Mộng nhà

HUỲNH SA CHANG 19/12/2021 07:33

Đồng đứng ngoài vườn đốt thuốc lá cả buổi chiều. Phải trước kia chắc Mười càm ràm, giờ bà chỉ ngồi trong ghế mây trên thềm cửa thở dài.

Ở chỗ Mười có nguyên tắc “ba không” rất rõ ràng, không hút thuốc lá, miễn tụ tập rượu bia, karaoke xập xình thì thôi hè. Nhiều người đã tới rồi rời đi với một cái bĩu môi: “Thu tiền hàng tháng cũng chảnh ghê”. Ừ, tau chảnh, Mười cười phớ lớ, khu này là chỗ sum vầy, nghỉ ngơi. Mà, có thiệt vậy không, một bữa Mười thình lình thổ lộ với Đồng rằng bà bắt đầu hoài nghi cái không gian mình tạo dựng, rốt cuộc cũng chỉ là nơi trú tạm của những cuộc đời tha hương thôi chớ chẳng phải nhà. “Cái chi kèm “giống như” phía trước đồng nghĩa không phải”, Mười chép miệng, môi hơi hé cười sao nghe buồn gì đâu. Mười dễ khiến đối phương xấu hổ bởi những câu quở trách thẳng thắn quá mức hoặc giận lên chửi tắt bếp không nể nang ai. Quen biết lâu, Đồng lại đâm ra quý người đàn bà này, dần coi Mười như người mẹ thứ hai nơi đất khách. Đồng thuê phòng trong khu trọ của Mười đã chín năm, giá một triệu ba mỗi tháng, có thể coi là rất rẻ, chưa kể, suốt từ mùa hè cho tới giờ đã Chạp, bà từ chối nhận tiền trọ. Bữa tháng Bảy, toàn thành phố chìm trong màn sương u ám dịch bệnh Covid. Mười hối Đồng chở ra chợ đầu mối mua một xe rau củ quả, ghé vựa gạo xốc vác nửa tấn chia hết thảy ba lăm phòng. Đồng ái ngại, kêu để con phụ Mười ít tiền, bà xua tay: “Tau chưa đói được đâu, bây gọi coi tình hình ba má, ngoài quê cũng căng à”. Đồng khựng lại một lúc lâu. Anh đã bỏ làng đi chín năm chưa về.

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

 Đồng ít điện thoại, mỗi khi gọi, má thường hỏi những câu đã mòn kiểu ăn cơm chưa con, làm ít thôi con hỉ, bây gửi tiền về chi mà... Đồng ước má nổi trận lôi đình la chửi om sòm như ba lần nọ đay nghiến, “Đi luôn cho khuất mắt” hẳn lòng anh sẽ nhẹ nhõm. Nhưng, qua bao nhiêu bận đất trời gió mưa nặng nhẹ, má Đồng vẫn vậy, ân cần và nhẫn nại chờ đợi tới độ anh phát bực giãy nảy, “Vì má hiền nên người ta được nước cưỡi lên đầu lên cổ rứa đó”.

Mà, “người ta” đây là ba Đồng mới chết.

“Coi chừng té”, Rin lon ton phía trước, Mười lập bập theo sau. Thằng nhỏ hơn ba tuổi đầu, thấy Đồng đâu là chạy tới nắm ống quần anh cười. “Ủa, quen biết chi mà bu tui hè”, trước khi bế thốc cu nhóc lên, Đồng chà xát hai tay vô vạt áo, sợ ám mùi thuốc lá làm Rin khó chịu khịt mũi khóc. Anh giả lả trước ánh nhìn trách móc của Mười, “Điếu cuối cùng, con bỏ luôn”. Đồng lái xe tải giao hàng trong thành phố. Giữa quãng nghỉ những chuyến bốc dỡ hàng, thuốc lá và men say trở thành bạn của tài xế, thói thường mọi người đều tin vậy. Đồng không rượu bia, anh ghét chuyện này tựa hồ dị ứng.

 Phả ra kèm theo hơi rượu luôn là đoạn càu nhàu. Hồi còn nhỏ, Đồng chưa hiểu, anh chỉ sợ ba đánh má. Như bác Chân, hễ xỉn thể nào cũng rượt vợ chạy trối chết. Vậy mà không, ba chưa lần nào đạp chân vung tay, thành thử Đồng càng thêm nơm nớp, sợ hy vọng vừa mon men tượng hình, đổ vỡ đã nhen nhóm trước. Đồng không hiểu ba nghĩ gì vào những lúc say, và má nữa, mỗi khi sấp ngửa chạy kiếm mấy trái cà chua chín dằm muối cho chồng giải rượu bà buồn biết mấy. Men đắng cay suy cho cùng cũng chỉ chếnh choáng trong khoảnh khắc, mấy chuyện xảy ra sau đó mới đứt ruột đứt gan.

Ba Đồng với bác Chân là con chú con bác, lớn lên ở làng, nghe đâu ngày trai trẻ như hình với bóng. Làng chỉ tròm trèm bảy chục nóc nhà, chẳng mấy khi có chuyện hục hặc. Đùng một cái, bác Chân vác đơn kiện ba Đồng giành đất. Tưởng sẽ rộn lên ha hả cười đùa huề vốn, “Ông nớ rảnh kinh, ai giành chi”, đâu ngờ ba Đồng phán xanh rờn, “Thì kiện, tui theo”. Mới nghe qua, má kêu trời, chi lạ rứa anh, sau rốt bà mần thinh chịu trận. Từ độ Đồng chín tuổi cho tới năm hai mốt là những cơn sóng ngầm không dứt. Huyện lên tỉnh, tỉnh trả về huyện, lăm le đòi ra trung ương kiện tới bến, dông dài vì mấy sào đất rẫy. Mang tiếng thân tình mà thấy nhau là bước một nước dửng dưng. Đám giỗ, đám cưới, chạp mả bà con tề tựu, ly trước ly sau đã lại nghe lôi đất ra táng tai nhau ầm ầm. Đồng mệt, anh Hai chán nản, can: “Thôi ba, mình sống ri cũng ổn rồi, người nhà hết mà, xóm làng cười cho”. Ba nạt anh em Đồng con nít chưa hiểu chuyện, “Mấy sào nớ chính thân tau đêm ngày vỡ ra từ đá, muốn giựt mà được hả?”. Lâu thiệt lâu, má thận trọng chèn một câu, “Bác Chân có phụ anh”. Ba lè phè, “Ổng thì nhằm nhò chi”. Quanh đi quẩn lại một từ “đất” mệt nhoài.

 Mỗi bận chếnh choáng nếu quên phứt vụ đất, ba sẽ loạng choạng tìm ra bến sông. Làng xì xào ba Đồng chờ người về từ bến khác. Năm mười ba tuổi, Đồng trộm nghĩ, có khi ba sắp bỏ nhà theo một người đàn bà không phải má. Ý nghĩ ấy khiến Đồng ấm ức miệt mài. Thêm năm năm nữa, Đồng biết “người bến khác” là cô Thắm làng trên. Thời trẻ, ba Đồng trộm thương cô Thắm, khổ cái hoa này thuộc diện “có chủ” ngay khi chưa kịp chào đời đã được hứa gả cho bác Chân. Môi Đồng méo xệch, à, chung quy ngọn nguồn là bởi vì yêu. Thì thôi, để người lớn tự giày vò nhau, Đồng đi, dứt khoát. Nhà không loảng xoảng soong nồi, bốp chát mà tan nát cứ lớn dần từ bên trong. Anh Hai cưới vợ, đưa nhau ra Hội An, chồng chạy taxi, vợ mở quán mỳ, gần xịt cũng hiếm khi về nhà, còn Đồng vô hẳn miền Nam. Đối với Đồng mà nói, cuộc đi này mang tính chạy trốn hơn là tìm kế sinh nhai. Ở quê coi vậy chớ thiếu chi việc cho mình, miễn đừng nhác.

Đồng từng nghĩ nhứt định phải có cái nhà thành phố, sống luôn trong đây cho đỡ tức ngực. Quyết tâm được rèn giũa thêm từ dạo Đồng gặp gia đình Quế. Họ dọn tới phòng đối diện trong khu trọ. Quế luôn bày lên gương mặt nỗi niềm tha thiết, “Phải chi tui cũng có quê để về như anh”. Hỏi, chớ quê ở đâu lận, Quế lắc đầu, “Tui biết chết liền”.

 Quế đã thôi chồng trước ngày cu Rin chào đời. Mười tặc lưỡi, con nhỏ số khổ, lấy phải cái thằng đỏ đen không dứt. Sẵn máu đó rồi thì bê tha rượu chè, đấm đá mấy hồi, “Má con nó trọ chỗ chị Bảy tau. Ly hôn xong thằng kia vẫn cứ tìm tới hỏi xin tiền, mạt sát rát lỗ tai. Tau biểu qua bên đây ở. Khúc sau mi biết rồi. Hắn vác mặt tới là tau la làng rồi báo công an, mấy lần thì chừa. Ngày con nhỏ lên bàn sinh, thằng nớ bị bắt quả tang đang sát phạt trong rừng cao su”. Vốn dĩ thời gian đầu Đồng cũng chỉ là người nghe kể chuyện. Anh thường chở hàng từ sáng tới tối mịt mới về phòng nằm vật ra ngủ, người khu trọ sống ra sao, Đồng kệ. Bữa Chủ nhật cách nay ba năm, má Quế khẽ khàng gõ cửa chìa cho Đồng rổ bánh ít lá gai, nói thấy ngoài chợ bán lá xanh mướt ngon quá mua về giã gói bánh ăn chơi. Từ trong dáng hình còm cõi nhiều phần lạnh lùng, người tinh ý sẽ nhận ra gốc gác má Quế. Đồng nghĩ ngợi, mường tượng phần đời đã qua của bà hẳn là xấc bấc đục trong, song anh không để lộ ra.

“Thấy con Quế bần thần miết, tau lo quá bây”, Mười đưa tay vuốt mái tóc muối tiêu mỏng tang, hành động chỉ dấu bất an, trong lúc cùng Đồng và cu Rin trở vô dãy phòng. Đã qua ba tháng nhà chức trách nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid, hàng quán náo nhiệt những nói cười, người xe nối dài bon bon trên đường, Quế vẫn chưa quay lại xưởng may. Bất chấp âm thanh chợ búa xô bồ, thỉnh thoảng, tiếng còi cứu thương còn ú óa nhức nhối tim người, trong phòng Quế là thinh lặng bao trùm. Lâu rồi, dằng dặc như cả đời người, Đồng không nghe Quế mở miệng lấy một câu. Lúc đầu, Quế còn tỉ tê với má bữa nay Rin ăn tới hai chén cháo ngon lành, có lẽ công ty sẽ không bớt xén lương thưởng tết, chừng nào làm được nhiều tiền con mua đất cất nhà cho má vui, về sau, cô im bặt. Má Quế đã dừng lại cuộc đời nhọc nhằn theo cái cách không thể chịu đựng nổi. Ngày má con Quế vô bệnh viện hồi sức điều trị Covid, bà nhắn cho Đồng dòng tin ngắn ngủn, “Má con nó, xin nhờ chú”. Đi hai, về một. Tro cốt má Quế được bộ đội đưa xuống. Ôm khư khư hũ sành màu xanh lá mạ trong lòng, Quế cất lời như mê sảng, “Cái đứa hai lượt mồ côi”.

Đầu hè vừa rồi, làng xáo xác truyền tin ba Đồng đột quỵ ngoài mé sông, may bác Chân phát hiện cứu kịp mới giữ được mạng. Đồng nín khe, cố nén mình đừng bật ra tiếng khóc. Cái đoạn đường thương của ba còn một khúc nữa mà ngày tuổi trẻ Đồng từ chối tìm hiểu. “Bận nớ quê mình lụt quá. Bác Chân với ba hè nhau nhổ sắn trên rẫy rồi lo kết bè chuối cứu hàng trăm người, nhưng cô Thắm thì biền biệt. Người nói đã ra biển, người quả quyết còn mắc lại đâu đó trên sông. Cuộc tìm dài vô vọng. Con biết không, cô Thắm gặp nạn là vì cố cứu đứa bạn thô vụng là má đây”, Đồng nghe má nấc nghẹn qua điện thoại.

Dịch Covid trùm lên thành phố, hàng rào sắt di động giăng mắc khắp nơi, chợ búa đóng cửa, lòng người xô dạt giữa lưng chừng cố bám trụ giấc mộng thị thành hay đánh liều leo xe máy trở về dưới mái nhà quê, Đồng nhận được thùng xốp lớn, bên trong xếp từ bó rau muống, chai dầu đậu phụng, ít tỏi ớt tới thịt heo ngâm nước mắm, hũ mít khô, chục bánh ít lá gai. Trên mặt thùng nguệch ngoạc, “Chân, làng Hà Phước. Gửi Thành Đồng, cháu tui, nhờ xe liên hệ giùm số điện thoại…”. Rồi bác Chân gọi cho Đồng, lần đầu tiên kể từ ngày anh mếu máo hét, “Bác là người xấu, có miếng đất cũng giành giựt làm ba con buồn xỉn miết”. Sau cả phút ngượng ngùng lúng túng, bác Chân đằng hắng: “Ba bây yếu rồi, ngày mô cũng quay quắt ngóng con cháu. Trở lại đi Đồng, cái rẫy bây về trồng khoai sắn hay keo chi đó. Rau cháo qua ngày, miễn là có nhau, con hỉ”.

Ngoài cửa phòng Quế, nắng chiều nhảy nhót trên hai chậu vạn thọ vàng rực. Mười mới bưng qua đặt ở đây. Má Quế thích loài hoa này, bà từng nói chừng cất được nhà sẽ trồng cả một vườn vạn thọ ngó cho đã. Thấy má bước ra cửa, Rin vỗ vỗ tay nheo mắt cười. Đối mặt Quế trước sự chứng kiến của Mười, Đồng hít một hơi sâu: “Má con em về quê với tui nghe”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Mộng nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO