Trong khối công việc bộn bề để kịp hoàn thành Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ và in ấn tập kỷ yếu “Bệnh xá Bắc Tam Kỳ thời kháng chiến chống Mỹ” vào dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập đơn vị và chào mừng 40 năm nước nhà thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2015), cái khó nhất đối với bản thân tôi là việc đi tìm thân nhân các liệt sĩ. Danh sách 25 liệt sĩ và mất tích do Ban liên lạc Bệnh xá Bắc Tam Kỳ cung cấp chỉ có 3 đồng chí có họ tên và quê quán. Số còn lại chỉ có mỗi cái tên hoặc gọi theo thứ tự trong gia đình (ví dụ: anh Túy y sĩ, chị Xinh cấp dưỡng hoặc chị Sáu cấp dưỡng… ). Để tìm cho được một trường hợp như vậy, tôi phải lặn lội đến nhiều gia đình, nhiều địa phương trong cả xã, cả huyện và thậm chí cả 3 - 4 huyện, thành phố trong tỉnh hoặc phải tìm cách liên hệ ra các tỉnh khác…
Ấy thế mà có trường hợp tìm đến nơi rồi thì lại “chưa là liệt sĩ”. Đó là liệt sĩ Đỗ Thị Phiến (chị Sáu cấp dưỡng) của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ. Chị Sáu bị pháo địch hy sinh năm 1968 trong lúc về công tác tại thôn Ngọc Mỹ xã Kỳ Anh cũ, nay thuộc xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.
Các cán bộ của Bệnh xá Bắc Tam Kỳ - đồng đội của chị Đỗ Thị Phiến trong ngày gặp mặt kỷ niệm. Ảnh tư liệu |
Thân nhân chủ yếu của chị Sáu Phiến hiện không còn ai ở quê hương Ngọc Mỹ nữa. Cha mẹ đều mất. Người con trai út và duy nhất của gia đình thì sau ngày giải phóng đi “kinh tế mới” không may bị tai nạn - cây ngã đè chết ở Đắc Lắc. Các chị gái thì lấy chồng về xứ khác và bây giờ cũng già yếu lắm rồi. Chị Sáu hy sinh khi mới 24 tuổi, chưa kịp lập gia đình, không người thờ tự, không có chế độ hương khói. Các chị gái phải gửi chị Sáu cho ông anh họ - anh Đỗ Cạc, con ông bác đem về thờ. Mộ chị nằm chỗ đất trũng, bị nước ngập quanh năm mà gia đình không có điều kiện di dời, xây cất cho ổn định… Năm 2008, người chị cả tên là Đỗ Thị Nhung đã 80 tuổi mới tìm được bác sĩ Nguyễn Văn Lý - nguyên Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Đà Nẵng - thủ trưởng trực tiếp phân công chị Sáu về vùng Đông mua lương thực, thực phẩm lên phục vụ thương bệnh binh tại Bệnh xá Bắc Tam Kỳ. Bác sĩ Nguyễn Văn Lý - Bệnh xá trưởng và y tá Nguyễn Thị Nga (một trong 5 người cùng đi công tác một chuyến với chị Sáu) đã xác nhận rõ ràng. Gia đình tiến hành làm đơn gửi lên UBND xã Tam Phú lập hồ sơ trình cấp trên xem xét, nhưng cho mãi đến nay vẫn chưa được. Lý do vì sao thì người viết bài này chưa đi sâu tìm hiểu kỹ. Chỉ xin phản ánh cụ thể rằng trên bộ hồ sơ lưu tại UBND xã Tam Phú từ năm 2008 đến nay chỉ thấy một lần Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ trả lời vào năm 2009 rằng: hồ sơ liệt sĩ Đỗ Thị Phiến không thuộc diện giải quyết theo Công văn số 611/2008 của Bộ LĐ-TB&XH. Cũng từ đó, hết chị Đỗ Thị Nhung đến anh Đỗ Cạc thay nhau đến UBND xã Tam Phú rất nhiều lần để hỏi thăm tình hình và tiếp tục đề nghị giải quyết. Nhưng lần nào cũng được cán bộ phụ trách công tác thương binh liệt sĩ trả lời một câu rất giản đơn: “Hồ sơ đã gửi về trên nhưng chưa có kết quả”. Sáu năm dài ròng rã, cả gia đình, dòng tộc cứ chờ mãi, chờ mãi trong vô vọng. Ngao ngán quá, vừa rồi gia đình đến ủy ban xã xin nhận lại hồ sơ về sao lục theo mẫu mới (có công chứng) để trực tiếp trình lên trên. Ngày 18.5.2015, tôi cùng gia đình mang hồ sơ đến Phòng LĐ-TB&XH TP.Tam Kỳ thì được hướng dẫn: về xã xin nhận mẫu mới nhất, lập lại bộ hồ sơ khác - bổ sung hồ sơ theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22 tháng 10 năm 2013 về việc giải quyết các trường hợp liệt sĩ, thương binh, có công với cách mạng. Dù vẫn còn rất nhiều lo lắng khi nghĩ đến chuỗi thời gian 6 năm kiên nhẫn chờ đợi hồ sơ của chị được giải quyết, chúng tôi vẫn cảm thấy nhẹ lòng và đầy hy vọng.
Mặc dù chưa được Nhà nước chính thức vinh danh liệt sĩ, nhưng Ban lãnh đạo và Ban liên lạc Bệnh xá Bắc Tam Kỳ đã thống nhất biểu quyết trăm phần trăm cho khắc tên đồng chí Đỗ Thị Phiến vào Bia liệt sĩ của bệnh xá đặt tại làng Tiểu Tây, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh - nơi bệnh xá đứng chân lâu nhất trong kháng chiến. Cũng xin nói thêm là Nhà bia tưởng niệm liệt sĩ và tập kỷ yếu Bệnh xá Bắc Tam Kỳ tuy mới hoàn thành trong năm 2014 - 2015 nhưng tư liệu thực tế và giá trị lịch sử hoàn toàn nằm trong giai đoạn kháng chiến 1964 - 1975. Mong rằng qua bài viết này, các cơ quan chức năng, các tổ chức thông tin đại chúng… sẽ không đứng ngoài cuộc nhằm nhanh chóng đáp ứng nỗi bức xúc và lòng mong đợi của gia đình, của chúng tôi và của cả xã hội về trường hợp cụ thể này: Hy sinh vì sự nghiệp chống Mỹ cứu nước 47 năm rồi! Không chỉ riêng cá nhân tôi, tất cả anh chị em, đồng đội cũ trong ngày gặp mặt Bệnh xá Bắc Tam Kỳ vừa qua đã cùng có một ao ước: Ngày Thương binh liệt sĩ 27.7, gia đình, đơn vị, quê hương của chị Sáu cấp dưỡng Bệnh xá Bắc Tam kỳ sẽ được đón nhận BẰNG TỔ QUỐC GHI CÔNG liệt sĩ Đỗ Thị Phiến. Một điều ước vô cùng chính đáng và chúng tôi chưa bao giờ thôi hy vọng!
PHẠM THỊ LAN HOA