Mùa gặt. Khi nỗi lo đốt đồng với hàng triệu tấn khí thải đang hiện hữu khắp nhiều vùng, tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra vì khói rơm rạ, thì ở làng quê Bình Trị (huyện Thăng Bình), hàng chục hộ dân lặn lội xa gần, thu mua rơm. Với nghề trồng nấm, những sợi rơm vàng không còn là phế thải...
Chất rơm.Ảnh: HẢI HOÀNG |
Lặn lội mua rơm
Những cánh đồng vàng mê mải, cây lúa trĩu bông, sẵn sàng vào vụ thu hoạch. Giữa vạt ruộng vừa gặt, ông Trương Văn Bảy (thôn Châu Lâm, xã Bình Trị) quệt mồ hôi, lấy nuộc lạt bó từng bó rơm lớn. Phía làng, sừng sững những đụn rơm khổng lồ chất gần túp lều phủ bạt. Là trại nấm. Rơm mà ông Bảy đang bó, sẽ được đưa về chất vào những đụn rơm kia, làm nguyên liệu cho hàng chục trại nấm trong thôn Châu Lâm. Mùa này, kiếm người bó rơm thuê như ông Bảy còn khó hơn kiếm nhân công đi gặt. Hai trăm nghìn đồng một công bó rơm, những người như ông Bảy cứ thế đi hết đồng này đến đồng khác, làm nghề bó rơm thuê cho các chủ trại nấm. “Ở đây là quá gần rồi. Chứ vài hôm nữa, phải đi tới tận Duy Xuyên, Quế Sơn, ngược lên Bình Lãnh, Bình Lâm. Cứ ở đâu có rơm là theo xe đi tới đó. Mấy đống rơm đằng kia, ngó thì to thiệt, nhưng chẳng nhằm nhò gì. Mấy trại nấm trữ rơm có khi dùng cho cả một năm, còn bự hơn nhiều” - ông Bảy chỉ tay về phía đụn rơm gần trại nấm.
Tôi theo con đường bê tông vào làng Châu Lâm, bắt gặp từng đống cuộn rơm vuông vức xếp dọc đường. Đó là bánh rơm thải ra từ trồng nấm, mà người dân tập kết chờ chở đi. Thứ này, sẽ làm phân bón cho đủ thứ cây trồng. Dân làng chỉ vào nhà ông Lê Viết Bảy, người vừa trồng nấm rơm, vừa cung ứng giống, vật tư cho người làm nấm ở quanh vùng. Sân nhà ngổn ngang từng gói rơm đã đóng bánh, cho vào bịch ni-lông. Cạnh nhà, ngoài những lều trồng nấm, đụn rơm đã vơi lắm, nhưng vẫn còn lớn gấp năm, sáu lần một cây rơm bình thường. Những cánh đồng ngút mắt quanh xã này, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ cho nhu cầu rơm trồng nấm khổng lồ ở các trại. Chủ tịch xã Bình Trị, ông Lê Viết Mãnh nhẩm tính, xã có chừng ba trăm héc ta đất trồng lúa, nhờ nước trời. Kể cả vụ mùa thắng lợi, cũng chỉ đáp ứng được xấp xỉ một phần tư nhu cầu thu mua rơm của các trại nấm trong xã. “Từ mười năm trở lại đây, nghề trồng nấm xuất hiện và trở thành nguồn thu nhập đáng kể của người dân địa phương. Xã không có nhà máy, xí nghiệp, nhưng nghề trống nấm giải quyết nhu cầu việc làm cho một lượng lớn nhân công, đến mùa gặt, giá thuê nhân công càng tăng mạnh. Rơm rạ từ một thứ chỉ làm thức ăn phụ cho trâu bò, bỗng trở nên có giá. Tính bình quân, một sào rơm về đến nhà có giá lên đến gần 400 nghìn đồng. Trong khi nhu cầu thu mua rơm mỗi năm lên đến hơn một nghìn héc-ta”- ông Mãnh chia sẻ.
Với nghề bó rơm thuê, ông Trương Văn Bảy có thêm thu nhập những ngày vào vụ gặt.Ảnh: THÀNH CÔNG |
Còn chừng mười ngày nữa mới bắt đầu gặt rộ. Lúa còn nằm trên đồng, nhưng rơm thì... đã có người đặt chỗ. Các hộ trồng nấm vốn đã dặn chừng các mối quen, hễ gặt xong là báo ngay để thuê nhân công bó rơm, chở về trại. Những chuyến xe đi về tận Mộc Bài (Quế Sơn), Duy Trinh, Duy Phước (Duy Xuyên), xuống vùng đông Thăng Bình để chở rơm về trữ. Nhờ đó, người dân quê có thêm nghề bó rơm thuê. Những người đi bó rơm, còn kiếm được bộn tiền nhờ... nuộc lạt. Năm trăm đồng một cặp nuộc lạt bó rơm, xe đón đưa tận nơi, có ngày công là có tiền.
Biến rơm thành tiền
Cả xã Bình Trị, nay có hơn một trăm hộ làm nghề sản xuất nấm rơm. Từ vài ba hộ tự phát ban đầu, việc trồng nấm rơm đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, từ đó bắt đầu lan rộng. Chúng tôi vào làng Việt Sơn, không quá khó để tìm gặp những trại nấm nằm khuất giữa vườn tược. Ông Thái Tấn Dũng phơi mình giữa nắng, hất từng đám rơm phủ lên mái trại nấm để làm mát cho trại. Từ nghề làm nông, ông chuyển sang trồng nấm rơm từ ba năm nay. Một đợt trồng nấm dài mười lăm ngày, ông Dũng dùng ba nghìn bánh rơm. Công đóng bánh, phải thuê, với giá bốn mươi nghìn đồng cho một trăm bánh. Đụn rơm trước nhà ông, giờ đã sắp cạn. Trồng nấm rơm, những người như ông Dũng canh ngày giờ bỏ giống, để tính toán sao cho nấm ra đúng đợt ngày rằm, hoặc mùng một. Nấm ra những ngày đó được giá, lại dễ tiêu thụ. “Nấm rơm chưa phải đem bỏ bao giờ, chỉ có giá cả thì lên xuống tùy theo trúng hay trật mùa. Với giá dao động từ năm mươi nghìn đồng đến hai trăm nghìn đồng mỗi ký, tính bình quân, mỗi tháng gia đình tôi thu lãi cỡ khoảng mười lăm đến hai mươi triệu đồng, cao hơn làm nông trước kia rất nhiều” - ông Dũng nói.
Với 5 lều trồng nấm, ông Trần Tứ cần đến hơn hai mươi mẫu rơm mỗi năm.Ảnh: THÀNH CÔNG |
Ba mươi lăm mẫu rơm mỗi năm, là con số mà ông Dũng nhẩm tính cho chúng tôi về lượng rơm mình phải lặn lội đi mua khắp các cánh đồng trong và ngoài huyện. Rơm trở thành nỗi lo thường trực nhất của người làm nấm như ông Dũng, vì chỉ loay hoay qua vụ gặt, là phải đi hàng chục cây số tìm rơm về trữ dùng dần. Năm này qua năm khác, ông chạy tìm rơm, nhiều khi phải chấp nhận cạnh tranh giá cả để bám với nghề trồng nấm. Cách không xa nhà ông Dũng, gia đình ông Trần Tứ cũng vừa xong mẻ bánh rơm, chờ ngày bỏ meo giống cho lên nấm. Ông Tứ có năm lều trồng nấm, cỡ khoảng một ngàn rưỡi bánh mỗi kỳ, đến vụ gặt cũng phải ngược xuôi hàng chục cây số để lấy cho đủ hai mươi mẫu rơm để dành. “Máy gặt xong, tôi tới tận ruộng để trả tiền mua rơm, rồi thuê người bó, thuê xe chở về phơi. Trước đây, nghề này còn ít người làm, thành ra dễ xoay xở rơm. Giờ nhiều nhà làm, quy mô càng ngày càng lớn, nên mình cũng phải chi nhiều tiền hơn, đi xa mới có đủ rơm. Nghề này thu nhập thuộc dạng khá, nhưng phải chăm kỹ, tự tìm bí quyết riêng, chứ không ai chịu bày dạy tỏ tường hết đâu” - ông dẫn chúng tôi đi giữa lều trồng nấm, giảng giải.
Rơm về làng nấm. Trong khi nhiều địa phương ở đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long đau đầu với nạn đốt rơm, thì nơi này, rơm lại giúp đẻ ra tiền. Đầu tháng tư này, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn trên cao tốc Long Thành - Dầu Giây ở Đồng Nai làm nhiều người bị thương. Trộm nghĩ, không có những núi rơm gom từ biết bao cánh đồng dọc quốc lộ, dọc đường cao tốc, biết đâu đấy, một vụ việc tương tự có thể xảy ra, vì đốt rơm. Và nữa, với hơn bốn mươi triệu tấn rơm rạ mà cả nước tạo ra mỗi năm, đẩy lượng khí thải lớn vào không khí do đốt rơm, thiệt hại về môi trường, khó có thể đo đếm được. Chuyện trồng nấm, giản dị vậy, mà ngó chừng góp công không nhỏ! Phế thải của nghề làm nấm, trở thành một loại phân hữu cơ khá tốt, và cũng đã được chính quyền địa phương đề xuất xây dựng một nhà máy xử lý làm phân vi sinh bón cho cây trồng. Ông Lê Viết Mãnh, Chủ tịch xã Bình Trị thông tin, rằng xã đã báo cáo lên UBND huyện để đề xuất liên minh hợp tác xã đầu tư, xử lý dứt điểm chất thải sau thu hoạch nấm. Vậy là đỡ hẳn nỗi lo môi trường, nhà nông có quyền yên tâm với những trại nấm, với nghề bắt rơm “đẻ ra tiền” ngay trong chính những khu vườn.
Từ những đụn rơm, người trồng lúa có thêm nguồn thu, dân quê thì thêm một nghề, chẳng quá nhàn nhã nhưng cũng không đến nỗi vất vả như những ngày xưa cũ. “Một sợi rơm vàng, hai sợi vàng rơm...”, câu hát trẻ thơ mà nghe chừng thời sự. Với nghề trồng nấm, những sợi rơm hóa vàng...
Phóng sự của THÀNH CÔNG