Một chuyện về sự "nông cạn hy sinh" (tiếp theo và hết)

Ký của PHẠM THÔNG 11/12/2014 08:54

  • Một chuyện về sự "nông cạn hy sinh"

Tới bờ bên kia, các chị quay lại thấy ông Đề và ông Khanh níu nhau “giã gạo”. Ông Đề đuối sức, ông Khanh chìm nghỉm. Chị Khiêm nói với chị Hoa: “Để đó tau”. Vừa nói chị vừa lao xuống bơi ra dìu ông Khanh vào bờ. Hú vía cho ông Khanh. Ông Đề thì cứng họng, không nói thêm lời nào. Chị Khiêm nảy ra ý dùng dây kéo hai người còn lại qua sông. Chị rút 6 đầu dây võng nối lại, bảo ông Đề và y tá Hoa giữ một đầu, còn chị bơi qua buộc đầu kia vào người chị Hiếu. Ông Đề và Hoa ra sức kéo, chị Khiêm bơi sau vừa dìu vừa giữ cho chị Hiếu nổi trên mặt nước. Đến lượt ông Hữu cũng làm y như vậy.

Tất cả đều qua sông an toàn. Thay đồ ướt xong, mọi người đến nhà ông Khôi ở gần địa đạo Kỳ Anh hỏi thăm tình hình. Biết đường êm, họ đi một mạch xuống Vĩnh Bình, Tân Thái, băng qua nổng cát đến Kim Đới, vượt sông Trường Giang về Biển Thủy. Đến nhà bà Phẩm - mẹ y tá Hoa đã 1 giờ khuya. Bà Phẩm thấy con gái về cùng với đồng đội mừng quýnh, chào hỏi rồi đi vo gạo nấu cơm. Bà biết họ đói lắm rồi, bởi qua đường dây là phải ăn từ chiều hôm trước.

Trời vừa hửng sáng, bà Phẩm đã giục mọi người: “Dậy nhanh tụi bay, tàu rà quần sớm, chắc địch càn”. Mọi người vừa xuống hầm trú ẩn thì pháo từ Núi Cấm, Tuần Dưỡng nã tới tấp vào Tỉnh Thủy. Dân làng thông báo cho nhau: xe tăng từ Ngọc Mỹ đã băng nổng cát đến Quý Thượng, chuẩn bị lội qua khúc cạn phía đuôi thôn Thanh Đông. Bà Phẩm dẫn 3 cán bộ thị xã gửi hầm bí mật một nhà khác. Các chị xuống hầm bí mật tại nhà. Hầm bí mật được đào ngay phía trước hầm trú ẩn. Xuống hầm trú ẩn, dỡ mấy viên đá ong ngay thành miệng rồi rúc ngược trở lại là vào hầm bí mật hai ngăn. Hầm bí mật bố trí kiểu đó là rất bất ngờ.

Ba chị nằm dưới hầm suốt cả buổi sáng. Bọn địch tới đứng ngay phía trên đầu mấy chị, chỉa súng vào hầm tránh pháo gọi bà Phẩm lên. Bọn chúng hỏi qua loa rồi bỏ đi. Một giờ chiều địch rút quân. Đêm đó bà Phẩm đi quyên mắm. Hai chị Kiêm, Hiếu không ngờ chỉ trong một đêm mà bà con làng Tỉnh Thủy góp mỗi nhà một ít đủ 3 thùng thiếc đầy.

Ba cán bộ thị xã làm xong nhiệm vụ bí mật chi đó của họ, 4 giờ chiều quay lại nhà bà Phẩm để cùng các chị lên đường dây. Lần này qua vùng địch chiếm mà lại cõng nặng trịch trên lưng thì thật là nguy hiểm. Nếu gặp địch phục, khó mà thoát. Vì thế từ sáng bà Phẩm đã liên hệ với ông Ba Tùng giao liên huyện dẫn đường. Ông Ba Tùng giỏi, cẩn trọng mà can đảm, đi với ổng thì quá chắc.

Ông Ba Tùng vẫn dẫn đoàn đi như đường cũ. Nhưng khi qua những chỗ địch hay phục, ông cho mọi người dừng lại, ngồi yên trong những bụi cây, một mình đi trinh sát rồi quay lại đưa đoàn đi. Ông lệnh cho mọi người đi phải hết sức êm, bám sát nhau, gùi thùng mắm thì phải lấy tay chèn lưng, không được xốc mạnh phát tiếng động chó sủa thì nguy to. Lần mò mãi, 3 giờ sáng các anh chị lên đến quán mỳ Bà Trương phía trong chợ Cẩm Khê. Cả nhóm ghé vào ăn người tô mỳ lấy sức. Các chị tạm biệt Ba Tùng và 3 cán bộ thị xã tại đây.

Trong cuộc kháng chiến, sự sống chết như sấp ngửa bàn tay. Những cuộc gặp nhau bất ngờ và chớp nhoáng chia ly như vậy đó nhưng đã để lại kỷ niệm vô cùng sâu sắc trong tâm trí mỗi người. Có thể đến cả đời không quên được. Bởi đó là sự gặp gỡ và chia ly trong những thời khắc quyết liệt nhất của đời người. Đó là những “cuộc chia ly màu đỏ”. Các anh chị chia tay nhau mà cũng có thể là chia tay lần cuối của một đời người. Trong số họ ngày mai, ngày kia biết ai còn ai mất. Họ chia tay trong rơm rớm nước mắt.

Về  tới Ngọc Tú đã 5 giờ sáng. Đặt gùi mắm phía sau vườn nhà bà Chủ, các chị liền chạy vào gửi mắm lại rồi tức tốc vào chân núi lôi 3 thùng thuốc cõng xốc về đơn vị, xong quay trở lại cõng 3 thùng mắm. Trong buổi sáng hôm đó các chị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bác sĩ Nguyễn Văn Lý cùng cả đơn vị ai cũng mừng đến rơi nước mắt. Bác Lý nói trong xúc động: “Ở nhà đợi tin các em, nhưng càng đợi càng vắng ngắt. Anh sợ các em đi ẩu, gặp địch ở Cây Đa cửa khẩu rồi. Anh lo quá. Thôi sắp xếp nghỉ một hôm, ngày mốt hãy đi làm”. Vừa nói ông vừa đi xuống nhà bếp bảo chị nuôi nấu cơm ưu tiên cho các chị. Ông phát hiện ở dưới bếp có ba thùng mắm còn khoác dây gùi, biết ngay đó là mắm mới mang về. Ông hỏi chị nuôi: “Mắm nào đây? Tôi có phân công ai đi lấy hàng đâu mà lại có đến 3 thùng thế này chị?”. Chị nuôi nhanh nhảu: “Mắm của đoàn cô Khiêm mang về đó bác. Mấy cô nói mắm lấy tận dưới Kỳ Anh về đấy”. Nghe chị nuôi nói, bác Lý bỗng dưng nghiêm nét mặt, bỏ quay về lán trại của mình, mời đồng chí chính trị viên, bí thư chi bộ bệnh xá lên hội ý gấp.

Tối hôm ấy chị Khiêm, chị Hiếu người còn mỏi nhừ sau 7 ngày sấp ngửa trên đường lập tức bị triệu tập họp chị bộ. Tưởng rằng các đồng chí trong chi bộ gọi gặp ăn kẹo nô-ga mừng cho hai chị trở về an toàn mà được một công đôi việc, ai ngờ họ kiểm điểm hai chị rát da: nào là vô ý thức tổ chức kỷ luật; nào là rủi mất 3 gùi thuốc thì sắp đến bệnh xá lấy chi mà phục vụ cả hàng trăm thương binh có thể đưa tới; có người nâng quan điểm cho rằng các chị có thể làm hỏng kế hoạch của cách mạng… Chao ôi họ tập trung ghè cho hai chị không thể mở miệng thanh minh. Cuối cùng, trước khi bí thư chi bộ kết luận, bác sĩ Lý phân tích: “Người ta nói tướng ra trận có quyền cải lệnh vua, tùy theo tình hình thực tế mà xử lý. Nhưng ở đây là các đồng chí đã xử lý quá sai rồi. Trong lúc anh em mình và thương bệnh binh đang thiếu thốn mọi bề thì mấy thùng mắm đó rất quý. Nhưng 3 gùi thuốc thì càng vô giá, vì nó là mạng sống của biết bao chiến sĩ, cán bộ; nó là sứ mệnh của 3 đồng chí lãnh trách. Bỏ 3 gùi thuốc để đi vùng đông lấy mắm là quá sai. Xét về động cơ hành sự là trong veo lý tưởng, nhưng cùng với đó là sự “nông cạn hy sinh”. Các đồng chí cần phải nghiêm túc kiểm điểm để rút kinh nghiệm cho cả đơn vị”.
Hai chị không còn đường chống chế, khóc như con nít vừa lau nước mắt vừa hứa tiếp thu sửa chữa. Về lại lán trại của mình, y tá Hoa hỏi: “Các chị có đem kẹo về cho em không?”. Chị Khiêm đang bực nộ cho: “Mi kê kích tụi tau đó hả. Bị kiểm điểm rát da, mi cứ đợi đó ngày mai chi đoàn sẽ kiểm điểm mi cho biết khôn”…

Việc rồi cũng qua đi, nhưng lời răn về sự “nông cạn hy sinh” của bác sĩ Nguyễn Văn Lý là một bài học kinh nghiệm sâu sắc mà các chị mang theo vào cuộc chiến cho tới ngày toàn thắng.

Ký của PHẠM THÔNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một chuyện về sự "nông cạn hy sinh" (tiếp theo và hết)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO