Nửa thế kỷ đã trôi qua. May có những dòng nhật ký của Chu Cẩm Phong, thư của Dương Thị Xuân Quý, giúp tôi nối mạch những thời đoạn của cái tết năm ấy, xuân Kỷ Dậu - 1969.
Ông Văn Công Mịch bạn chiến đấu của nhà văn Chu Cẩm Phong, đang kể lại phút cuối cùng anh hùng liệt sĩ Chu Cẩm Phong hy sinh. Ảnh: Quế Hà |
Tròn 50 năm!
Sau 3 loạt bom của F105 - không lực Hoa Kỳ, sáng 29.12.1968, anh Trần Văn Anh, phụ trách Báo Giải phóng Quảng Đà hy sinh, cơ quan báo dời từ thôn Một xã Điện Thái, vượt sông Thu Bồn, băng qua bãi bói, lui vào xã Xuyên Thanh. Leo lên hang đá ở chân núi Hòn Tàu để củng cố đội ngũ, rồi lại chuyển ra bãi bói ven sông Thu Bồn, Gò Nổi. Báo Giải phóng Quảng Đà lúc bấy giờ chỉ có mấy anh em: Nguyễn Đình An - người thay anh Trần Văn Anh và Hồ Hải Học, Hoàng Kim Tùng, Hoài Hà, Trần Mậu Tý (Triều Phương), Đoàn Xoa, Vũ Thành Lê, tôi - Hồ Duy Lệ. Chuẩn bị đón Tết Kỷ Dậu 1969, cơ quan phân tôi đi công tác Hội An. Bấy giờ, hai xã Xuyên Thọ và Bình Dương là địa bàn đứng chân, còn gọi là ‘‘phía sau’’ của Hội An.
Thứ Tư, ngày 5.2.1969, Chu Cẩm Phong ghi trong nhật ký: ‘‘Triều Phương, Đoàn Xoa, Hồ Duy Lệ đến chơi. Lệ là bạn học của mình từ năm lớp 4, lớp 5. Ở lại trong này, Lệ tiếp tục đi học và tham gia phong trào học sinh sinh viên. Đang học trường Luật thì bị bắt (1965), giam ở Đà Nẵng rồi đưa ra nhà lao Thừa Phủ. Hôm Tết Mậu Thân, giải phóng nhà lao, ra làm công tác sinh viên, đến kho vũ khí, thích cạc bin quá, vác một khẩu súng và lái xe ríp đi cùng. Sau sang làm công tác địch vận. Về trong này tổ chức đưa sang công tác ở Báo Giải phóng Quảng Đà. Gặp lại Lệ mình xúc động, nhớ những ngày thơ ấu…’’.
Đúng 14 năm, kể từ ngày học lớp 4 ở Hưng Mỹ rồi học lớp 5 - lớp học ở Rừng Bồng xã Bình Tú, huyện Thăng Bình - lớp 5 học chưa được hai tháng thì xảy ra vụ chợ Được ngày 4.9.1954, quân tiếp quản đến giải tán, vậy là chúng tôi biền biệt nhau. Đến hôm anh Triều Phương rủ tôi đến ‘‘gặp một người bạn học từ thuở bé’’ thì tôi mới biết Chu Cẩm Phong chính là Trần Tiến.
Đi kiếm... tết
Năm 1969, Mỹ leo nấc thang cao nhất của cuộc chiến tranh, đường mòn Hồ Chí Minh thì ngày đêm gánh B52, vùng giải phóng thì bom pháo tơi bời. Anh Triều Phương rủ tôi lên Tân Tây, tối qua đò lên Duy Ninh thăm bà con, tranh thủ mua bánh, kẹo, sữa, đường, không quên mua mỳ ông phật và cá hộp về ăn tết sớm.
Đường từ trên căn cứ về đến Bình Dương, chị Xuân Quý sốt liên tục, đi lại quá vất vả, Chu Cẩm Phong quyết định gửi chị Xuân Quý ở lại làm việc và ăn tết với anh chị em Ban Tuyên huấn Duy Xuyên - H2 K532. Hôm sau, Chu Cẩm Phong chia tay tôi. Anh Triều Phương đưa Chu Cẩm Phong ra trạm để về cơ quan Báo Giải phóng ở Gò Nổi… Những ngày giáp tết tôi ở với du kích và cán bộ Xuyên Châu.
Chiều Ba mươi Tết, tôi theo Đội công tác xuống đò qua Duy Ninh, băng qua cánh đồng Mỹ Long lên Mã Châu, gần sát quận lỵ Duy Xuyên. Khi anh em nói đến làng dệt Mã Châu rồi, tôi bồi hồi, ứa nước mắt, nhớ những ngày bên bà nội, hồi còn sống bà rất thương tôi... Trong lúc du kích bám đường, luôn có những chùm pháo sáng vút lên bầu trời soi sáng xung quanh, làng Mã Châu quê nội chìm trong tre, cau, mít và bóng đêm có kẻ rập rình… Đêm đó, anh em mang về nào bánh tét, bánh tổ, bánh ít lá gai, bánh in bột đậu xanh, bột nếp - loại bánh ngày xưa bà nội tôi làm cho con cháu ăn mỗi dịp tết về.
Chu Cẩm Phong ghi nhật ký: ‘‘Chủ nhật, ngày 16.2.1969: Mình, Nguyễn Đình An và Hải Học định xuống điểm tết ở Duy Ninh, nhưng không biết đường sá thế nào mà liên lạc không đến dẫn. Cả ngày máy bay trinh sát giữ rịt các trục đường… Thứ Hai, ngày 17.2.1969, địch nhận ngừng bắn 24 tiếng đồng hồ, nhưng hôm nay chúng đã bắn cấp tập các loại đại bác xuống bãi, pháo bi, pháo đào, pháo quét. Suốt ngày hôm nay bọn Hòn Bằng bắn rất dữ. May mà trước đó, trong đêm đón giao thừa ở Xuyên Thanh, mấy anh đã có chút tết: ‘‘Nấu cơm sáng ăn chưa xong thì địch xuống thôn Hai, Điện Hồng. Thế là mang soong chảo, cơm nước chạy... Sang Xuyên Thanh và tối nay tổ chức đón giao thừa dưới một cái hầm chìm làm toàn bằng tà vẹt đường xe lửa. Mình, Hải Học, Hoàng Kim Tùng, Nguyễn Đình An và mẹ của Thành, một số anh em nhân viên, Thọ và mấy chiến sĩ đơn vị Thành. Ăn sườn heo uống rượu, hút thuốc lá, đánh cờ tướng, nghe nhạc. Đến gần 2 giờ sáng”.
Cái tết cuối cùng của Xuân Quý
Chu Cẩm Phong không ngờ, khi đang ở Hòa Hải thì nhận thư của chị Xuân Quý viết ngày 2.3.1969: ‘‘Chiều 21.2.1969 (Mồng Năm Tết) thì tới Xuyên Hòa sau khi suýt chết vì tàu rà bắn rốc két, mặc dù tôi và cô giao liên đi hợp pháp...
Sáng 22.2, tôi đang mải làm việc với chị Hội trưởng Phụ nữ xã ở lại chỗ ngủ đêm trước thì Mỹ ập tới. Tôi lướt theo anh Bí thư chạy, chị Hội trưởng chạy không kịp, về hợp pháp. Chị Bí thư chi bộ thôn cũng về hợp pháp... Vì chạy càn với cán bộ nên tôi vẫn tranh thủ làm việc được; trong hoàn cảnh khó khăn đó, du kích và anh em ta vẫn hợp đồng chiến đấu đánh Kiểm Lâm rất tốt. May mắn tôi được có mặt… Phải chạy bom cũng mệt anh Tiến ạ. Ở đây suốt ngày tôi mặc áo ca rô hợp pháp và chạy miết. Không rúc công sự vì sợ nó chốt lâu. Bom: chạy. Mỹ: chạy và đi đâu cũng chạy ca nông. Mỹ vẫn ở Nổng Bà Tình và càn chốt ở Nổng Cào (trong xã) từ hôm tôi tới. Tuy vậy, tôi vẫn ra được sát đồn Kiểm Lâm, sang La Tháp và về Phú Lạc, thôn nằm hai bên đường Cái - Xuyên Hòa kiên cường lắm, tôi bắt gặp nhiều điều rất xúc động.
Tôi định không lên Xuyên Phú. Nhưng ta đánh An Hòa, như vậy mà mình ở cạnh, không lên thì vô lý quá. Tôi quyết định vượt lên Xuyên Phú. Ở Xuyên Phú địch phản ứng gay gắt hơn. Nó lội vào, vừa bắn cối, ĐK, ca nông xung quanh và tàu rà bắn rốc két. Tôi theo anh em chạy càn trong tình trạng đó. Cũng hoảng anh Tiến ạ. Nhưng vui tuyệt diệu. Xuyên Phú, Xuyên Hòa đánh mìn, đánh Mỹ đều giỏi. Rất giỏi. Hôm tôi vượt đường trở lại Xuyên Hòa, bị chốt ngay đường Cái. Hai bên là Mỹ, mình chạy giữa. Pháo sáng lại nằm rạp xuống cỏ. Chạy ngã lia lịa, nhưng dạo này tôi khỏe, nên không mệt gì anh Tiến ạ.
Tôi muốn viết một cái ký về Xuyên Phú, Xuyên Hòa đợt tiến công đầu xuân này và một cái ký về Xuyên Châu với con đường 104. Tôi đã hẹn viết cho Văn nghệ Duy Xuyên số 2...
Nhớ gửi thư cho tôi ngay, anh Tiến nhé’’.
Từ Hòa Hải, ngoại ô Đà Nẵng, Chu Cẩm Phong ghi nhật ký: ‘‘Thứ Bảy, ngày 22.3.1969. Nhận được thư Nguyễn Đình An báo tin: Dương Thị Xuân Quý đã hy sinh ngày 8.3, tại Xuyên Tân, bọn Nam Triều Tiên giết ở thôn 2, mất xác. Bàng hoàng cả người. Đau xót vô cùng, uất ức vô cùng. Quý đang hăng say và có nhiều triển vọng. Hàng ngũ văn nghệ đã hy sinh ở chiến trường này những đồng chí đáng yêu: Phương Thảo, Văn Cận, Nguyễn Trọng Định, Trần Văn Anh, Dương Thị Xuân Quý…’’.
*
* *
Cũng trên cung đường nối Tây - Trung - Đông huyện Duy Xuyên - vùng đất chị Xuân Quý đi qua, ngày 9.6.1970, anh Triều Phương hy sinh, mất xác ở thôn Ba xã Xuyên Tân. Hơn một năm sau, ngày 1.5.1971, Chu Cẩm Phong hy sinh trong công sự mật ở thôn Vinh Cường!
Chúng tôi - anh chị em văn nghệ sĩ đã đóng góp xây bia đá tại nơi căn hầm chị Xuân Quý và Chu Cẩm Phong ngã xuống. Nhớ ngày mất, nhớ ngày Thương binh liệt sĩ, và cứ mỗi dịp xuân về, anh chị em ai còn nhớ, lại mang hoa tươi, hương thơm về đây thăm. Mỗi lần về lại, thấy hoa còn tươi, hương khói thoang thoảng thơm, lòng bồi hồi, dâng tràn cảm xúc, mắt rưng rưng! Và, nhớ một mùa xuân, một cái tết - một cái tết dồn dập đau đớn, cảm xúc luôn dâng trào!
HỒ DUY LỆ