Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21.6, ông Vũ Ngọc Hoàng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã dành cho Báo Quảng Nam cuộc trò chuyện xung quanh vấn đề môi trường tác nghiệp của báo chí.
PV:Thưa ông, những năm gần đây báo chí nước ta đã có nhiều chuyển biến. Ông thấy điều gì là ấn tượng nhất? Và nên tiếp tục đổi mới theo hướng nào và cần rút kinh nghiệm gì?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Những năm gần đây báo chí nước ta đã có một số đổi mới có thể ghi nhận. Nhưng theo tôi thì vẫn còn ít, chưa có điều gì thật sự ấn tượng. Có việc tiến lên, cũng có việc lùi lại. Tôi nghĩ báo chí và công tác quản lý báo chí nước ta cần phải đổi mới nhiều hơn nữa, tích cực hơn nữa, theo hướng: minh bạch, nhân văn, dân chủ và lành mạnh hơn. Nói về hướng đổi mới cũng là trả lời luôn câu hỏi của bạn về việc gì cần rút kinh nghiệm.
Lãnh đạo nước ta đã nói nhiều lần rằng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, tiêu cực thì không có vùng cấm, nhưng trên thực tế thì không hẳn như vậy. Không ít vụ việc chưa được minh bạch thông tin một cách đầy đủ. Khi nói về trách nhiệm thì còn dừng lại nửa chừng, không dám truy đuổi đến cùng, nhất là đụng đến các vị có chức vụ to. Hoặc là do những người làm báo không đủ dũng cảm, hoặc là có chỉ đạo của ai đó. Tôi đã có lần nói, việc minh bạch thông tin là rất quan trọng, thậm chí trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn những hình thức kỷ luật cụ thể nào đó. Tôi nói vậy không có nghĩa là không cần có hình thức kỷ luật. Vấn đề là, khi làm tốt việc minh bạch thông tin thì cái xấu, cái ác không còn nơi ẩn nấp. Còn không minh bạch thông tin thì giống như ta còn dung túng hoặc cố tình bao che. Khi ấy, dân chúng có thể nghi ngờ cả một tập thể lãnh đạo. Mặt khác, minh bạch thông tin cũng là giúp cho mọi người có điều kiện để thực hiện quyền dân chủ của mình.
Một trung tâm báo chí di dộng được thành lập phục vụ công tác nghiệp của phóng viên.Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Nói đến nhân văn là muốn nhấn mạnh chức năng văn hóa - giáo dục của báo chí, góp phần tích cực để tạo nên những con người có đạo đức và năng lực tốt, những con người tự do, biết tư duy độc lập, có ý thức đầy đủ về quyền và trách nhiệm của mình, có năng lực làm chủ đối với bản thân và xã hội. Báo chí có chức năng cung cấp thông tin cho xã hội, đương nhiên rồi, một cách trung thực, đầy đủ, khách quan và kịp thời nhất. Nhưng chỉ có thế thôi thì chưa đủ, mặc dù đã là rất khó rồi, phải phấn đấu cật lực và thường xuyên rồi. Cao hơn nữa, khó hơn nữa, là báo chí còn phải tham gia trực tiếp vào công việc giáo dục - đào tạo, góp phần tạo ra sản phẩm - người. Tất nhiên không phải chỉ có báo chí thực hiện công việc này, mà đó là công việc chung của nhiều ngành, trong đó, báo chí góp một phần rất quan trọng. Cung cấp thông tin là công việc của báo chí, nhưng cung cấp thông tin để làm gì thì cần phải có tấm lòng và tư duy của nhà giáo.
Tôi thấy hiện nay, bên cạnh số đông những người làm báo có trách nhiệm với xã hội; đã có, đang có một bộ phận không ít những người viết báo tham gia các “nhóm lợi ích” tiêu cực, vì tiền mà viết để bao che, đánh bóng, hoặc “đâm thuê, chém mướn”, làm cho trắng đen lẫn lộn. Họ đã hành động gây hại cho xã hội và làm mất uy tín của báo chí. |
Nói đến dân chủ là tôi mong muốn báo chí nước nhà cung cấp được thông tin nhiều chiều hơn nữa, thể hiện các ý kiến đa chiều, khác nhau, không phải một chiều, mà có phản biện, có tranh luận, có tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Các cơ quan báo chí “được” (chứ không phải “bị”) một sự quản lý thoáng mở hơn, ít bị những trường hợp gỡ bài xuống hoặc dọa kiểm điểm, dọa cách chức. Cứ bắt mọi người phải nói, phải viết theo ý của người khác chứ không phải ý kiến của chính mình, nhất là phải thuộc lòng ý kiến của lãnh đạo để không nói khác thì đó là cách quản lý rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển tư duy của cộng đồng xã hội. Với cách ấy thì chỉ người có chức quyền đến một mức độ nào đó mới được nói ý kiến của mình. Tất nhiên không ai muốn một môi trường loạn ngôn. Những người vu cáo, xuyên tạc, xúc phạm danh dự và tự do cá nhân của người khác thì phải bị xử lý. Còn ý kiến khác nhau thì có thể tranh luận công khai.
Cuối cùng là mong báo chí nước ta lành mạnh hơn. Nói điều này vì tôi thấy hiện nay, bên cạnh số đông những người làm báo có trách nhiệm với xã hội, đã có, đang có một bộ phận không ít những người viết báo tham gia các “nhóm lợi ích” tiêu cực, vì tiền mà viết để bao che, đánh bóng, hoặc “đâm thuê, chém mướn”, làm cho trắng đen lẫn lộn. Họ đã hành động gây hại cho xã hội và làm mất uy tín của báo chí.
PV: Theo ông, thời gian qua báo chí đã tham gia đấu tranh chống tham nhũng như thế nào?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Trong thời gian qua tôi thấy báo chí đã tham gia tích cực cuộc đấu tranh chống tham nhũng, đã phát hiện nhiều vụ việc, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, kể cả những vụ lớn, liên quan đến cán bộ có chức to. Báo chí phát hiện nhiều hơn hẳn so với sinh hoạt đảng và công việc của các cơ quan chức năng. Đó là sự tiến bộ của báo chí cũng như công tác chỉ đạo báo chí, mặc dù chưa phải đã đủ nhiều so với yêu cầu phản ánh về tình hình tham nhũng. Nếu báo chí không đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng, tiêu cực thì cũng có nghĩa là cơ thể xã hội đã mất sức đề kháng, một loại bệnh chết người rất nguy hiểm. Mấy năm gần đây, sau Đại hội XII của Đảng, Bộ Chính trị, Chính phủ và Quốc hội đã chỉ đạo mạnh mẽ và kiên quyết hơn đối với công tác chống tham nhũng, so với vài ba nhiệm kỳ trước. Rất nhiều cán bộ đảng viên và nhân dân đồng tình, hoan nghênh. Tuy nhiên công việc cũng mới là bước đầu, còn phải làm nhiều hơn nữa. Báo chí cần tích cực tham gia để góp phần làm lành mạnh hóa hệ thống chính trị và chấn hưng văn hóa nước nhà.
PV:Cần có những đổi mới gì về chính sách và pháp luật để báo chí hoạt động, tác nghiệp được thuận lợi hơn, thưa ông?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ rất cần thiết phải có nhiều bổ sung, điều chỉnh, đổi mới về cơ chế chính sách và các quy định pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo tác nghiệp, tiếp cận thông tin và được bảo vệ an toàn trong quá trình tham gia đấu tranh chống tiêu cực. Các cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chính trong công việc này. Rất tiếc là cũng có các trường hợp nhà báo bị tấn công do họ đấu tranh chống tiêu cực, nhưng không được bảo vệ, thậm chí là cố ý làm ngơ.
Một mặt, như đã nói, cần tăng cường vai trò của các cơ quan nhà nước; mặt khác, những người làm báo và các cấp hội nhà báo phải có trách nhiệm đầy đủ hơn với đồng nghiệp, phải biết cùng nhau bảo vệ các nhà báo đã dũng cảm trong công việc chống tham nhũng, tiêu cực, cùng nhau lên tiếng mạnh mẽ hơn, kiên trì hơn, tạo ra dư luận xã hội lớn hơn, đòi xử lý những người hành hung hoặc trù dập các nhà báo, lên án những người bao che cho các hành vi ấy. Đó là việc chính đáng, vì sự công bằng và lẽ phải.
PV:Đã có không ít cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích của mình, dẫn đến cơ quan quản lý Nhà nước yêu cầu chấn chỉnh. Ông có bình luận gì về việc này?
Ông Vũ Ngọc Hoàng: Mỗi tờ báo phải thực hiện đúng tôn chỉ mục đích là việc bình thường và cần thiết. Cơ quan quản lý vĩ mô người ta căn cứ vào tôn chỉ mục đích để quản lý thì không có gì là không bình thường. Còn nếu xét thấy cần thiết và do yêu cầu khách quan thì cơ quan báo chí xin bổ sung, điều chỉnh các nội dung về tôn chỉ mục đích.
PV:Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
HOÀNG THI (thực hiện)