Chợ Hội An được tạp chí Lonely Planet bình chọn là một trong những thiên đường ẩm thực hấp dẫn của thế giới. Nơi đây không chỉ đặc sắc vì muôn vạn thức hàng, mà còn cuốn hút bởi chính chủ nhân của các hàng quán…
Khu ẩm thực ở chợ Hội An - một trong những điểm thu hút du khách khi đến với phố cổ. Ảnh: L.Q |
Ngôi chợ hàng trăm tuổi
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đức Minh, từng nhiều lần đau đáu về câu chuyện phố chợ Hội An, vẫn giữ trong lòng mình những ký ức về một phố chợ bên sông. Lịch sử vùng đất ghi lại, chợ Hội An, từ đời Thiệu Trị (nguyên niên 1841) trở về trước, hình thành ở khu vực đình Ông Voi hiện nay. Năm 1848, cư dân bản địa dời chợ về sát bến sông Bạch Đằng kéo dài lên trước mặt Chùa Ông để tiện việc buôn bán. Từ đó, chợ Hội An hình thành và phát triển mạnh cho đến ngày nay. Với những cư dân xứ Quảng, từ xưa đến nay, chợ Hội An luôn là nơi để bắt đầu chặng hành trình của mình. Họ từ chợ Hội An, ghé qua Vĩnh Điện, La Qua, Phú Chiêm mua sản vật, chiêng, trống… cho bạn nguồn, rồi lại tạt Bến Dầu, Phú Đa, Phú Thuận để trao đổi và san sẻ vật phẩm với người địa phương. Khi ấy, chợ kéo dài từ phía Chùa Cầu đến hết đường Bạch Đằng bây giờ. Những phiên chợ nhấp nhô nón lá, thấp thoáng tà áo dài dọc bờ sông Hoài, quang gánh nằm lẫn trong đám đông, bội cá cơm chất thành đống cao, người xưa đi chợ phiên như đi hội… Ấy là một ngôi chợ Hội An xưa, trong ký ức của những người trọng tuổi ở phố Hội, trong những bức hình trắng đen còn lưu dấu nơi những ngôi nhà cổ.
Ở vùng đất nào cũng vậy, những cái chợ truyền thống bởi ý nghĩa văn hóa của chúng đã kéo dài nhiều thập niên. Nhiều người tin rằng những cái chợ ấy đại diện cho một di sản tinh thần cần bảo vệ. Và chợ Hội An là một trong những không gian thương mại hiếm hoi còn mang dấu tích của một thời quá vãng, từ cái tinh thần của một “phố chợ” xưa cũ, sự dân dã chưa bị đồng hóa bởi vẫn còn đó, những mẹt hàng rau, hàng bánh, của những bà những mẹ ngồi dọc lối đi dẫn vào không gian bên trong. Chợ vẫn hoạt động với cùng nhịp điệu, thanh âm và phương thức của những thời mà Paul Doumer đã viết trong hồi ký “Xứ Đông Dương” của ông, hay sinh khí ngôi chợ vẫn giữ như những miêu tả của vị thừa sai Cristophoro Borri trong cuốn “Xứ Đàng Trong” năm 1621. Văn hóa và ký ức xã hội về một xứ sở cảng thị tấp nập, một cửa ngõ giao thương, vẫn còn thấp thoáng đâu đó, trong những góc tấp nập của ngôi chợ phố Hội An nay.
Đặc sản và câu chuyện vệ sinh thực phẩm
Khu phố chợ với cuộc sống đời thường gần gũi thân quen. Vẫn đầy những thức quê dù là chợ phố, vẫn những cụ bà trầm tư bên mẹt hàng, vẫn khung cảnh đẫm đầy hồn quê… Riêng ở gian hàng thực phẩm, du khách sẽ bắt gặp mùi quê xứ đặc sắc lan tỏa trong không gian dành riêng cho ẩm thực. Một ngôi chợ hiền lành, với những người phụ nữ hiền lành. Họ buôn bán những thức hàng đặc trưng của phố Hội, thậm chí của cả xứ Quảng Nam. Không cần phải đợi đến khi cơ quan chức năng thanh tra kiểm tra hay chính quyền địa phương bắc loa kêu gọi, tự bản thân mỗi tiểu thương tại chợ Hội An đã ý thức đến chuyện vệ sinh thực phẩm cho mỗi một thức hàng. Và những người mẹ, người chị buôn bán tại ngôi chợ tuổi đời hàng trăm năm này, vẫn luôn coi những vị khách đến với hàng quán mình như chính người nhà họ. Dù khách, chỉ mới đôi lần ghé lại.
Chị Dương Thị Hoa, với quầy cơm gà trong không gian ẩm thực của ngôi chợ, nói rằng, nếu buôn bán không thành thật, ít nhất với chất lượng thực phẩm của mình, sẽ dần dần đẩy khách hàng đi xa. “Bán ế rồi dẹp tiệm luôn, nếu mà hàng quán không sạch sẽ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, cơm dở, thịt bở…” - chị Hoa nói. Từ sáng sớm, chợ ẩm thực đã tấp nập bóng dáng các bà, các chị quẩy từng quang gánh nào bún, nào mì, nào xôi… bắt đầu buổi họp chợ. Khu chợ ẩm thực đông từ sáng sớm cho đến tối, phục vụ ăn uống “ngày ba bữa”. Ở đây, một nhịp sống đúng “chất” Hội An được gìn giữ gần như tuyệt đối. Các quầy hàng được bố trí san sát nhau, tuy nhỏ nhưng rất ngăn nắp, sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, trong mắt nhìn của chúng tôi. Từ hàng cao lầu, hàng bánh truyền thống, đến chén chè nóng nghi ngút khói trong ngày cuối năm… Người bán hàng luôn sử dụng găng tay, thức ăn được bày trong tủ kính, có màng lưới bọc cửa trong để tránh các loại côn trùng xâm nhập. Chỉ với vài chục nghìn đồng, khách đã có bữa ăn ngon miệng với các món chiên, xào, luộc… rất hấp dẫn, mà nguyên liệu chế biến được lấy từ những vùng khác nhau của Hội An. Phong cách bán hàng chuyên nghiệp và rất mến khách, cách chế biến truyền thống và cả sự biến tấu của các món ăn địa phương, cách pha chế thức uống và những câu chuyện về lai lịch món ăn… khiến khách đến không khỏi bị thu hút…
Những buổi chợ dãi dầu mưa nắng, của người mẹ vùng biển, vùng ven phố… rồi đến cuối cùng, cũng là để gói về trong mớ lá chuối miếng bánh nóng, miếng cơm, miếng thịt xiên khói cho những đứa con đang chờ ở nhà, rồi cũng đã qua, theo nhịp đời sống ngày một tân tiến. Nhưng vẫn còn đó, không chỉ trong ngôi chợ phố Hội, mà như là chỉ dấu của những ngôi chợ Việt, luôn luôn, không gian ẩm thực ở chợ, vẫn là thứ đặc sắc nhất. Một vùng đất sung túc, hiển hiện trong tất cả thức hàng bán ở đây. Một vùng đất còn nhiều khó nghèo, thì món ăn ở chợ, chắc hẳn, còn nhiều những bươn bả…
LÊ QUÂN - VINH ANH