Sau thời gian tạm dừng để chờ hướng dẫn mới, việc giám định nạn nhân chất độc da cam (gọi tắt là giám định da cam) tại Quảng Nam đã được thực hiện trở lại từ tháng 7.2014. Điều này tạo điều kiện cho nhiều người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) tiếp tục được giám định để hưởng trợ cấp của nhà nước.
Cuối tuần qua, có khá đông người đến với phiên giám định da cam đầu tiên của tháng 8.2015, tiền sảnh tầng 2 Trung tâm Giám định Y khoa (GĐYK) tỉnh kín người. Từng trường hợp được mời vào phòng Hội đồng GĐYK để tham gia phiên giám định, trao đổi kết quả khám và thông tin tình hình bệnh tật trước khi được mời ra về chờ kết quả. Được biết, mỗi phiên giám định diễn ra trong 2 ngày. Ngày đầu tiên, Trung tâm GĐYK tổ chức khám cho người dân, sang ngày thứ hai sẽ thông báo kết quả giám định (hiện nay kết quả được gửi về địa phương).
Cũng là đền ơn
Người dân đi giám định da cam đến từ nhiều địa phương trong tỉnh. Đa phần họ đều tuổi cao, đi lại khó khăn, nhiều người phải có con cháu đưa đi. Chờ kết quả giám định, ai cũng mong mình được công nhận có bệnh. Bởi, có đúng bệnh như quy định sẽ quyết định đến việc được hưởng trợ cấp da cam hay không. Bà Huỳnh Thị Thông (70 tuổi, ở thôn 6, xã Tiên Thọ, Tiên Phước) tham gia kháng chiến, phục vụ công tác quân y tại chiến trường giai đoạn 1962 - 1973. Được sự giới thiệu của Phòng LĐ-TB&XH huyện, bà Thông đến Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước khám và được chẩn đoán bị bệnh thần kinh ngoại biên bán cấp tính. Đây là một trong 17 loại bệnh thuộc danh mục bệnh liên quan đến phơi nhiễm CĐHH, do đó Phòng LĐ-TB&XH hướng dẫn bà làm hồ sơ gửi lên Sở LĐ-TB&XH để được hưởng trợ cấp đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm CĐHH.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Chín tặng quà cho các nạn nhân da cam tại lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh (20.7.2015). Ảnh V.ANH |
Bà Thông cho biết hồ sơ của bà gửi đi cách đây vài tháng và nay được thông báo mời lên tỉnh để giám định. Bà chia sẻ rằng, trường hợp của mình như vậy là quá nhanh, bởi có nhiều người gửi hồ sơ xong phải chờ đợi hàng năm trời mới được giám định. Bà Thông nói: “Đất nước chiến tranh, tôi và nhiều người đã tình nguyện cống hiến tuổi xuân cho đất nước mà không hề suy nghĩ được mất của bản thân. Nay hòa bình, đất nước phát triển, Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến người tham gia kháng chiến, trong đó có chính sách hỗ trợ như là sự tri ân, đền ơn đáp nghĩa cho người bị phơi nhiễm CĐHH, chúng tôi cũng thấy ấm lòng”.
Nỗ lực vì nạn nhân da cam
Ông Hồ Hữu Tuấn - Giám đốc Trung tâm GĐYK, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng GĐYK tỉnh cho biết, trước số lượng tồn đọng hồ sơ CĐHH trên địa bàn tỉnh quá lớn, UBND tỉnh đã có chỉ đạo đẩy nhanh giải quyết. Với nhiệm vụ được giao trong giám định bệnh tật đối với người bị phơi nhiễm CĐHH, thời gian qua, cán bộ nhân viên trung tâm và Hội đồng GĐYK tỉnh đã có nhiều nỗ lực đẩy nhanh việc giám định, theo hướng tăng cả số phiên và số đối tượng trên mỗi phiên giám định. Nếu lúc trước mỗi tháng trung tâm chỉ tổ chức 2 phiên giám định cho người bị phơi nhiễm CĐHH thì nay đã tăng lên 4 phiên. Nhiều đợt còn tổ chức giám định vào cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật. Trong 6 tháng đầu năm 2015, trong tổng số hơn 400 lượt người đến khám, Hội đồng GĐYK tỉnh xác định có 61 trường hợp “có bệnh” do phơi nhiễm CĐHH.
Hội đồng Giám định Y khoa tỉnh đang tích cực làm việc với mong muốn nạn nhân chất độc hóa học sớm được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ảnh: V.ANH |
Từ nay đến cuối năm, Trung tâm GĐYK tỉnh đặt mục tiêu giám định CĐHH cho khoảng 2.000 trường hợp, giải quyết tương đối lượng hồ sơ đề nghị hưởng chế độ CĐHH còn tồn đọng. Ông Tuấn cho biết thêm, cùng với việc tăng phiên, tăng số người giám định trên mỗi phiên, thời gian qua, Trung tâm GĐYK tỉnh đã thực hiện tốt công tác cải cách hành chính nhất là việc triển khai đề án “một cửa”, “một cửa liên thông” như: bố trí bộ phận làm việc “một cửa”, tiếp dân, hộp thư góp ý… Đơn vị cũng đã công khai hóa thủ tục cũng như việc thu các loại phí giám định theo quy định, đồng thời trao đổi, giải đáp thắc mắc cho đối tượng đến giám định.
ANH ĐÔNG
Công bằng cho nạn nhân da cam
ThờiI gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin (CĐDC) tỉnh đã có nhiều hoạt động chăm sóc, vận động giúp đỡ nạn nhân da cam, đồng thời gia vào Hội đồng Giám định y khoa tỉnh trong việc theo dõi, giám sát việc giám định da cam cho người tham gia kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Nguyễn Anh Cả - Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh cho biết, hiện nay số người bị phơi nhiễm CĐHH trên toàn tỉnh khoảng 35 nghìn trường hợp, trong đó mới chỉ có khoảng 5,5 nghìn người được công nhận là nạn nhân da cam và hưởng chế độ trợ cấp. Tuy nhiên, trong số này có hơn 800 người đã qua đời.
- PV:Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh thời gian qua đã làm gì để bảo đảm quyền và lợi ích cho nạn nhân da cam, thưa ông?
- Ông Nguyễn Anh Cả: Với vai trò là thành viên Hội đồng Giám định y khoa tỉnh, thời gian qua, một mặt hội có tiếng nói với cấp trên, với các cấp chính quyền và đặc biệt là ngành chủ quản ở trung ương nhằm phản ánh những bức xúc, khúc mắc từ cơ sở, đồng thời đề nghị phải có những chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình hiện nay đối với nạn nhân da cam. Về vấn đề giám định da cam, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh đã cùng với Sở LĐ-TB&XH rà soát hồ sơ trước khi giám định để xác định có đúng đối tượng phơi nhiễm và có nằm trong bản đồ rải chất độc hóa học trên địa bàn tỉnh hay không. Hội cũng đã đề nghị Hội đồng Giám định y khoa ưu tiên tổ chức giám định trước cho những trường hợp bị bệnh nặng, lớn tuổi (70 tuổi trở lên), trường hợp ở vùng sâu vùng xa, mặc dù có thể hồ sơ họ tiếp nhận sau. Ngoài ra, hội tích cực vận động các tổ chức, cá nhân chung tay giúp đỡ để nạn nhân da cam có điều kiện vươn lên trong cuộc sống.
- PV:Ông trăn trở điều gì với công tác giám định da cam hiện nay?
- Ông Nguyễn Anh Cả: Một số điều bất hợp lý hiện nay khiến tôi rất bức xúc. Chẳng hạn, có cùng loại bệnh nhưng nhiều trường hợp người trẻ tuổi hơn được công nhận hưởng chế độ còn nhiều người già yếu, lớn tuổi, từng sống trong những vùng bị rải chất độc lại không được. Điều này, tôi cũng đã kiến nghị nhiều lần đến các đoàn công tác của trung ương về làm việc. Tôi vẫn thấy day dứt và đôi khi cảm thấy mình làm chưa tròn trách nhiệm. Tất nhiên điều này cũng xuất phát từ việc ban hành những quy định không thống nhất từ trung ương. Ví dụ như, chỉ trong vòng một tháng mà trung ương có 2 quyết định trái ngược nhau, ban đầu thì bảo dừng tiếp nhận hồ sơ đối với bệnh thần kinh ngoại biên (vì số lượng hồ sơ quá nhiều), sau người dân bức xúc thì lại cho tiếp nhận trở lại. Điều này vừa gây lúng túng cho cơ sở, lại khiến người dân bức xúc.
- PV:Ông mong muốn điều gì, dành cho nạn nhân da cam?
- Ông Nguyễn Anh Cả: Là người công tác trong tổ chức hội đại diện cho nạn nhân da cam, chúng tôi cho rằng điều cần thiết là phải đẩy nhanh việc giám định để làm sao có thêm nhiều người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ. Điều này rất quan trọng, vì những trường hợp còn lại hầu hết đã lớn tuổi, không còn sống được bao lâu nữa mà cứ phải mãi chờ đợi thì thật bất công. Có trường hợp, hai người cùng sống một làng, cùng đi bộ đội với nhau, một người làm hồ sơ trước đã được công nhận hưởng chế độ, một người bây giờ mới làm hồ sơ thì không được.
- PV:Xin cảm ơn ông!
VINH ANH (Thực hiện)