Thủy điện, rừng và lũ lụt

HỮU PHÚC 14/11/2020 10:34

Quảng Nam và một số tỉnh miền Trung đang gánh chịu hiện tượng bão chồng bão, lũ chồng lũ, rồi liên tiếp xảy ra các vụ sạt lở đất gây chết người, làm thiệt hại lớn tài sản của nhân dân. Nguồn cơn gây ra các thảm họa vừa qua do đâu, có mối liên hệ nhân quả nào giữa các nhà máy thủy điện, rừng và lũ lụt? Trong khi vẫn chưa có câu trả lời thấu đáo, thì ở các huyện miền núi của Quảng Nam, sạt lở vẫn tiếp diễn và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ.Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT
Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ.Ảnh: HUỲNH TRƯƠNG PHÁT

CẮT LŨ HAY GÂY LŨ?

Ở nhiều vùng hạ lưu, nhà cửa đã bị cuốn trôi, thiệt hại nặng nề sau khi thủy điện xả lũ, trong khi mưa lớn kèm theo lũ quét, sạt lở đất gây chết người ở miền núi. Điều này buộc các cơ quan có trách nhiệm giải mã về thảm họa vừa qua.

Điều tiết và cắt lũ

Các đập thủy điện trên địa bàn tỉnh đều thực hiện quy trình xả lũ và vận hành liên hồ, đơn hồ theo quy định. Khi lưu lượng nước ở các hồ quá lớn, buộc phải xả, chủ đầu tư các nhà máy thủy điện có trách nhiệm thông báo công khai và chịu sự giám sát của cơ quan chức năng. Các đợt mưa lũ vừa qua ở Quảng Nam bản chất xuất phát từ tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Lượng mưa ở nhiều khu vực đạt kỷ lục. Vì vậy, việc vận hành thủy điện càng phức tạp.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 thông tin, khoảng 7 giờ ngày 10.10 đến 3 giờ sáng 13.10.2020, tổng lưu lượng nước về hồ lập mức kỷ lục trong tháng 10 với 286,5 triệu mét khối, trong khi lưu lượng cắt lũ là 255,6 triệu mét khối. Còn lúc 4 giờ 30 ngày 28.10 đến 18 giờ ngày 29.10.2020, tổng lưu lượng nước về hồ hơn 237,8 triệu mét khối, lưu lượng cắt lũ 94,3 triệu mét khối.

Số liệu quan trắc cho thấy tại hồ thủy điện Đăk Mi 4, thời điểm đỉnh lũ ngày 28.10, nước về hồ lên tới 17.000m3/giây. Chính nhờ dung tích lớn của hồ thủy điện Đăk Mi 4 nên khả năng chứa nước điều tiết, cắt lũ tới 55%. Theo Bộ Công Thương, nhờ dung tích của đập lớn giữ được nước nếu không đỉnh lũ về ngày 28.10 là ngập lụt trắng toàn bộ khu vực hạ lưu. Việc xả lũ đã duy trì kéo dài sang ngày 29 và 30.10, với lượng xả nước ở mức độ thấp hơn lượng nước về hồ nên góp phần điều tiết lũ.

Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ.
Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ.

Thủy điện có vai trò giữ nước là thực tế không thể phủ nhận. Khi lượng nước về hồ lớn, nước trong hồ dâng lên tới ngưỡng xả, hồ thủy điện bắt đầu xả nước để giảm cấp độ nước dâng trong hồ. Thủy điện nhỏ có thể điều hòa những trận lũ nhỏ, cục bộ nhưng hầu như không có tác động với lũ xảy ra trên diện rộng như các trận mưa lũ vừa qua. Lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng, các hồ thủy điện góp phần không nhỏ cho việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị cắt 21%, Hương Điền cắt tới 45% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%. Tại Quảng Nam, nhà máy thủy điện Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%. Đặc biệt trận lũ vừa qua hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%. Nhiều chuyên gia cho rằng, các đập thủy điện cần thiết kế và xây dựng các cửa xả đáy để thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn.

Mất rừng gây lũ nặng hơn

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Yêu cầu lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ

Quảng Nam có 10 thủy điện bậc thang lớn trên thượng nguồn sông Thu Bồn – Vu Gia với năng lực phát điện gần 1.200kW. Ngoài ra, có 36 thủy điện vừa và nhỏ, cơ bản có một nửa đi vào hoạt động, nửa còn lại đang trong quá trình triển khai với công suất phát điện 560kW. Quan điểm của tỉnh là sẽ không phát triển thêm thủy điện nào ngoài 36 thủy điện đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong quá trình lập quy hoạch thủy điện đã có đánh giá tác động môi trường chiến lược.

Chúng tôi đã yêu cầu các thủy điện lắp đặt hệ thống cảnh báo lũ dọc theo vùng hạ du để thực hiện việc cảnh báo kịp thời cho người dân. Lắp đặt các hệ thống camera trên lòng hồ thủy điện, hệ thống đo mưa, đo lượng nước về hồ để căn cứ vào đó truyền camera trực tiếp về Văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để quan sát toàn bộ diễn biến lượng nước về hồ, mức nước tại các vị trí cần thiết qua đó ra các quyết định điều tiết lượng nước cho phù hợp.

Sự can thiệp thô bạo của con người vào rừng tự nhiên là một trong các yếu tố gây ra lũ lụt ở mức độ nặng hơn. Các vụ sạt trượt đất gây ra thảm họa vừa qua, nguyên nhân do mưa liên tục nhiều tuần với cường độ mưa rất lớn. Tuy nhiên, theo TS.Trần Văn Miều - phụ trách truyền thông Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc phá rừng, trong đó có phá rừng để làm thủy điện làm giảm đáng kể diện tích rừng tự nhiên hiện có. Rừng có khả năng giảm lũ và điều tiết lũ.

Theo ông Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay Bộ NN&PTNT) ngoài yếu tố thời tiết cực đoan còn do mất rừng từ các dự án khai thác mỏ, xây dựng thủy điện. Trước đây, diện tích rừng tự nhiên còn lớn, khi mưa xuống nước được giữ lại, lớp đất sét này phát huy được độ kết dính, nhưng hiện nay các tỉnh miền Trung rừng nguyên sinh bị mất, thảm thực vật bị mất nhường chỗ cho thủy điện. Đất đai bị phong hóa, chỉ cần một trận mưa lớn, đất trương nở, khối đất nặng thêm, không có sự kết dính nên gây sạt trượt với khối lượng lớn.

Đồng quan điểm, GS-TSKH Đặng Huy Hùng - nguyên Viện trưởng Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật thuộc Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam khẳng định, thiên tai xảy ra tại các tỉnh miền Trung vừa qua là hệ quả của biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh hơn so với dự báo. Tuy nhiên, một nguyên nhân không thể bỏ qua là tác động tiêu cực của con người lên tự nhiên mà ở đây là tài nguyên rừng bị khai thác quá mức.

Tại huyện Nam Trà My, thống kê dự án thủy điện Trà Linh 1 tại xã Trà Linh và xã Trà Cang, công suất dự kiến hơn 26MW, tổng diện tích chiếm đất hơn 21ha, bình quân hơn 0,8ha/1MW. Thủy điện Tăk Lê tại xã Trà Nam, công suất 11,6MW, điện lượng gần 35 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất gần 15ha, bình quân 1,2ha/1MW. Thủy điện Nước Lah tại xã Trà Vân và Trà Don,  công suất 11MW, điện lượng dự kiến gần 39 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 52ha, bình quân hơn 4,7ha/1MW. Thủy điện Trà Leng tại xã Trà Dơn, công suất  30MW, điện lượng dự kiến hơn 104 triệu kWh/năm, tổng diện tích chiếm đất hơn 55ha, bình quân hơn 1,8ha/1MW. Các dự án, công trình lớn ở miền núi mà phần lớn dự án thủy điện đã nhấn chìm dưới hồ cả nghìn héc ta diện tích rừng tự nhiên.

Theo Sở NN&PTNT, tính đến tháng 10.2020, tổng diện tích trồng rừng thay thế trên địa bàn tỉnh hơn 2.042ha (đạt hơn 86,6% so với tổng diện tích trong kế hoạch đã phê duyệt phương án). Theo quy định, việc “trả nợ rừng” với chủng loại rừng trồng theo tỷ lệ 1 - 1 (sử dụng 1ha rừng cho mục đích khác, phải trồng lại 1ha rừng trồng) và tỷ lệ 1 - 3 đối với rừng tự nhiên. Nếu chủ dự án được giao đất không thực hiện việc trồng rừng thay thế, sẽ phải nộp tiền tương đương số tiền để trồng rừng. Rừng và thủy điện quan hệ với nhau: thủy điện cần rừng để giữ mực nước không cực đoan, nước quyết định sự sống còn với hoạt động của thủy điện.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, qua khảo sát thực tế và đánh giá của cơ quan chức năng, thì sạt lở đất vừa qua ở miền Trung gắn chặt với tính dị thường và cực đoan của thời tiết khi mà lượng mưa quá lớn. Người đứng đầu ngành công thương cũng không phủ nhận việc mất rừng đầu nguồn, thảm thực vật là những vấn đề do tác động của con người, từ các dự án như thủy điện.

KIÊN QUYẾT LOẠI BỎ THỦY ĐIỆN NHỎ

Quảng Nam chủ trương loại bỏ quy hoạch thủy điện nhỏ vì xét đến nhiều yếu tố bao trùm, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nhìn nhận, lỗi của phát triển thủy điện nhỏ nằm ở chỗ chưa tính toán được lợi ích, tính năng thiết kế, hiệu quả và công nghệ. Và “quả bóng trách nhiệm” được chuyền đi khi bộ trưởng cho rằng, các loại thủy điện nhỏ thuộc thẩm quyền quyết định của chính quyền cấp tỉnh.

Theo các chuyên gia môi trường, việc xây dựng ồ ạt thủy điện vừa và nhỏ thời gian qua là lợi bất cập hại do khu vực các tỉnh miền Trung có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn, đồng thời đây là nơi có các khu bảo tồn thiên nhiên. Cộng thêm đất dễ phong hóa và sạt trượt. Ở các huyện miền núi Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang khi san phẳng đất để lấy mặt bằng, xẻ núi... sẽ tác động đến kết cấu địa hình. Đặc biệt trong điều kiện mưa lớn bất thường, nguy cơ sạt trượt lại càng cao. Việc dễ dàng thông qua các báo cáo đánh giá tác động môi trường ở thủy điện nhỏ sẽ tiềm ẩn những hệ lụy về sau. Thẩm quyền phê duyệt các dự án thủy điện nhỏ thuộc về các địa phương, nơi thường không có chuyên gia chuyên sâu về thủy điện, thủy văn, thiết kế công trình.

Theo Bộ Công Thương, để vận hành an toàn và hiệu quả, các đập thủy điện nhỏ cần có cửa xả đáy để đảm bảo thường xuyên xả bùn cát về hạ nguồn. Đồng thời cần xây dựng, thực hiện quy trình xả lũ và chạy thủy điện để đảm bảo dòng chảy môi trường cũng như không làm gia tăng nguy cơ lũ. Tại Quảng Nam, các chủ hồ đập đã phối hợp với chính quyền địa phương thiết lập các hệ thống giám sát, quan trắc tự động về khí tượng thủy văn, đo mưa, giám sát hệ thống vận hành, có phương án phòng chống bão lụt tại địa phương.

Đề cập vụ việc nhà máy thủy điện Đăk Mi xả lũ đột ngột trong chiều ngày 28.10, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định, thủy điện xả lũ không sai với các quy định hiện hành. Tuy nhiên, làm thế nào truyền tải thông báo xả lũ một cách nhanh nhất để nhân dân chủ động phòng tránh thiên tai là việc cần tính toán hiện nay.

Về quy hoạch thủy điện đến năm 2030, người đứng đầu Bộ Công Thương khẳng định, Trung ương đã và sẽ không bổ sung quy hoạch các dự án thủy điện công suất nhỏ dưới 3MW, các dự án ảnh hưởng đến đất rừng tự nhiên. Giai đoạn 2012 - 2018, Bộ Công Thương đã loại 471 dự án thủy điện nhỏ, 213 vị trí tiềm năng xây dựng thủy điện nhỏ. Thời điểm này, cả nước có 290 công trình thủy điện nhỏ đưa vào vận hành khai thác; 366 dự án thủy điện nhỏ trong quy hoạch nhưng chưa xây dựng.

Tại Quảng Nam, từ năm 2017, đã từng loại bỏ hai dự án thủy điện ra khỏi quy hoạch đó là dự án thủy điện AgRồng (công suất thiết kế 1MW) và dự án thủy điện Nước Xa (công suất thiết kế 1,2MW). Theo UBND tỉnh, địa phương sẽ không phát triển thêm dự án thủy điện nào bởi lo ngại về tính đa mục tiêu của dự án và xem tác động của các dự án thủy điện đối với rừng, đất sản xuất, tái định cư, đa dạng sinh học, trồng rừng thay thế.

TS.Đào Trọng Tứ - Trưởng ban điều phối Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phân tích, dự án thủy điện nhỏ thường đưa mực nước chết của đập lên rất cao để tích nước phát điện. Trong khi lũ về, nước thường được xả thẳng xuống hạ du vì dung tích hồ nhỏ không có khả năng cắt lũ. “Các thủy điện nhỏ được xây dựng ở vùng sâu vùng xa, năng lực thẩm định của chính quyền địa phương còn hạn chế, trong khi chủ đầu tư tính toán giảm chi phí đầu tư nên không loại trừ nảy sinh bất cập về chất lượng thi công, an toàn hồ đập” - TS.Đào Trọng Tứ cảnh báo.

NGUỒN THU TỪ THỦY ĐIỆN GIẢM

Hai năm nay, nguồn thu ngân sách nhà nước từ các nhà máy thủy điện liên tiếp bị tụt giảm do hạn hán diễn ra trên diện rộng.

Năm 2020 nguồn thu từ hoạt động các nhà máy thủy điện tiếp tục giảm.
Năm 2020 nguồn thu từ hoạt động các nhà máy thủy điện tiếp tục giảm.

Tại huyện Nam Trà My, năm 2017 HĐND tỉnh chấp thuận phê duyệt bổ sung quy hoạch 4 thủy điện vừa và nhỏ gồm Trà Linh 1, Tăk Lê, Nước Lah và Trà Leng. Theo giải trình của địa phương, việc xây dựng thủy điện nhằm đảm bảo yêu cầu cấp điện ổn định cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân huyện Nam Trà My, phát huy tối đa hiệu quả nguồn nước của địa phương. Tuy vậy, các chuyên gia phân tích, với các thủy điện nhỏ, chủ đầu tư thường phớt lờ các chi phí gây tổn hại môi trường vùng hạ lưu, bồi thường thu hồi đất không đến nơi đến chốn, chính quyền và ngành chính chức năng lại xuê xoa khi để mất rừng, phục hồi môi trường. Trong khi đó, khi đầu tư, đến giai đoạn chặn dòng, đặt tuốc - bin xuống là doanh nghiệp có thể thu được tiền, không phải bỏ nhiều chi phí vận hành như các thủy điện bậc thang.

Năm 2019, theo kế hoạch dự toán nguồn thu từ các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh là 699 tỷ đồng, nhưng chỉ thu được hơn 350 tỷ đồng. Nguyên nhân là thời tiết khô hạn kéo dài, các nhà máy thủy điện không đủ nước phát điện theo công suất thiết kế. Tương tự, năm 2020, nguồn thu từ hoạt động thủy điện cũng tụt giảm.

Theo Cục Thuế Quảng Nam, 10 tháng đầu năm nay, lũy kế thu ước 377,8 tỷ đồng, đạt hơn 54% dự toán giao của năm. Trong đó, khối các doanh nghiệp nhà nước Trung ương (gồm Công ty CP Thủy điện A Vương, Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Kôn, Công ty Lưới điện cao thế miền Trung; các nhà máy thủy điện Sông Tranh 2, Sông Bung 4 và 2, Sông Bung 5, An Điềm, Đăk Mi 3), lũy kế nguồn thu 10 tháng đầu năm 2020 là 199,3 tỷ đồng (chỉ chiếm gần 49% so với dự toán giao). Còn các doanh nghiệp thủy điện ngoài quốc doanh thu khoảng 178,4 tỷ đồng (đạt hơn 61% dự toán giao).

Hiện nay, nguồn thu tập trung chủ yếu ở các nhà máy thủy điện có công suất thiết kế lớn. Ông Vũ Đức Toàn - Giám đốc Công ty Thủy điện Sông Tranh (chủ đầu tư nhà máy thủy điện Sông Tranh 2) cho biết, cuối năm 2019, Sông Tranh 2 chính thức phát 5 tỷ kWh lên lưới điện quốc gia. Từ khi vận hành đến lúc đạt mức phát 5 tỷ kWh, công ty nộp vào ngân sách nhà nước hơn 875 tỷ đồng.

THỦY ĐIỆN “NÓNG” Ở NGHỊ TRƯỜNG QUỐC HỘI

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, những tranh luận giữa các đại biểu Quốc hội về tính hai mặt của thủy điện được dư luận rất quan tâm. Nhiều đại biểu phân tích, yêu cầu làm rõ mối liên hệ giữa bão lũ, sạt lở với các dự án thủy điện.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cả nước hiện có 429 công trình thủy điện đưa vào vận hành khai thác với dung tích khoảng 56 tỷ mét khối (chiếm 86% dung tích hồ chứa nước trên cả nước). Ngoài chức năng phát điện thì các đập thủy điện cũng có tác dụng tích nước, tùy thuộc vào công suất, nó có thể cắt giảm lũ và điều tiết lũ. Giai đoạn trước, nhiều thủy điện chiếm dụng đất rừng tự nhiên, ảnh hưởng rừng đầu nguồn, chức năng của rừng. Các dự án bổ sung quy hoạch thủy điện giai đoạn 2016 đến nay, hoàn toàn không có dự án thủy điện nào sử dụng đến đất rừng tự nhiên.  

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Trần Hồng Hà: Không nên suy đoán nguyên nhân sự cố sạt lở đất đá ở miền Trung vừa qua, mà cần có nghiên cứu độc lập của các cơ quan khoa học để đánh giá đầy đủ, bởi lúc này đưa ra kết luận là “quá sớm”. Tuy nhiên, cho tới nay, nguyên nhân chính do tổ hợp các dạng thiên tai như 4 cơn bão liên tiếp, trong đó cơn bão số 9 là mạnh nhất trong 20 năm qua, lượng mưa được tính toán vượt qua con số từ 2.000 đến 4.000mm.

Số liệu cho thấy các điểm sạt lở như ở Trạm Kiểm lâm 67 (Thừa Thiên Huế), Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quảng Trị), các xã  Trà Leng, Trà Vân (Nam Trà My), xã Phước Lộc (Phước Sơn)… ở độ cao từ 300 - 900m, nên ở đây không có vấn đề do thủy điện. Toàn bộ khu vực này nằm trong đứt gãy địa chất, do phong hóa, đất cát sét sỏi độ gắn kết rất thấp, địa hình dốc, tạo ra đứt gãy; cộng thêm lượng mưa lớn gia tăng trọng lượng trượt. Mặc dù hồ chứa miền Trung không có khả năng cắt lũ nhưng sự điều tiết rất nhịp nhàng và khoa học đã giảm được mức lũ ở hạ lưu từ 30 - 70%. Cùng với đó, các hồ chứa cũng có hiệu quả trong chống hạn.

Theo tường thuật của VTV, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng: Phát biểu như các bộ trưởng thì mọi thứ chúng ta đều đúng cả, chỉ có trời sai vì mưa nhiều quá. Bộ trưởng Bộ Công Thương nói xây dựng thủy điện là do chính quyền địa phương, do quy hoạch và do tổ chức thực hiện, nhận định như vậy là chưa ổn. Ông Hồng cho rằng, ở đâu có nhiều nhà máy thủy điện thì ở đó gắn liền với lũ quét, lũ ống, sạt lở, ngập lụt. Chúng ta thường nói gió lũ mưa ngàn, tức nước vỡ bờ, làm nhiều đập thủy điện sẽ khiến nước dâng cao, phải tìm đường thoát, khi ấy sẽ gây ra hậu quả.

Ông Lê Thanh Vân – Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - ngân sách Quốc hội thì cho rằng: Khi đề cập vai trò của thủy điện trong vấn đề lũ lụt thì phải xem xét quan điểm lịch sử về thủy điện. Khi xây dựng thủy điện sông Đà, mục tiêu ban đầu là trị thủy, sau đó mới đến phát điện. Chính vì sử dụng chủ yếu trong điều tiết lũ nên Hà Nội đã tránh được các trận lụt lịch sử. Lũ lụt ở Hà Nội, đồng bằng sông Hồng cơ bản được khắc phục. Mặt trái của thủy điện xảy ra khi có sự lạm dụng xây dựng nhà máy, lựa chọn địa điểm, quy trình kỹ thuật… Thậm chí, một số chủ nhà máy thủy điện đã lạm dụng quy trình đó để trục lợi thông qua phá rừng, lấy gỗ quý tự nhiên. Việc đánh giá vai trò của thủy điện, thủy lợi cần phải khách quan, nhiều chiều, không vì lũ lụt mà đổ hết cho thủy điện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thủy điện, rừng và lũ lụt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO