Quá tải ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn

HỮU PHÚC 02/09/2019 21:23

Một hệ thống thủy điện dày đặc vận hành ở thượng nguồn sông Vu Gia - Thu Bồn; quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh cùng với sự phức tạp của thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu... đã làm quá tải sức gồng gánh của lưu vực sông. Minh bạch chia sẻ thông tin, lợi ích nguồn nước, giảm bớt tác động tiêu cực của các dự án phát triển là mục tiêu đeo đuổi của Ban điều phối quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng.

Mùa cạn năm nay các nhà máy thủy điện thiếu nước phát điện cũng như điều tiết xả nước cho hạ du.Ảnh: H.P
Mùa cạn năm nay các nhà máy thủy điện thiếu nước phát điện cũng như điều tiết xả nước cho hạ du.Ảnh: H.P

KỶ LỤC HẠN VÀ MẶN

Chưa bao giờ vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn lại khô khát và nguồn nước bị nhiễm mặn như mùa cạn năm 2019. Việc chia sẻ nguồn nước, tìm cách chống mặn xem ra vẫn là câu chuyện nan giải.

Mực nước chết

Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ đánh giá, mực nước thấp nhất trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn ở Ái Nghĩa vào các tháng 1, 2 và 4.2019 thấp hơn cả mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ quan trắc (1976 - 2018). Còn mực nước thấp nhất của Giao Thủy từ tháng 2.2019 đến nay liên tiếp ở mực nước thấp nhất lịch sử cùng kỳ quan trắc (1976 - 2018). Chính việc phát triển thủy điện và biến đổi khí hậu tạo nên sự biến đổi dòng chảy nghiêm trọng tại sông Vu Gia. Từ năm 2010 đến nay, hạ lưu sông Thu Bồn luôn trong tình trạng thiếu nước vào mùa cạn, đỉnh điểm mới đây nhất là giữa tháng 8.2019 đô thị Đà Nẵng thiếu nước sinh hoạt cục bộ. Ông Lê Viết Xê – Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ nhận định, trên vùng trung lưu sông Vu Gia – Thu Bồn, dòng chảy thiếu hụt từ 20 - 45% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Do thiếu hụt lượng nước từ thượng lưu và triều cường mạnh nên khu vực hạ lưu sông này tiếp tục xảy ra hạn hán và thiếu nước cục bộ.

Ông Lê Đình Bản - Giám đốc Công ty thủy điện Sông Bung cho biết, hiện hồ đã xuống mực nước chết 1,5m và không còn khả năng điều tiết nên đơn vị đã tạm dừng phát điện để nâng mực nước. Nghĩa là mực nước trong hồ không đủ để xả xuống vùng hạ du. Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2019, mực nước hồ thủy điện A Vương thấp hơn gần 7m; thủy điện Sông Bung 4 thấp hơn gần 3,5m so với mực nước tối thiểu yêu cầu ban hành theo Quyết định 1537 của Thủ tướng Chính phủ. Phó Giám đốc Sở TN&MT Đà Nẵng Nguyễn Quang Vinh lo lắng, nguồn nước hiện còn tại các hồ thủy điện trên thượng nguồn Vu Gia - Thu Bồn khó có thể đáp ứng nhu cầu dùng nước của hạ du trong cuối mùa khô năm nay. Phía Đà Nẵng từng bàn các biện pháp “xin nước” từ các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn, nhưng nước không có thì làm sao?

Nhiễm mặn chưa từng có

Dung tích còn lại của hồ thủy điện A Vương so với mực nước chết vào sáng 25.8.2019 là 13,47 triệu mét khối. Nếu xả theo quy trình với lưu lượng 28m3/s thì thời gian còn lại có thể xả nước là 5,5 ngày. Trong khi đó, dung tích còn lại của hồ Đắk Mi 4 so với mực nước chết vào sáng 26.8 là 9,96 triệu mét khối. Nếu không huy động hồ Đắk Mi 4 phát điện (xả nước về sông Thu Bồn) và xả nước về hạ lưu sông Vu Gia với lưu lượng 25m3/s thì khoảng 4,5 ngày là hồ về mực nước chết.

Thời tiết nắng nóng kéo dài, dòng chảy trên các lưu vực sông thấp, dung tích điều tiết của các thủy điện thấp hơn so với trung bình nhiều năm dẫn đến nguồn nước bị nhiễm mặn chưa từng có trong lịch sử. Theo Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm nay, tại vị trí thu nước của nhà máy nước Cầu Đỏ có 119 ngày bị nhiễm mặn với độ mặn cao nhất 3.448mg/lít (vượt 14 lần so với quy chuẩn cho phép) nên công ty này phải bơm hơn 14 triệu mét khối nước thô từ An Trạch để pha loãng, làm tăng chi phí hơn 6 tỷ đồng. Độ mặn trung bình tại các điểm đo vùng hạ lưu sông từ đầu năm đến nay ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ kết luận: tại hầu hết các điểm đo đã xuất hiện độ mặn lớn nhất trong lịch sử quan trắc từ năm 2011 - 2018. Đặc biệt, vị trí cầu Nguyễn Văn Trỗi trên sông Hàn và cầu Câu Lâu trên sông Thu Bồn đang ở mức mặn nhất từ năm 2005 đến nay.

Ông Hồ Minh Nam - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho biết, thời gian qua thành phố thiếu nước cục bộ trên diện rộng. Trong 2 ngày (18 và 19.8), cửa thu nước ở sông Cầu Đỏ bị nhiễm mặn vượt ngưỡng cho phép nên công ty phải đóng van. So với cùng kỳ năm 2018, dòng chảy trên sông Vu Gia - Thu Bồn chỉ đạt từ 32 - 70%. Việc nước đổ về các sông thấp khiến tình trạng xâm nhập mặn tại hạ lưu tăng cao. Đầu tháng 8.2019, tại trạm bơm ở xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên), độ mặn đo được là 22 phần nghìn, trong khi độ mặn để bơm phục vụ tưới tiêu phải dưới 0,8 phần nghìn đã khiến nhiều trạm bơm không thể hoạt động được. Theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, từ cuối tháng 6 đến nay, do mực nước đầu nguồn tại các hồ thủy điện thượng nguồn sông Thu Bồn xuống thấp khiến lượng nước chảy về hạ lưu giảm đột ngột, cộng với triều cường dâng cao làm nước mặn từ Cửa Đại tấn công sâu vào đất liền. Mùa khô năm nay, xuất hiện đợt nắng nóng kỷ lục và đợt nhiễm mặn lịch sử. Riêng ngày 2.7, tại cầu Câu Lâu nhiễm mặn kỷ lục tính đến thời điểm này là 200 phần nghìn. Nghĩa là độ mặn tương đương với nước biển. Đầu tháng 7, một số vùng dọc sông Thu Bồn thuộc thị xã Điện Bàn, độ xâm nhập mặn tăng gấp 12 - 13 lần so với mức cho phép.

CHIA SẺ VỚI HẠ LƯU

Để có một cơ chế quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, nhiều năm nay, Quảng Nam và Đà Nẵng đã thành lập ban điều phối chung nhằm trao đổi thông tin và sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, giải quyết những khó khăn ở vùng hạ lưu.

Đắp đập ngăn mặn

Với lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn thời gian qua thủy điện tạo ra xung đột, mâu thuẫn trong phân bổ và sử dụng nguồn nước với các ngành dùng nước khác như nông nghiệp, sinh hoạt, môi trường. Dòng chảy tự nhiên bị thay đổi, làm tăng lũ mùa mưa, thiếu nước mùa khô. Theo một nghiên cứu, lưu lượng nước về sông Thu Bồn tăng gấp đôi vào mùa cạn, từ 20% (năm 1990) lên 40% (năm 2012) dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nước ở hạ lưu Vu Gia, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước sinh hoạt ở TP.Đà Nẵng. TS. Nguyễn Hùng - Khoa Thủy lợi - Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, cần điều chỉnh dòng nước để nâng cao hiệu quả sử dụng nước và hạn chế nhiễm mặn ở hạ du, nên cần trả nguồn nước từ sông Thu Bồn về sông Vu Gia với lưu lượng 20%. Theo đó, giải pháp mang tính khả thi, phù hợp với thực tiễn nhất là thực hiện nâng cao trình các hạng mục dự án chỉnh trị dòng sông.

Sau khi thành lập ban điều phối, phía Đà Nẵng đã tích cực xúc tiến nâng đỉnh đập tại sông Quảng Huế đến cao trình 3,2m bằng bao cát. Đầu năm 2019, ngành nông nghiệp của 2 địa phương lấy ý kiến về phương án thiết kế sơ bộ xây dựng đập tạm nâng cao cao trình đỉnh đập tại sông Quảng Huế do Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng lập. Phía Đà Nẵng và Quảng Nam đề xuất giải pháp xây dựng đập dâng điều tiết trên sông Quảng Huế, và đang lấy ý kiến của Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT. Hiện nay, Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng thu thập dữ liệu thông tin cơ bản trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn và khu vực sông Quảng Huế; quan trắc chế độ thủy động lực, lòng dẫn khu vực sông này; đánh giá biến động thủy văn, thủy lực lòng dẫn, hiệu quả hoạt động cũng như tác động của hệ thống công trình trên sông Quảng Huế.

Theo các chuyên gia thủy lợi, việc xây dựng đập tạm ở sông Quảng Huế phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc giảm mặn cho hạ lưu. Theo phương án thiết kế, kết cấu đập tạm bằng bao địa kỹ thuật HD chứa cát với chiều rộng đỉnh đập là 9,3m và chiều dài đỉnh đập là 17,5m. Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng cho rằng, khi nâng cao trình đập sông Quảng Huế lên và các thủy điện xả nước thì lượng nước chuyển về Đà Nẵng sẽ được nhiều hơn; đồng thời mức nước ở đập An Trạch sẽ ổn định hơn cũng như độ mặn ở sông Cầu Đỏ sẽ giảm đi. Khi Đà Nẵng kiến nghị, Quảng Nam cũng thống nhất đề xuất Bộ TN-MT điều chỉnh vận hành của các thủy điện nhằm giảm thiểu tình trạng nhiễm mặn đang diễn ra.

Đồng hành

Năm cơ sở sản xuất nước của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng đang hoạt động hết công suất và khai thác khoảng 311.000m3/ngày. Nguồn nước sinh hoạt ở Đà Nẵng phụ thuộc rất lớn từ nguồn nước sông Vu Gia.

Sở NN&PTNT TP.Đà Nẵng cho biết, lượng nước ở hồ thủy điện A Vương và Đắk Mi 4 thời điểm giữa tháng 8 lần lượt còn 26 và 20 triệu mét khối. Hai thủy điện xả cùng lúc sẽ giảm mặn và giúp Đà Nẵng có nguồn nước sinh hoạt. Theo Công ty CP thủy điện Đắk Mi 4, đơn vị sẵn sàng chia sẻ nguồn nước, vấn đề là cần có tiếng nói chung giữa thủy điện Đắk Mi 4, A Vương và nhà máy nước Cầu Đỏ. Từ sự can thiệp của Ban điều phối quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, các nhà máy thủy điện bậc thang sẽ cứu tình trạng khô khốc của các địa phương, vận hành xả nước liên tục về hạ du Vu Gia theo quy trình vận hành liên hồ đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ trên 1.000mg/lít.

Để tiếp tục tìm tiếng nói chung trong lãnh đạo, điều hành, ngày 27.8, Sở TN&MT Quảng Nam và Đà Nẵng phối hợp đối thoại định kỳ về quản lý tổng hợp lưu vực sông và vùng bờ. Tại đây, cơ quan chức năng hai địa phương đánh giá hiện trạng, xác định và dự báo nguy cơ rủi ro xảy ra trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn tác động đến phát triển ở lưu vực sông và vùng bờ; báo cáo kết quả theo dõi vận hành đập tạm tại sông Quảng Huế và kết quả giám sát việc vận hành các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông, đề xuất phối hợp vận hành hồ chứa năm 2019 - 2020. Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Nam - bà Lê Thị Tuyết Hạnh, chính việc minh bạch, chia sẻ thông tin đã giúp 2 địa phương phối hợp nhịp nhàng trong xử lý các tình huống phát sinh. Rút kinh nghiệm từ sự cố phản đối của Công ty CP Cấp nước Đà Nẵng trong dự án xây dựng lò đốt xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), chính quyền tỉnh đã chỉ đạo các ngành chuyên môn của tỉnh chủ động lấy ý kiến từ phía Đà Nẵng khi quy hoạch phát triển và đầu tư các dự án khai thác, sử dụng tài nguyên ở lưu vực sông.

Về phương án xả nước thủy điện để đẩy mặn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh – ông Trương Xuân Tý cho rằng, hiện lượng nước tại các hồ chứa thủy điện đang ở mức thấp, xấp xỉ mực nước chết, không thể đẩy mặn cho Đà Nẵng. “Điều tôi băn khoăn là các ngành chủ quản cần xác định lưu lượng cần thiết để xả nước về hạ lưu. Lưu lượng xả về không thừa cũng không thiếu mới hợp lý. Việc sử dụng nước đẩy mặn không phải biện pháp tối ưu, mà nên nghĩ đến việc xây dựng công trình để ngăn mặn” - ông Tý nói.

Đồng quan điểm, ngành nông nghiệp TP.Đà Nẵng cho rằng, xả nước thủy điện để can dự vào việc chống nhiễm mặn cho sông Hàn, sông Thu Bồn hiện nay là cực kỳ khó khăn. Sở TN&MT Đà Nẵng kiến nghị các ngành chức năng Quảng Nam phối hợp giám sát vận hành các hồ chứa trên lưu vực sông nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước điều tiết về từ các hồ chứa trong mùa cạn. Trước mắt, không huy động nước của nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả về sông Thu Bồn. Thực hiện việc tích nước nhằm giữ lại nguồn nước hiện có để chống hạn, nhiễm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia.

CẦN CƠ CHẾ ĐIỀU HÀNH THỐNG NHẤT

Dù đã có những định chế, quy chế phối hợp song để quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn, cần đánh giá đúng năng lực chịu đựng của hệ thống sông trước những biến cố, đồng thời tháo gỡ ngay những bất cập trong khai thác, sử dụng nguồn nước chung.

Quảng cảnh hội nghị giữa kỳ của Ban điều phối quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra tại Quảng Nam ngày 27.8
Quảng cảnh hội nghị giữa kỳ của Ban điều phối quản lý lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn diễn ra tại Quảng Nam ngày 27.8

Không đơn lẻ giải quyết

Từ năm 2016 đến nay, các ngành chức năng Quảng Nam và Đà Nẵng tổ chức nhiều cuộc họp định kỳ với chủ các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước, lên phương án kịch bản điều tiết nước từ các hồ chứa trong mùa cạn. Xảy ra tình trạng nhiễm mặn lịch sử trong mùa khô năm nay, nhưng gần như phía Quảng Nam đã chủ động, triển khai các phương án đối phó khả thi. Tình hình nhiễm mặn, hạn hán, nhu cầu sử dụng nước ở hạ du và của đô thị Đà Nẵng như thế nào đã được thông tin cho Quảng Nam, các ngành chức năng của tỉnh đã vào cuộc để giải quyết kịp thời các xung đột về chia sẻ nguồn nước. Hai địa phương đã thống nhất đề xuất tháo gỡ ngay các bất cập của quy định hiện hành như kiến nghị Bộ TN&MT điều chỉnh, thay thế quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn do không còn phù hợp với thực tế. Đặc biệt, thời gian qua, đưa các hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 vào quy trình để đảm bảo việc vận hành các hồ có sự phối hợp nhịp nhàng.

Thông qua cơ chế điều hành nhất quán, chính quyền 2 địa phương đã giải quyết những vấn đề bức xúc ở vùng hạ lưu, chủ động ứng phó khẩn cấp thiếu nước sinh hoạt. Điển hình, với hồ thủy điện Đắk Mi 4, không huy động nhà máy xả nước về sông Thu Bồn nhằm giữ lại nguồn nước để chống hạn, giảm mặn, cấp nước cho hạ du sông Vu Gia, bao gồm cấp nước sinh hoạt cho Đà Nẵng và khoảng 4.000ha lúa của 2 địa phương. Hiện, các hồ thủy điện Sông Bung 5 và Sông Bung 6 phối hợp vận hành khi các hồ trên thượng nguồn tham gia phát điện để đảm bảo nguồn nước điều tiết về hạ du được sử dụng kịp thời, tham gia ứng phó trong trường hợp thiếu nước sinh hoạt cục bộ.

Đánh giá sức chịu tải của dòng sông

“Hiện nhiều nước trên thế giới đã tiếp cận đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước. Quảng Nam và Đà Nẵng đã thành lập Ban điều phối quản lý lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn nên cần có dữ liệu về sức tải của từng đoạn sông. Muốn biết khả năng của sức tải phải điều tra, quan trắc, xác định nguồn ô nhiễm, mô phỏng khả năng tiếp nhận nguồn thải làm cơ sở cho công tác quy hoạch, phân bố sức tải lưu vực sông để kiểm soát chặt chẽ hơn” - PGS-TS. Trần Văn Quang - Khoa Môi trường của Đại học Bách khoa Đà Nẵng.

Liên quan đến dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa (Đại Lộc), đến nay, chính quyền hai địa phương đã chính thức kiến nghị Bộ TN&MT đánh giá sức chịu tải các nguồn thải của sông Vu Gia - Thu Bồn. Tại cuộc họp giữa kỳ năm 2019 của Ban điều phối về quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam - Đà Nẵng vừa diễn ra, nhiều chuyên gia thủy lợi, cơ quan quản lý đã dự lường hàng loạt thách thức trong khai khác nguồn nước sinh hoạt cho vùng hạ du; công tác phối hợp kiểm soát các hoạt động có nguồn thải trên lưu vực sông.

Câu chuyện về nhiễm mặn xảy ra chưa từng có trong lịch sử, thiếu nước sạch nghiêm trọng cho hạ du sông, đã đến lúc cần phải xây dựng thêm các tình huống dự phòng, nằm ngoài kịch bản cũ. PGS-TS. Trần Văn Quang - Khoa Môi trường của Đại học Bách khoa Đà Nẵng đưa ra cách tiếp cận nghiên cứu khác là không đặt nặng vấn đề xả nước thủy điện hay xây đập ngăn mặn mà theo ông, trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn phải nghiên cứu, rà soát, đánh giá một cách khoa học khả năng tiếp nhận, sử dụng trong quản lý các nguồn ô nhiễm. Đồng thời, đánh giá tác động, ảnh hưởng của các hoạt động phát triển đã và đang triển khai (như dự án thủy điện, xây dựng các nhà máy công nghiệp, đô thị hóa…) đến chất lượng nguồn nước. “Việc đánh giá sức tải lưu vực sông phải làm rõ bất cập trong kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước hiện nay. Sức chịu tải được sử dụng trong dự báo các tác động của quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến chất lượng nguồn nước, đề xuất biện pháp bảo vệ” - ông Quang đề cập.

Việt Nam có hàng trăm con sông lớn nhỏ, nhưng chính kiểu quản lý theo địa giới hành chính mà không theo lưu vực sông đã làm cho “thực thể sống” của dòng sông bị chia cắt nhiều khúc. Hiện ở phạm vi Trung ương mới thành lập ban điều phối 3 lưu vực sông gồm Sông Cầu, sông Nhuệ - Đáy và sông Đồng Nai. Các dòng sông này đều chảy qua nhiều tỉnh, thành phố. PGS-TS. Trần Văn Quang phân tích rằng, ở nước ta quản lý lưu vực sông thời gian qua không đạt hiệu quả như mong muốn do quy định của Trung ương và địa phương chồng chéo, thiếu chia sẻ dữ liệu thông tin tài nguyên nước. Ba lưu vực sông trên đã vượt sức chịu tải về nguồn thải. Đây là hệ quả tất yếu của quá trình đô thị hóa nhanh và thu hút ồ ạt phát triển công nghiệp, trong khi Nhà nước lại thiếu kiểm soát nước thải và công cụ quản lý theo lưu vực. Hiện nay, cả Quảng Nam và Đà Nẵng đồng kiến nghị Bộ TN&MT xem xét, sớm triển khai đề án đánh giá sức chịu tải của lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn để làm cơ sở quyết định cho phép các dự án đầu tư có hoạt động xả thải vào sông.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quá tải ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO