Nhem nhuốc trong mớ than đá đen nhẻm, một số người dân thôn Trung Thượng (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn) tranh thủ “mót” than để cải thiện cuộc sống gia đình trong những ngày nông nhàn.
Đã một tuần nay, trước cổng nhà máy nhiệt điện Nông Sơn (thuộc Công ty CP Than - điện Nông Sơn) xuất hiện một số người đi “mót” than. Để tránh cái nắng gắt ban trưa và mưa dông buổi chiều, họ căng bạt làm lều trại che tạm bợ. Ngày làm việc của những người “mót” than bắt đầu từ sáng sớm đến tối mịt. Mỗi ngày như vậy, một người làm được khoảng 1 tấn than còn lẫn tạp chất, sau khi sàng lọc, loại bỏ đất đá, lượng “than sạch” thu được khoảng nửa tấn. Bà Trần Thị Vẻ - một người “mót” than cho biết, với giá bán 400 - 600 nghìn đồng/tấn, mỗi ngày vợ chồng bà thu được khoảng 300 - 400 nghìn đồng. Trong khi đó, than khai thác trong mỏ của Công ty CP Than - điện Nông Sơn bán với giá khoảng từ 1,5 - 2 triệu đồng/ tấn.
Những người mót than ở bãi than Nông Sơn. Ảnh: TÂM - CHÂU |
Ông Đinh Thành Chung - Trưởng thôn Trung Thượng cho biết, hiện nay thôn có 3 bãi đổ than trung chuyển, thu hút khoảng 20 lao động làm việc mỗi ngày. Công việc của họ là xúc than từ dưới bãi lên xe. Thu nhập được tính theo khối lượng sản phẩm, bình quân mỗi người thu nhập khoảng 200 nghìn đồng/ngày. So với “mót” than, việc làm này có phần nhẹ nhàng hơn. |
“Mót” than ở đây được gần 1 tuần, ông Nguyễn Phương (thôn Trung Thượng, xã Quế Trung) chia sẻ, chỉ mong kiếm thêm vài đồng để gửi cho người con trai lớn đang vướng vòng lao lý. Nhìn ông phơi tấm lưng gầy dưới nắng trưa, mồ hôi nhễ nhại chảy theo những đường than đen sì trên da mới biết “mót” than gian nan cỡ nào. Dù vậy, khi đào được mẻ than đạt chất lượng, nụ cười vẫn nở trên khuôn mặt khắc khổ của ông. “Mót than một ngày bán được bằng tiền công làm phụ hồ nhưng đào than lem luốc, vất vả hơn nhiều. Trong lúc nông nhàn, rảnh rỗi thì có than để mót như thế này là quý lắm” - ông Phương tâm sự. Bà Vẻ tiếp lời: “Mấy hôm nay trời mưa nắng thất thường, người ta tạm ngưng thu mua keo nên chúng tôi không có việc gì làm. Cũng may phát hiện chỗ than này, mấy người rủ nhau đi mót, kiếm thêm vài đồng mua gạo mua muối để dành cho mùa mưa bão sắp tới”.
Dưới thời Pháp thuộc, khu vực nhà máy nhiệt điện Nông Sơn là nơi trung chuyển than. Than được khai thác tại mỏ bằng phương pháp thủ công, đẩy bằng xe goòng ra đây, từ đó than theo những chuyến đò xuôi về cảng. Sau này, khi than được vận chuyển bằng phà qua sông Thu Bồn rồi chuyển bằng đường bộ đi khắp nơi thì chỗ này không còn là nơi trung chuyển nữa. Lâu ngày, lớp than vương vãi trên nền đất được nén chặt và dần bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Đến nay, khi công trình nhà máy nhiệt điện Nông Sơn được xây dựng, lớp đất phía trên được múc đi, lớp than cũ bỗng dưng trở thành “mỏ than lộ thiên” và cũng trở thành chỗ mưu sinh cho những người nghèo ở Quế Trung. Với những dụng cụ thô sơ như búa, xẻng, cuốc chim, người dân làm việc luôn tay như một dây chuyền: người đào, người cuốc, người sàn, người xúc lên xe tải bán cho thương lái.
TÂM LÊ - CHÂU NỮ