Mong mỏi của nạn nhân da cam

VĂN VIỆT 10/08/2018 02:26

(QNO) - Nỗi đau da cam luôn âm ỉ. Từ sâu thẳm, những nạn nhân chất chứa nỗi niềm được sẻ chia để vươn lên với đời...

Vợ chồng ông Phạm Hồng Chinh bên căn nhà cũ kỹ. Ảnh: VĂN VIỆT
Vợ chồng ông Phạm Hồng Chinh bên căn nhà cũ kỹ. Ảnh: VĂN VIỆT

1. Ông Trần Xuân Hợi quê ở Hà Nam, năm 1967 ông lên đường nhập ngũ ở Tỉnh đội Quảng Nam. Năm 1983 ông ra quân và quyết định sinh sống tại mảnh đất Quảng Nam, hiện trú tại phường Phước Hòa (TP.Tam Kỳ). Xuất ngũ với chế độ bệnh binh và đau ốm triền miên, một ngày ông đi khám và được bác sĩ thông báo bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) thế hệ 1.

Sau hơn 30 năm xuất ngũ, các biến chứng của CĐDC gần như phá nát cơ thể ông. Ngoài bệnh suy thận, ông đang một lúc phải chịu những căn bệnh hiểm nghèo như viêm phổi, tiểu đường, huyết áp cao, đục thủy tinh thể... Những khoản tiền trợ cấp xã hội không đủ để lo thuốc thang cho bản thân ông. Bệnh suy thận ngày càng nặng, đều đặn mỗi tuần 3 lần ông đến bệnh viện để chạy thận.

"Nay mắt của ông ấy đã mù, không nhìn thấy được ai. Tình hình sức khỏe ngày càng yếu nên bệnh suy thận cũng không thể mổ được, bác sĩ khuyên nếu bây giờ mổ, máu sẽ không đông có thể dẫn đến tử vong" - bà Lê Thị Hồng Vân, vợ ông Hợi cho biết.

Hiện vợ chồng ông Hợi lủi thủi sống nương tựa vào nhau, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Ông Trần Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC phường Phước Hòa chia sẻ: "Mong muốn lớn nhất của ông Hợi lúc này là được hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để chữa bệnh. Mỗi tháng ông chỉ được hưởng chế độ bệnh binh, số tiền đó chẳng thấm vào đâu với những sinh hoạt hằng ngày và thuốc thang cho ông".

2. Ngôi nhà của gia đình ông Phạm Hồng Chinh ở thôn Tân Vinh, xã Tam Vinh (Phú Ninh) tuềnh toàng, xuống cấp nghiêm trọng. Trò chuyện với chúng tôi, gia đình ông mong đượ hỗ trợ để xây lại căn nhà mới, có nơi che mưa che nắng ổn định.

Ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh cho biết, toàn tỉnh hiện có 5.999 nạn nhân bị nhiễm và phơi nhiễm CĐDC; trong đó có 1.702 nạn nhân thế hệ 2, ngoài ra còn có 366 trường hợp thế hệ 3 chưa được nhận trợ cấp xã hội.

Trong 6 tháng đầu năm 2018, hội chi hơn 4 tỷ đồng để chăm sóc và hỗ trợ các nạn nhân CĐDC. Nhân dịp 57 năm Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam (10.8.1961 - 10.8.2018), hội đã tặng 2 nhà tình nghĩa, 10 xe lăn và nhiều phần quà đến với các nạn nhân.

Ông Chinh sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng. Cũng như bao thanh niên khác, ông khoác ba lô lên đường nhập ngũ; đến khi ra quân thì bị nhiễm CĐDC mà không hề hay biết. Say này khi đi khám, giám định thì sức khỏe đã bị suy giảm đến 50%. Ông bị bại liệt cả 2 chân, chỉ nằm một chỗ, những lúc cố lắm ông cũng chỉ đi được vài ba bước chân là ngồi xuống. Đến nay sức khỏe ông ngày càng giảm sút, mắc bệnh đãng trí không làm chủ được hành động của bản thân.

Bà Trương Thị Có - vợ ông Chinh tâm sự: "Bây giờ muốn đi đâu phải có người dẫn đi, chứ không là ổng té ngay. Từ khi ổng bị bệnh đến nay, tôi không dám đi làm xa. Hoàn cảnh gia đình đã khổ, nay càng khổ hơn".

3. Đến bây giờ, chị Đinh Thị Thùy Dương (thôn An Mỹ 2, xã Tam An, Phú Ninh) vẫn không thể tin được nỗi đau của chiến tranh lại dai dẳng đến vậy mỗi khi nhìn 2 đứa con gái của mình. Trò chuyện với chúng tôi, chị cho biết gia đình có 3 đời bị ảnh hưởng bởi CĐDC, 2 con là Võ Mai Phương Thùy và Võ Ngọc Như Linh là nạn nhân CĐDC thế hệ 3.

Hai con của chị bây giờ đều bị bại não, không đi được, suốt ngày la khóc, thỉnh thoảng giật giật lên cơn động kinh. "Sinh con ra hạnh phúc nhất là được nghe con gọi tên mình, nhưng đến giờ 2 đứa nó cứ vật vờ, quậy khóc. Nỗi đau chiến tranh thực sự quá khủng khiếp đối với gia đình tôi" - chị Dương rơm rớm nước mắt.

Hoàn cảnh gia đình chị Dương bây giờ rất khó khăn, chị chỉ mong sao có được khoản tiền nho nhỏ đưa 2 con đi chữa khớp chân để 2 đứa có thể tự đi được trên đôi chân của mình.

VĂN VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mong mỏi của nạn nhân da cam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO