Suất ăn trưa, bữa ăn chính của công nhân một xí nghiệp ở Đồng Nai, gồm một lát đậu khuôn chiên, vài cọng (chừng một lần gắp) rau muống xào, một ít canh dền tím lỏng bỏng nước, cơm và một ít xì dầu. Tấm hình chụp 5 ô bé xíu của khay đựng thức ăn đó sẽ ám ảnh bất cứ ai nhìn vào - cái mà người ta quen gọi là suất ăn công nghiệp. “Không ai can thiệp cho đến khi một công nhân tuyệt thực để phản đối bữa ăn thì công đoàn mới vào cuộc” (bạn tôi viết).
Chuyện này na ná bao nhiêu lần vào cuộc của công đoàn ở các xí nghiệp, khu công nghiệp (KCN) khác mà báo chí từng đưa tin khi có đình công, nghỉ việc tập thể. Vào cuộc - nhưng thực ra cũng chỉ dừng lại ở mức điều đình với giới chủ, kiến nghị cấp thẩm quyền giải quyết. Rất hiếm hoi công đoàn ở xí nghiệp, khu chế xuất, KCN có tiếng nói thực sự, quyền lực thực sự để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên của mình. Công nhân tự mình xoay xở lấy. Bởi đơn giản, công đoàn không độc lập mà do giới chủ quản lý.
Tại Quảng Nam, công nhân trong các KCN tập trung có khoảng 35.000 công nhân (KCN Điện Nam - Điện Ngọc khoảng 21.000 công nhân, KCN Tam Hiệp và Bắc Chu Lai khoảng 11.000 công nhân). Hiện tại, dự án nhà ở công nhân do các doanh nghiệp trong KCN đầu tư xây dựng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu. Phần lớn công nhân thuê nhà ở trọ gần khu vực sản xuất để sinh sống, tích lũy thu nhập mua nhà ở thương mại. Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đối chiếu với Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030; trong giai đoạn 2015 - 2017, nhà ở cho công nhân tại các KCN, khu kinh tế chỉ mới đạt tỷ lệ 2,49% so với chương trình.
Trên cả nước, dự kiến đến năm 2020, khoảng 3 triệu công nhân cần chỗ ở. Công nhân làm việc tại các KCN hiện sinh sống tại các dự án hoặc các khu nhà ở do cá nhân, hộ gia đình đầu tư, trong đó, chủ yếu là các khu nhà ở của các cá nhân, hộ gia đình. Lượng nhà ở phát triển theo dự án chỉ mới đáp ứng nhu cầu cho khoảng 28% số công nhân hiện nay.
Công nhân ăn chưa no, ở chưa yên thì làm sao “Công đoàn Việt Nam đồng hành với Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước” như mong muốn tại một diễn đàn đại diện cho tiếng nói của công nhân?
Tôi nhớ ông Agarwal (86 tuổi), nhà hoạt động môi trường của Ấn Độ chết hồi cuối tuần trước, sau 111 ngày tuyệt thực để phản đối việc Chính phủ không làm sạch sông Hằng - con sông dài 2.500km, là nguồn cung cấp nước cho 400 triệu người Ấn Độ. Sông Hằng ngày càng bị ô nhiễm bởi rác thải sinh hoạt và công nghiệp. Cái chết của ông được truyền thông rất nhiều nước trên thế giới đưa tin. Tôi không mong có ai đó trên đất nước mình phải lựa chọn tuyệt thực, lấy sinh mạng để đòi hỏi quyền lợi bản thân hoặc thực thi lý tưởng phụng sự. Ai đó chọn đấu tranh bằng tuyệt thực. Ai đó chọn phản kháng, giải tỏa uất ức bằng kiểu của “một chiếc giày”. Liệu có cách nào tác động nhanh, mạnh, trực diện và giải quyết rốt ráo mọi thứ hơn không?
C.B.L