Ông ta đến ngồi cạnh tôi và nói:
- Con tau đó hả bay?
Ông ta say hay giả vờ say, tôi cũng chẳng biết nữa. Hôm nay là đám cưới con gái lớn ông ta. Tôi là khách được mời đến. Bàn tôi ngồi chỉ toàn bạn bè “bằng vai phải lứa” hoặc lớn hay nhỏ hơn tôi vài tuổi. Có người cười nhạo câu nói vu vơ ấy. Ông ta nói vô tình hay cố ý thì chẳng ai mà biết được. Tôi hỏi người bạn ngồi bên cạnh:
- Anh có nghe ổng nói gì không?
Anh gật đầu nhìn tôi ái ngại.
Tiếng nhạc vẫn cứ xập xình, tiếng anh chàng quản trò vẫn cứ oang oang lấn át tiếng mọi người cười nói. Tôi im lặng khi ông ta vẫn ngồi đấy. Tôi không đủ dũng cảm để nhìn vào mắt ông ta, dù rằng tôi chưa một lần được nhìn vào đôi mắt ấy. Sống mũi tôi cay cay, tôi cố che giấu, cười gượng với mọi người. Cái sự gượng gạo ấy, không che lấp được vài giọt nước mắt chảy ra. Cái cảm xúc khó tả khi lần đầu tiên tôi nghe từ “con” từ miệng người cha đẻ mình thốt ra. Mặc dù đã hai mươi ba tuổi nhưng tôi vẫn như trẻ con vậy. Đôi khi con người ta là vậy. Tôi cố trấn tĩnh mình song cứ nghĩ đến từ “con” thì không thể nào chịu đựng được. “Không biết khi buông câu nói đó, ông ta có nghĩ đến cảm xúc của tôi không nhỉ?” - Tôi nghĩ vậy - “Ôi cái suy nghĩ chết tiệt, nó khiến tôi sắp khóc, dù tôi không muốn vậy mà”. Không thể chịu đựng được nữa, tôi chạy ra ngoài nức nở. Mấy người bạn cứ nghĩ tôi ăn phải ớt cay. Chẳng ai hiểu được cảm giác của tôi lúc đó? Cũng chẳng ai hiểu được vì sao tôi khóc. Cái cảm giác vừa buồn tủi vừa hạnh phúc khi lần đầu tiên nghe cha đẻ của mình giả vờ nói một câu vu vơ trong lúc say rượu.
Chuyện xảy ra cũng đã từ rất lâu rồi, khi tôi còn chưa được sinh ra. Tôi là kết quả của chuyện tình dang dở giữa mẹ tôi và ông ta. Cái thời ấy người ta còn sống với những hủ tục lạc hậu. Mẹ tôi tuy không đẹp nhưng có nước da trắng, khuôn mặt dễ nhìn. Còn ông ta đi lính. Hai người ở hai thôn gần kề nhau. Khi ông ta đi lính về, chuẩn bị hỏi cưới mẹ tôi, không ngờ gia đình ông ta lại phản đối. Họ chê mẹ tôi xấu xí, lùn tịt, con nhà nghèo. Rồi họ cưới cho ông ta một cô vợ khác, một người mà họ cho là hoàn hảo. Chuyện tình giữa ông ta và mẹ tôi thế là xong. Họ thích thì đồng ý, không thì thôi. Tội nghiệp cho mẹ tôi, bà phải chịu đựng nỗi đau đớn, tủi nhục để sinh ra tôi. Sau này, người ta sáp nhập thôn, ông ta và mẹ tôi sống cùng thôn. Ổng ở xóm trên, mẹ tôi ở xóm dưới. “Không biết những lúc họp thôn hay thực hiện các hoạt động ở địa phương, ổng nhìn mẹ mình như thế nào nhỉ? Không biết ổng nghĩ gì về mình? Có bao giờ trong thâm tâm ổng nhận mình là con không?”. Tôi vẫn thường đặt ra những câu hỏi ngớ ngẩn ấy để rồi tự mình trằn trọc mãi vẫn không tìm được câu trả lời. Cái cảnh đời vẫn cứ trêu ngươi con người, ổng không nhận tôi thế mà tôi lại giống ổng như đúc. Giống đến cả tính tình, giọng nói.
Đối với tôi, ông ta chưa một lần dám nhìn vào mặt tôi, hễ thoáng thấy bóng tôi là ổng quay đi chỗ khác, trừ lúc tôi còn nhỏ, chưa biết gì. Tôi nhớ ngày xưa, khi tôi còn rất nhỏ, ổng có mua cho tôi mấy cây cà rem. Không hiểu vì sao tôi cầm lấy rồi vứt đi. Vì ghét hay vì cái gì thì tôi cũng chẳng biết nữa. Hay có cái gì đó mách bảo tôi phải xa lánh ông ta. Tôi không hiểu và cũng chẳng muốn hiểu. Và tôi cũng chẳng biết ông ta nghĩ gì nữa. Lúc đó tôi không cảm nhận được. Tôi vẫn cứ ngỗ nghịch như những đứa trẻ khác.
Rồi mẹ tôi cũng có chồng, tôi sống với dượng và mẹ. Tôi cũng có những đứa em. Cái cảnh bữa ăn, bữa nhịn đã khiến dượng tôi trở nên cáu gắt, đặc biệt là khi có mặt tôi. Không biết vì ghét tôi hay ghét mẹ mà lúc nào dượng cũng “dành phần” cho mẹ tôi tất bật quanh năm với rẫy lúa, rẫy bắp. Mỗi khi đi làm về, lúc nào mẹ cũng gùi một bó củi thật to, hay những rau ranh, rau má, con ốc, con cua... Nhìn dáng đi yếu ớt, gầy nhom của mẹ, tôi thấy tim mình như thắt lại.
Cuộc sống cứ thế trôi qua, tôi cũng lớn dần. Nhớ lúc tôi học lớp 4 hay lớp 5 gì đó, trong một lần xuống quán tạp hóa, tình cờ tôi gặp ông ta. Hai người đối diện nhau. Không biết ông ta có nghĩ gì không nhưng trong lòng tôi có những cảm xúc rất khó tả. Mấy người có mặt ở quán cười nói:
- Con ông kìa! Răng làm lơ luôn rứa?
Ông cười nói như không có chuyện gì. Còn tôi, tôi cảm thấy khó chịu với những lời nói ấy. Tôi ghét phải chạm mặt với ông ta. Tôi không bao giờ muốn nhìn thấy ông ta ở bất kỳ ở đâu.
Tôi chưa bao giờ được bàn tay của người cha chăm sóc, và tôi cũng không hiểu được cảm giác ấy thế nào nữa, đến cả bây giờ. Đôi lúc nhìn con bạn ở gần nhà được ba dẫn về nội, về ngoại, tôi thèm lắm. “Ước gì mình cũng có nội như vậy. Nếu có nội, chắc nội sẽ yêu thương mình lắm đây? Mình sẽ ở với nội cả ngày như mình đã ở với ngoại. Cái cảm giác được nội chăm ẵm chắc hạnh phúc lắm nhỉ” - tôi bâng khuâng suy nghĩ - “Còn ba, giá như mình cũng có ba thì chắc mình cũng đỡ tủi. Sẽ không còn ai dám trêu chọc mình nữa. Mình sẽ có ba để khoe với cái Tý nhà bên, với mọi người, sẽ không còn ai chọc mình là đồ không cha, là đứa con ngoài giá thú nữa. Và thằng Bin nghịch ngợm cũng không dám bắt nạt mình nữa. Mình cũng sẽ được nũng nịu như những đứa khác, rồi được ba dỗ dành, an ủi. Rồi những lúc ba đi xa về, mình cũng được sà vào lòng ba reo lên:
- A! Ba đã về! Con ở nhà ngoan lắm, ba có mua quà cho con không?
Rồi ba bồng tôi lên và nói:
- Con gái ngoan của ba! Ba mua cho con búp bê nè...”.
Ôi, đó chỉ là ước mơ xa vời do tôi tưởng tượng mà thôi. Tôi biết nó chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Mẹ tôi cũng chưa bao giờ biết được những suy nghĩ ấy, chắc bà vẫn thường nghĩ rằng, tôi là một người mạnh mẽ. Trước mặt bà, tôi vẫn thường tỏ ra là người mạnh mẽ. Tôi không muốn bà buồn phiền về tôi. Cuộc đời bà đã khổ quá nhiều rồi. Những đắng cay tủi cực đều đổ lên đầu bà, đều dồn lên trên đôi vai gầy nhom của bà. Lúc nhỏ, khi bị bạn bè trêu chọc, tôi thường chạy về nhà tìm bà và nức nở. Bà dỗ dành tôi, xoa xoa đầu tôi. Thế là tôi nín. Khi dần lớn lên, tôi biết rằng, lúc đó bà không còn nước mắt để khóc, nước mắt của bà đã chảy ngược vào trong. Và cũng từ đó tôi quyết tâm làm một người mạnh mẽ.
Năm tháng lặng lẽ trôi qua... Tôi đã trưởng thành. Những ký ức về tuổi thơ không có cha đã lùi xa vào dĩ vãng. Tôi cứ ngỡ rằng tôi sẽ chẳng bao giờ nhìn mặt ông, vậy mà tôi đã bật khóc với lời nói vu vơ ấy, khi đi dự đám cưới con gái lớn của ông. Với người khác, hẵng rằng, đó chỉ là câu bông đùa nhưng với tôi, đó là cả một niềm hạnh phúc. Bởi tôi đã bao nhiêu năm mong ngóng tình cha. Và tôi vẫn thầm cảm ơn ông đã thốt ra câu ấy, dù rằng đó chỉ là lời nói vu vơ trong lúc ông không tỉnh táo...
NGUYỄN THỊ ĐƯƠNG