họ của 5 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, có 342 loài có ích, trên 60% tổng số loài có thể sử dụng vào mục đích khác nhau. Nhóm cây thuốc có sự tập trung nhiều nhất, 116 loài.

Đáng chú ý có hoàng nản, cỏ xước, bách lộ, lạc tiên, mã đề, một số nhóm trong họ gừng. Thành phần rau rừng làm rau ăn khá dồi dào, đa dạng, chủ yếu được khai thác tại Bãi Ông, Bãi Bắc, Bãi Làng…

Các loài phân bố chủ yếu là rau sứng, đỏ ngọn, bươm bướm, dớn, lạc tiên, tim lang, thành ngạnh, rau xâng (sưng). Cây rau sứng (vị ngọt) và xuyên tiêu (có mùi thơm tinh dầu) luôn được sử dụng để tạo hương vị đặc trưng của hỗn hợp rau rừng.

Cù Lao Chàm có 65 loài thực vật được sử dụng làm lá uống. Cây dung (lá), riềng núi, dù dẻ trâu được xem là bài thuốc về hỗ trợ tiêu hóa, sử dụng làm trà, giúp ăn ngon miệng. Cây thìa cành được sử dụng làm lá uống hỗ trợ điều trị tim mạch, hạ đường huyết, điều trị bệnh tiểu đường, giảm lượng mỡ xấu… Cây dừa cạn được dùng hạ huyết áp, trị đái tháo đường, thông tiểu… Lạc tiên, vông nem, xấu hổ đem phơi khô, đun sôi nước, hãm uống như trà, hỗ trợ an thần.

Song việc thu hái tự phát, quá mức các sản phẩm rau rừng và lá thuốc Cù Lao Chàm khiến các chủng loài đối diện với nguy cơ cạn kiệt và làm giảm đa dạng sinh học rừng trên đảo. 

Từ đề tài “Nghiên cứu tổ hợp các loại thực vật có thể sử dụng làm rau ăn và lá uống ở Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam thành các dạng bài thuốc có giá trị dinh dưỡng, phòng hỗ trợ điều trị một số bệnh và xây dựng quy trình khoanh nuôi, khai thác chúng một cách hiệu quả”, TS.Đức và cộng sự đã xây dựng công thức các loại rau rừng và lá uống ở Cù Lao Chàm thành các dạng bài thuốc có giá trị. Qua đó giúp phòng ngừa, hỗ trợ điều trị một số bệnh về đường tiêu hóa, tim mạch và an thần.

Nhóm xác định thành phần dinh dưỡng, nguyên tố vi lượng của các dạng bài thuốc rau rừng. Xác định thành phần những nhóm hoạt chất chính trong các dạng bài thuốc rừng có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị các bệnh trên. 

“Chúng tôi đã xây dựng mô hình khoanh nuôi tái sinh, đảm bảo tính đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen một số loại rau rừng, cây thuốc quý trên đảo. Áp dụng tăng năng suất, đảm bảo chất lượng một số loài thực vật có dược tính trên cụm đảo.

Nhóm đã xây dựng 2 mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rau sứng và lạc tiên, mật độ 1.000 cây/ha) và 2 mô hình khoanh nuôi xúc tiến tái sinh có trồng bổ sung rau sứng và lạc tiên. Xây dựng quy trình kỹ thuật chăm sóc, cắt tỉa, áp dụng thu hái phù hợp.

Tập huấn kiến thức cho người dân trên đảo về quản lý, khai thác, bảo vệ rau rừng và lá uống quý. Đề tài thí điểm tạo sản phẩm trà túi lọc từ các loại lá uống đặc trưng trên đảo” - TS.Đức nói.

Bảo tồn nguồn gen quý

Bà Nguyễn Thị Vân - Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho rằng, sản vật Cù Lao Chàm đến nay đa số sử dụng thô là chính, giá trị đem lại không cao. Cụ thể, một gói lá rừng đóng bao ny lon chỉ bán với giá 10 nghìn đồng, nếu chế biến thành trà túi lọc, giá trị sẽ cao gấp 10 lần. Thành phố khuyến khích các nhà nghiên cứu, doanh nghiệp đi sâu nghiên cứu công dụng của sản vật Cù Lao Chàm, tạo các sản phẩm du lịch.

Theo bà Vân, cần xác định rõ bài thuốc, hỗn hợp rau rừng Cù Lao Chàm có gì khác so với các nơi, so sánh các thành phần dinh dưỡng để khẳng định thêm về giá trị. Về lá uống, đây là một hình thái tổng hợp rất nhiều loại lá khác nhau, cần nghiên cứu sâu về dược tính, đánh giá cụ thể về giá trị khoa học để nâng cao công tác bảo tồn và phát triển.

“Sản phẩm lá rừng Cù Lao Chàm đã được đăng ký nhãn hiệu tập thể vào tháng 5.2018. TP.Hội An đã giao Hội Nông dân xã Tân Hiệp quản lý khai thác, thu hái, quản lý các đặc sản từ rau rừng, phát triển thương mại. Giám đốc HTX Nông nghiệp - dịch vụ du lịch Cù Lao Chàm được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý đầu ra về thu hái” - bà Vân nói.

Bà Vân đề xuất, với 4 mô hình khoanh nuôi, nên bàn giao cho Hội Nông dân xã Tân Hiệp có trách nhiệm tiếp nhận các kết quả từ đề tài nghiên cứu để phát huy trong thực tiễn.

Ông Trần Út - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam đánh giá cao tâm huyết của nhóm nghiên cứu trong việc xây dựng các công thức về rau ăn, lá uống Cù Lao Chàm, chế tạo trà túi lọc từ lá uống Cù Lao Chàm hỗ trợ điều trị tim mạch, an thần và tiêu hóa. Đề tài đã tạo ra được 4 mô hình khoanh nuôi xúc tiến đối với các loại rau rừng và lá uống Cù Lao Chàm ở thực địa.

Ông Trần Út cho rằng, nhóm tác giả cần hoàn thiện một số yếu tố, tạo cơ sở khai thác giá trị của sản phẩm trong quá trình chuyển giao để các đơn vị tiếp nhận, chế biến được thuận lợi hơn. 

Một số ý kiến khác cho rằng, đề tài góp phần bảo vệ nguồn gen lá uống, rau ăn của các loại cây ở rừng Cù Lao Chàm. Tương lai gần có thể chấp nhận di thực đến những vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương đồng với Cù Lao Chàm; nếu không các loài rau rừng, lá uống này có nguy cơ cạn kiệt, không đáp ứng yêu cầu người tiêu dùng, khi lượng thu hái gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khai thác bền vững lá rừng Cù Lao Chàm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO