Một người sách keo kiệt

HOÀNG VĂN MINH 28/04/2018 09:29

Hôm rồi về Huế ghé thắp nhang cho ôn Phan – cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan. Không kìm được nước mắt khi nhà lạnh, người vắng. Đã thế anh Chính - con của ôn còn bồi thêm: “Đợt lụt vừa rồi lại mục rữa thêm một mớ, toàn sách quý của ôn do bất ngờ không dọn kịp”. Thế là đau, buồn, giận, thương… đủ cả.

Theo một nghĩa nào đó, ôn Phan là người vô cùng keo kiệt với sách, đặc biệt là những bản sách quý hiếm, xuất bản từ trước năm 1975 mà ông may mắn có được. Nói keo kiệt là bởi sách quý nhiều vô kể, nhưng ông lại không sẵn sàng chia sẻ với người yêu sách và ham đọc sách, kể cả những cuốn sách họ rất cần. Ngay cả với tôi – người may mắn được ông coi là bạn vong niên lúc sinh thời, ông cũng chỉ mang sách ra dứ dứ hoặc thi thoảng cho xem dè sẻn vài trang.

Cứ nhớ mãi một mùa đông mưa dầm nào đó. Khi nghe tôi hỏi ý kiến về một số vấn đề liên quan đến một bút ký về Huế xưa mà tôi đang viết dở, ôn vào phòng sau lục lọi một hồi rồi mang ra một cuốn sách cổ đúng trọng tâm vấn đề tôi đang vướng. Nhưng ôn keo kiệt đến mức không cho tôi đụng đến sách. Ôn chỉ cẩn thận lật cho tôi chụp lại đúng 5 trang tôi cần và kiên quyết không cho xem những trang tiếp theo. Ôn bảo “yêu thương mi lắm tau mới cho chụp 5 trang chứ người khác thì đừng có mơ tau cho xem”.

Một lần khác, ôn lại cho tôi chụp 3 trang và dùng tay che lại trang tiếp theo không cho tôi chụp nữa. Tôi kéo tay ôn lên nhưng ôn bằng tất cả sức lực có thể của một người 70 tuổi kiên quyết níu lại. Tôi thua, ôn cười đắc thắng đi cất sách, rồi nói lại câu cũ: “Thương mi lắm tau mới cho chụp 3 trang…”.    

Tôi quen biết cố nhà nghiên cứu Hồ Tấn Phan từ sau trận lũ lịch sử năm 1999 nhấn chìm cả Huế. Năm đó ôn Phan bị lũ làm hỏng khoảng 1.000 cuốn sách, phần lớn trong đó là sách cổ quý hiếm. Sau đận lũ đó, ông vẫn là một trong không nhiều nhà nghiên cứu ở Huế sở hữu cho riêng mình một lượng sách lớn. Một vài năm trước khi ôn qua đời, tận mắt tôi chứng kiến ôn Phan bán cho những người chơi sách cổ ở TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội một lượng khá lớn. Khác với những người khác cùng bán sách ở Huế thời điểm đó, ôn Phan bán sách không phải vì cuộc sống khó khăn mà vì lấy tiền mua những mảnh gốm vỡ được trục vớt lên dưới lòng sông Hương nhằm thỏa mãn một thú đam mê khác – một cuộc nghiên cứu khác. Để rồi mọi thứ chợt dở dang và khép lại khi truyền nhân duy nhất là anh Chính - con trai ôn thừa nhận mình không đủ sức để theo đuổi công cuộc nghiên cứu, giải mã đồ gốm của ba mình. Đã thế đợt lũ năm rồi, không chỉ sách mà một lượng lớn đồ gốm cũng vỡ thêm, trôi lạc, mất mát…

Ở Huế, mỗi nhà nghiên cứu có một thái độ ứng xử khác nhau với sách. Ví như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan. Ông lập ra một thư viện trong nhà mình và mở cửa chào đón những ai có nhu cầu đọc, nghiên cứu sách bằng những thủ tục khoa học của một thủ thư vì ông xuất thân là… thủ thư của thư viện Trường THPT Hai Bà Trưng. Hay như nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, từ cách đây hơn 10 năm, ông đã cho số hóa tất cả sách và tài liệu nghiên cứu của mình rồi đưa lên mạng để phục vụ nhu cầu của mọi người. Họ coi đó là những tài sản dùng chung, trước hết vì lợi ích cộng đồng và phát triển xã hội. Còn ôn Phan và rất, rất nhiều người khác, họ coi sách của mình là những báu vật truyền thừa…
Tất nhiên ai cũng đúng cả. Chỉ là bây giờ đối diện với những hoang tàn, mất mát và nhớ về những trang sách có lẽ mãi mãi mình không thể nào biết được nội dung, bỗng dưng nghe mình giận ôn vô cùng. Một người sách keo kiệt…

HOÀNG VĂN MINH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Một người sách keo kiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO