Để từng bước nâng cao năng lực các mặt công tác, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, những năm qua, huyện Tây Giang tích cực thực hiện công tác luân chuyển cán bộ.
|
Cán bộ xã Lăng hướng dẫn kỹ thuật trồng, ươm giống sâm ba kích cho người dân. Ảnh: T.LÂM |
Luân chuyển để rèn luyện
“Để tăng cường năng lực, tạo sự cọ xát cho mỗi cán bộ, huyện Tây Giang đã thực hiện việc luân chuyển cán bộ từ xã về huyện và ngược lại, kể cả luân chuyển ngang. Đây là cách làm mang lại hiệu quả rất cao, bởi bản thân mỗi cán bộ sẽ có cơ hội tiếp thu những kiến thức mới. Đối với cán bộ luân chuyển về cơ sở, quan trọng nhất là gần dân hơn” - ông Bh’riu Liếc, Bí thư Huyện ủy huyện Tây Giang cho biết. Do đó, khi có chủ trương luân chuyển cán bộ về cơ sở giúp đồng bào nâng cao nhận thức, có những cải tiến kịp thời để phát triển kinh tế - xã hội, Tây Giang đã chủ động thực hiện một cách có hiệu quả. Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 15.10.2011 về công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí cán bộ giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020. Thực hiện nghị quyết, các cấp ủy đã làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2015 - 2020, trong đó quan tâm cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ và cán bộ xã. Trong nhiệm kỳ, huyện đã thực hiện luân chuyển, điều động 13 cán bộ huyện về xã, và ngược lại đã điều động 5 cán bộ xã về huyện, đồng thời luân chuyển ngang 47 trường hợp.
“Điểm nổi bật của việc luân chuyển cán bộ là loại trừ tâm lý ỷ lại, chây ỳ trong công tác. Mỗi cán bộ phải được thử sức trong những vai trò mới, công việc và trách nhiệm mới. Có như vậy mới giúp họ tiến bộ từng ngày. Quan trọng nhất chính là sự tương tác giữa huyện, cơ sở và người dân ngày càng được nâng cao. Điều cốt yếu trong chính sách này là để cán bộ gần dân hơn, sát dân hơn, từ đó có những cách làm tốt hơn giúp người dân thoát nghèo, hướng tới xây dựng nông thôn mới” - ông Bling Mia, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang nói.
Luân chuyển cán bộ từ huyện về xã và đưa cán bộ xã về “học việc” tại huyện là cách làm hợp lý, khoa học của huyện Tây Giang. Chính cách làm này đã tạo nên sự đột phá trong công tác cán bộ, cũng như trong nhiệm vụ giảm nghèo cho đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang. Điều đó được chứng minh qua việc tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm bình quân hàng năm hơn 5%. Nói thêm về điều này, Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bh’riu Liếc chia sẻ: “Khi được tăng cường về xã mà không làm tốt nhiệm vụ được giao thì ngay lập tức anh sẽ bị đào thải. Huyện sẵn sàng tăng thêm nguồn nhân lực từ các sinh viên ra trường để thay thế những người làm việc chây ỳ, không đúng trách nhiệm. Có như vậy mới buộc người cán bộ phải phát huy hết năng lực, sở trường để giúp dân”.
Hiệu quả thiết thực
“Cán bộ giờ làm quyết liệt lắm, chỉ cho mình nhiều cái hay, mang lại hiệu quả cao. Từ khi được cán bộ chỉ cho cách trồng bắp lai, làm lúa nước, dân mình không còn lo thiếu cái ăn. Họ trẻ, hiểu biết hơn mình, lại làm được việc nên dân làng ai cũng ưng cái bụng, phấn khởi và làm theo gương cán bộ”. (Già làng Bling Tía, thôn A Banh 1, xã Tr’Hy) |
Đầu năm 2014, ông Trần Công Ta - Trưởng trạm Kỹ thuật dịch vụ nông nghiệp huyện Tây Giang được luân chuyển về giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Tr’Hy, một trong 4 xã vùng cao khu 7. “Trên cương vị mới, việc đầu tiên mình làm là quy định và quán triệt thực hiện nghiêm giờ giấc làm việc của cán bộ xã, không được sử dụng rượu, bia trong giờ hành chính” - ông Ta nói. Bên cạnh đó, là một cán bộ am hiểu kỹ thuật nông nghiệp, ông đã từng bước tuyên truyền, thay đổi nhận thức của đồng bào trong việc chuyển đổi từ trồng lúa nương rẫy năng suất thấp sang trồng lúa nước hai vụ, trồng bắp lai theo hướng hàng hóa… “Để có được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, người cán bộ phải gương mẫu, nói đi đôi với làm, biết dựa vào dân, dựa vào sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ xã thường xuyên gần dân, sát dân, nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng đi đúng và triển khai đạt kết quả” - ông Ta nói.
Chủ trương luân chuyển cán bộ ở Tây Giang không những thay đổi tác phong làm việc, hình thành nhiều mô hình kinh tế phát triển mới mà còn là điều then chốt trong việc xây dựng nông thôn mới. Điển hình là xã A Nông, xã miền núi đầu tiên của tỉnh đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2014. Ở A Nông, có 3 cán bộ được tăng cường từ huyện về xã (1 giữ cương vị Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã và 2 Phó Chủ tịch UBND xã) đã phát huy khá tốt vai trò của mình. Ông ALăng Bao - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã A Nông cho biết: “Xác định được mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chúng tôi coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân hưởng ứng chủ trương, hiến công hiến của tham gia. Đó là việc làm hết sức quan trọng, có yếu tố quyết định trong việc A Nông xây dựng thành công nông thôn mới…”- ông Bao cho hay.
Tương tự, với kiến thức, sức trẻ và nhiệt huyết, những cán bộ luân chuyển về cơ sở như Alăng Bao (xã A Nông), Zơrâm Bê (xã Lăng)… đã bám sát địa bàn, cầm tay chỉ việc và giúp các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa nhất của huyện Tây Giang từng bước vươn lên phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Như Bí thư Đảng ủy xã Lăng - Zơrâm Bê, nguyên Trưởng phòng Tư pháp huyện, được luân chuyển về xã từ đầu năm 2015. Việc đầu tiên khi ông đảm nhiệm chức vụ mới chính là chỉnh đốn lại giờ giấc, sử dụng hiệu quả thời gian làm việc, thực hiện cải cách hành chính. Đặc biệt, ông triển khai cho đội ngũ cán bộ xã làm quen với máy vi tính, tiếp cận công nghệ thông tin, nhờ đó nâng cao hiệu quả công việc.
TUỆ LÂM